Nâng cao chất lượng gạo mới mong chiếm lĩnh được thị trường

15:41 - Thứ Hai, 13/08/2018 Lượt xem: 8585 In bài viết

Tuy nhiên, xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc đang gặp khó khăn, trong khi đây là thị trường đang chiếm thị phần lớn nhất của Việt Nam.

Thống kê mới nhất từ Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn - NN&PTNT) cho thấy, hết tháng 7, xuất khẩu gạo ước đạt 3,9 triệu tấn và gần 2 tỷ USD, tăng 12,2% về khối lượng và tăng 29,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Giá gạo xuất khẩu bình quân nửa đầu năm đạt 508 USD/tấn, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước.

Nửa đầu năm nay, Trung Quốc tiếp tục đứng vị trí thứ nhất nhập khẩu gạo của Việt Nam với 26,8% thị phần, tiếp theo là Indonesia với 18,2% thị phần và Philippines với thị phần 10,4%. 

Đáng chú ý, xuất khẩu gạo sang các thị trường như Iraq, Malaysia, Philippines, Bờ Biển Ngà đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước với giá trị và mức tăng tương ứng lần lượt là 85,5 triệu USD, gấp 2,5 lần; 138,2 triệu USD, tăng gấp 2,1 lần; 183,4 triệu USD, tăng 76,8% và 66,4 triệu USD, tăng 16,8%. 

Trong khi đó, dù đứng ở vị trí hàng đầu trong các thị trường xuất khẩu gạo Việt, song nửa đầu năm nay, xuất khẩu gạo sang Trung Quốc lại chỉ đạt 891,7 nghìn tấn, tương đương 474,8 triệu USD, giảm 27,4% về khối lượng và giảm 14,6% về giá trị. Và trong các loại gạo thì gạo thơm hiện đang được Trung Quốc nhập khẩu mạnh. 

Đại diện Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho hay: “Trung Quốc hiện vẫn là thị trường tiêu thụ gạo nếp lớn nhất của Việt Nam với thị phần trên 80%. Tuy nhiên, từ tháng 7 vừa qua, Trung Quốc tăng thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch với gạo nếp từ 5% lên 50% khiến xuất khẩu gạo nếp sang thị trường này giảm mạnh và giá xuất khẩu cũng giảm 50 – 60 USD/tấn so với trước khi áp thuế, xuống còn 425 – 435 USD/tấn”. 

Ngoài ra, xuất khẩu gạo sang Trung Quốc còn bị siết chặt hơn bởi một số chính sách kiểm dịch của nước này.

Có thể thấy dư địa xuất khẩu nông sản nói chung, gạo nói riêng sang thị trường Trung Quốc còn rất lớn. Tuy nhiên, từ nông dân cũng như các doanh nghiệp cần nhìn nhận lại, Trung Quốc không còn là thị trường đông dân dễ tính. 

Quốc gia này ngày càng kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu, coi trọng chất lượng sản phẩm. Hàng hóa nhập khẩu cũng đang được Trung Quốc chuyển dịch dần từ tiểu ngạch sang chính ngạch để kiểm soát chất lượng, giảm thất thu thuế. 

Từ nay đến cuối năm, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nhận định: Thị trường Trung Quốc tăng thuế nhập khẩu và tăng cường kiểm soát chất lượng là yếu tố quan trọng khiến cho ngành gạo đối mặt nhiều khó khăn khi muốn tăng xuất khẩu.  

TS.Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long cho rằng, không thể xem đây là những động thái gây khó của phía  Trung Quốc, các doanh nghiệp nên nhìn nhận ở góc độ tích cực hơn, làm sao tuân thủ chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm,  đáp ứng tốt yêu cầu của nước bạn. 

Ngoài ra, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cũng khuyến cáo, bên cạnh tập trung đẩy mạnh kiểm soát chất lượng gạo xuất khẩu, các doanh nghiệp cần thúc đẩy, tìm kiếm thêm các thị trường xuất khẩu mới, tránh lệ thuộc thị trường Trung Quốc.

P.V (Theo CAND)
Bình luận
Back To Top