Ðể sản phẩm chủ lực thực sự chủ lực

08:23 - Thứ Năm, 16/08/2018 Lượt xem: 9400 In bài viết
ĐBP - Việc phát triển các sản phẩm chủ lực có ý nghĩa quan trọng, góp phần tạo ra những sản phẩm hàng hóa có giá trị, có lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Tuy nhiên, tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, liên kết thiếu bền vững khiến sản phẩm chủ lực mà chưa thực sự là chủ lực, đã ảnh hưởng đến việc đầu tư phát triển bền vững, nâng cao giá trị kinh tế, tăng thu nhập cho người dân cũng như đóng góp vào việc thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp như mong muốn.

Còn nhớ hơn 1 năm về trước, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tổ chức Hội thảo bàn các giải pháp tổ chức thực hiện Ðề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020 trên địa bàn. Một trong số nội dung được các đại biểu tập trung bàn thảo và thống nhất cao tại hội thảo đó là các địa phương xây dựng phương án lựa chọn phát triển từ 2 - 3 sản phẩm chủ lực, có lợi thế cạnh tranh, có thị trường tiêu thụ để tạo thành sản phẩm hàng hóa theo hình thức chuỗi liên kết để tổ chức thực hiện Ðề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trên địa bàn. Ngay sau hội thảo này, các địa phương đã đăng ký sản phẩm chủ lực theo phương hướng sản xuất hàng hóa gắn với doanh nghiệp, với thị trường tiêu thụ theo mô hình chuỗi liên kết giá trị, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

 

Chè tuyết shan Tủa Chùa được chế biến thủ công theo quy mô hộ gia đình tại xã Tả Sìn Thàng.

Chè tuyết shan an toàn là 1 trong 2 sản phẩm được huyện Tủa Chùa lựa chọn phát triển là sản phẩm chủ lực theo chuỗi liên kết. Với những lợi thế hiện có đó là vùng nguyên liệu đã phát triển khá rộng tại 4 xã phía Bắc của huyện với tổng diện tích 577,4ha (trong đó, hơn 243,2ha chè kinh doanh đã cho thu hái ổn định); sản lượng chè búp tươi hàng năm đạt hơn 80 tấn. Ông Tô Văn Tuân, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tủa Chùa cho biết: Lợi thế đáng kể đó là sản phẩm chè tuyết shan đã xây dựng được thương hiệu từ năm 2010 nhờ sự hỗ trợ của tổ chức Jaica Nhật Bản và hiện đã được Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản công nhận là sản phẩm an toàn. Ðể chế biến kịp thời lượng chè búp ngay sau khi thu hái, hiện nay 3 xưởng chè hoạt động với công suất từ 0,3 - 1 tấn chè búp tươi/ngày/xưởng đã được UBND huyện Tủa Chùa đầu tư xây dựng. Việc thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm do Công ty Cổ phần Giống nông nghiệp Ðiện Biên trực tiếp thực hiện. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân mà đến nay sản phẩm chè tuyết shan an toàn tiêu thụ không ổn định dẫn đến lượng tồn kho các năm khá lớn, có năm lên tới 40% tổng sản lượng chế biến. Qua phân tích phân khúc sản xuất, liên kết cho thấy, chủ yếu là do khả năng hoạt động của Công ty Cổ phần Giống nông nghiệp Ðiện Biên còn hạn chế, công nghệ chế biến chưa đáp ứng nhu cầu thị hiếu người tiêu dùng, giá thành sản phẩm cao nên sức cạnh tranh kém hơn so với những sản phẩm tương tự…

Chung tình trạng giống chè tuyết shan an toàn Tủa Chùa là sản phẩm chủ lực, dứa, dong riềng (Mường Chà); lúa nếp tan (Ðiện Biên Ðông); cà phê Arabica Mường Ảng, cà phê phin giấy Arabica Mường Ảng hay lúa chất lượng cao, ngô hàng hóa, rau an toàn của huyện Ðiện Biên… Dù được xác định là sản phẩm chủ lực của địa phương, song thực tế đến nay các sản phẩm này chưa thực sự phát triển bền vững, vẫn rơi vào vòng luẩn quẩn “được mùa rớt giá”, “đầu ra” cho sản phẩm không ổn định, giá cả bấp bênh, hiệu quả kinh tế mang lại chưa thực sự tương xứng với giá trị thật của hàng hóa. Trước thực trạng đó, huyện Ðiện Biên đã tập trung xây dựng phương án phát triển sản phẩm chủ lực của địa phương theo liên kết chuỗi với các giải pháp trọng tâm là tổ chức lại sản xuất theo vùng chuyên canh, tập trung, cánh đồng lớn gắn với chuỗi giá trị. Trong đó, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác là “đầu kéo” cho sản xuất trên cơ sở huy động cao các nguồn lực xã hội, các thành phần kinh tế tham gia; tập trung hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ, cung cấp thông tin, dịch vụ, phát triển thị trường. Mục tiêu đặt ra đến năm 2020, toàn huyện gieo trồng 6.860ha lúa chất lượng cao; sản lượng hơn 48.000 tấn. Quy hoạch vùng sản xuất lúa chất lượng cao tập trung tại các xã vùng lòng chảo và lựa chọn 2 giống lúa chất lượng cao là Tám thơm, IR64 để xây dựng thương hiệu theo chỉ dẫn địa lý gạo Ðiện Biên. Huyện sẽ trồng 4.640,8ha ngô, tập trung phát triển bằng các hình thức tăng hệ số sử dụng đất; thực hiện quy hoạch vùng sản xuất rau, quả an toàn tập trung với khoảng 2.700ha rau, phấn đấu có 1.000ha đất trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap.

Việc xác định các sản phẩm chủ lực để tập trung đầu tư phát triển sản xuất và tiêu thụ là hướng đi đúng, là việc làm cần thiết, căn cơ góp phần quan trọng phát triển nông nghiệp bền vững. Tuy nhiên, cần có cơ chế, chính sách cụ thể để thực hiện phù hợp với từng vùng, từng địa phương. Bởi tựu chung của những khó khăn, vướng mắc cần giải quyết trong việc phát triển các sản phẩm chủ lực đó là liên kết sản xuất chưa thật sự bền vững, nhiều nông dân chưa quen với việc sản xuất theo hợp đồng, chưa tuân thủ quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất hàng hóa, chỉ quan tâm đến lợi ích trước mắt mà chưa thấy được lợi ích lâu dài về sản xuất, tiêu thụ ổn định. Bên cạnh đó là thực trạng sản phẩm hàng hóa thiếu “đầu ra”, giá trị hàng hóa không ổn định. Chính vì vậy, cùng với việc tổ chức lại sản xuất và đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến gắn với thị trường; có các chính sách ưu đãi để thu hút các dự án, các nhà đầu tư vào sản xuất, cần tăng cường đầu tư cho công tác nghiên cứu, dự báo thị trường; xúc tiến thương mại, tổ chức hội chợ triển lãm để các doanh nghiệp tham gia giới thiệu, quảng bá các hàng hóa chủ lực của địa phương. Ðẩy mạnh liên kết vùng chuyên canh và tập trung sản xuất, liên kết chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, nâng chất lượng nông sản cho nông dân để các sản phẩm chủ lực của tỉnh phát triển mạnh và có sức cạnh tranh trên thị trường.

Bài, ảnh: Minh Thuỳ
Bình luận
Back To Top