Huyện Ðiện Biên

Ða dạng ngành nghề đào tạo cho lao động nông thôn

14:35 - Thứ Sáu, 10/08/2018 Lượt xem: 10997 In bài viết
ĐBP - Hiện nay, huyện Ðiện Biên có trên 59% dân số trong độ tuổi lao động. Thông qua các chương trình, dự án dạy nghề cho lao động nông thôn gắn với giải quyết việc làm, hỗ trợ phát triển sản xuất, mỗi năm huyện tạo việc làm cho hàng trăm lao động.

 

Chị Vì Thị Thoa, đội 11, xã Thanh Luông cho cá ăn.

Có nguồn lao động khá lớn song trên địa bàn huyện Ðiện Biên chủ yếu là lao động phổ thông; trong đó phần lớn là lao động nông nghiệp chưa qua đào tạo. Do vậy, công tác đào tạo nghề được huyện tập trung chủ yếu vào các nghề trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp nên khoảng 2 năm trở lại đây, 100% lớp đào tạo nghề tổ chức trên địa bàn là các lớp nghề nông nghiệp. Qua rà soát nhu cầu học nghề của người lao động, hàng năm huyện xây dựng kế hoạch đào tạo nghề theo nguyện vọng của người lao động, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của từng xã. Trong đó tập trung phối hợp với Trường Cao đẳng Nghề Ðiện Biên, Trung tâm Giới thiệu việc làm (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội), Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh mở các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn theo Ðề án 1956 của Chính phủ; tổ chức tuyên truyền, tuyển lao động phổ thông làm việc tại các khu công nghiệp ở ngoại tỉnh. Từ đầu năm 2018 đến nay, toàn huyện đã mở 8 lớp đào tạo nghề với 280 học viên tham gia. Nhiều lao động sau khi học nghề đã áp dụng được kiến thức, kỹ năng mới vào sản xuất, góp phần tăng năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, tăng thu nhập. Ðiển hình là chị Vì Thị Thoa (đội 11, xã Thanh Luông). Ðầu năm 2018, chị Thoa tham gia lớp đào tạo nghề nuôi cá rô phi đơn tính, sau khi kết thúc lớp học, với gần 3.000m2 ao, chị Thoa đầu tư mua 1.000 con cá giống về nuôi. Chị Thoa chia sẻ: Trước khi tham gia lớp đào tạo nghề, tôi chỉ nuôi các loại cá tạp, không có kỹ thuật chăm sóc nên thời gian nuôi rất dài. Khi tham gia lớp đào tạo nghề nuôi cá rô phi đơn tính, nhận thấy hiệu quả kinh tế loài cá này mang lại, tôi mạnh dạn mua cá giống về nuôi, áp dụng những kiến thức vừa học vào thực hành ngay tại ao nhà. Cứ sau 4 - 5 tháng, tôi xuất bán một lứa cá; doanh thu gần 50 triệu đồng/lứa.

Ông Trần Văn Bốn, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Ðiện Biên, cho biết: Nhìn chung công tác đào tạo nghề đã đáp ứng cơ bản nhu cầu học nghề của người lao động và góp phần giải quyết một phần việc làm cho lao động nông thôn. Tuy nhiên công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như: Trên địa bàn huyện không có doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất, chủ yếu là cơ sở sản xuất kinh doanh quy mô nhỏ lẻ nên không tuyển lao động qua đào tạo dưới 3 tháng và không có doanh nghiệp nhận bao tiêu sản phẩm cho lao động sau đào tạo; công tác tuyên truyền vận động ở một số địa phương chưa thường xuyên, sâu rộng; nhận thức về học nghề của người lao động chưa cao. Lao động tham gia học nghề nông nghiệp chủ yếu là tự tạo việc làm tại gia đình nên thu nhập bấp bênh. Nghề nông nghiệp rất thiết thực nhưng đào tạo xong người dân chưa phát huy được do thiếu vốn và không có điều kiện tổ chức sản xuất. Bên cạnh đó, tâm lý người lao động ngại đi làm việc xa gia đình nên giải quyết việc làm thông qua xuất khẩu lao động, làm việc tại các khu công nghiệp ngoài tỉnh còn hạn chế. Vì vậy, trong thời gian tới, cùng với việc nâng cao chất lượng lao động sau đào tạo, tranh thủ nguồn vốn triển khai các dự án phát triển sản xuất, tạo việc làm tại chỗ thì đa dạng đào tạo ngành nghề nhằm chuyển đổi cơ cấu lao động trong nông nghiệp, nông thôn là điều thật sự cần thiết. Ðơn cử như những nghề: giúp việc, trông giữ trẻ hiện nay nhu cầu lớn, tuy nhiên lại chưa có lớp đào tạo nghề chính quy nào, mà mới chỉ dừng lại là đi làm theo yêu cầu của người cần thuê và làm theo kinh nghiệm. Ðể nâng cao chất lượng dạy nghề cũng như giải quyết việc làm sau khi đào tạo cho lao động nông thôn, huyện cần đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị cho Trung tâm Dạy nghề của huyện. Có kế hoạch đào tạo nghề gắn với nhu cầu thực tế phát triển kinh tế địa phương. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nêu gương những người sau học nghề áp dụng vào sản xuất có hiệu quả để thay đổi nhận thức của bà con.

Bài, ảnh: Lan Phương
Bình luận
Back To Top