Ðổi thay bên dòng Nặm Nhé

09:18 - Thứ Năm, 16/08/2018 Lượt xem: 8612 In bài viết
ĐBP - Trên con đường dẫn về bản Mường Nhé, xã Mường Nhé (huyện Mường Nhé) chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay từng ngày của mảnh đất và con người nơi đây. Trưởng bản Lò Văn Thanh, phấn khởi nói: Trước đây, khó có thể kể hết sự khó khăn vất vả của người dân trong bản về cơm ăn, áo mặc... Ðược Ðảng, Nhà nước hỗ trợ cây, con giống, hướng dẫn kỹ thuật, xây dựng hệ thống kênh mương để bà con có tư liệu sản xuất; nhiều gia đình đã biết trồng ngô, lúa, áp dụng khoa học kỹ thuật cho năng suất cao, cuộc sống no ấm, sung túc đang dần hiện hữu. Ðặc biệt, từ khi cây cầu bắc qua suối Nặm Nhé hoàn thành và đưa vào sử dụng, không những tạo điều kiện thuận lợi cho bà con giao thương nông sản, vận chuyển hàng hóa... mà còn là niềm mơ ước, khao khát về một cây cầu đã trở thành hiện thực, chắp thêm niềm tin và sức sống mới cho người dân.

 

Từ khi có cầu bắc qua suối Nặm Nhé, người dân giao thương buôn bán, phát triển sản xuất thuận lợi hơn.

Khoe với chúng tôi về những thành tựu đạt được, Trưởng bản Lò Văn Thanh, tiếp lời: Tranh thủ sự ủng hộ của các cấp chính quyền, bà con trong bản đã tích cực lao động, sản xuất; đưa giống mới năng suất cao vào gieo trồng... với diện tích đất nông nghiệp hơn 20ha, năng suất ước đạt 54,45 tạ/ha. Ðặc biệt, xác định khai thác tiềm năng lợi thế, phát triển chăn nuôi, nhiều hộ dân trong bản đã mạnh dạn thay đổi cơ cấu sản xuất kết hợp xây dựng chuồng trại chăn nuôi. Ðến nay, bản có đàn gia súc lên tới gần 300 con (trâu bò hơn 100 con), nguồn thu từ chăn nuôi mang lại giá trị kinh tế không nhỏ, góp phần tăng thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo.

Ðem những câu chuyện dựng xây cuộc sống mới no ấm của đồng bào các dân tộc bên dòng Nặm Nhé góp vui với Chủ tịch UBND xã Mường Nhé, Sùng Páo Ly, cho biết: Là xã vùng cao, điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông, Thái... chung sống đoàn kết qua nhiều thế hệ ở 21 bản (18 bản, 3 tổ dân cư). Trước đây, người dân chủ yếu canh tác trên đất dốc, cuộc sống trông vào đồng ruộng, nương ngô với kỹ thuật canh tác lạc hậu, năng suất thấp, không đủ đáp ứng nhu cầu người dân những ngày giáp hạt. Cùng với đó, hệ thống hạ tầng cơ sở, các công trình phúc lợi chưa đáp ứng sản xuất nông nghiệp... Nhờ sự quan tâm hỗ trợ đầu tư của Ðảng và Nhà nước thông qua nhiều chương trình dự án, như: Chương trình 134; 135; Nghị quyết 30a; Ðề án 79… xã Mường Nhé đã đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi, kênh mương phục vụ sản xuất nông - lâm, ngư nghiệp; cơ sở vật chất, hạ tầng. Ðặc biệt, với sự đồng lòng, góp sức của nhân dân các dân tộc trong xã cùng với chính quyền địa phương khắc phục khó khăn, hăng say lao động sản xuất; đời sống vật chất, tinh thần của người dân cũng vì thế mà được cải thiện, nâng cao. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn hơn 40% (theo tiêu chí mới). Hiện xã đã cán đích 13/19 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.

Ðể tìm hướng thoát nghèo bền vững cho người dân trong sản xuất nông nghiệp, Ðảng bộ, chính quyền xã tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân bỏ lối canh tác lạc hậu; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt... Ðiển hình như trong phát triển chăn nuôi, từ chỗ chăn nuôi nhỏ lẻ, làm sức kéo phục vụ sản xuất nông nghiệp và thức ăn gia đình. Nhiều năm trở lại đây, từ tiềm năng lợi thế sẵn có với đồng cỏ xanh ngát, xã tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để người dân phát triển theo hướng hàng hóa, kết hợp chăn nuôi theo hình thức nuôi nhốt; chăn thả có người trông coi. Từ đó, nâng tổng đàn vật nuôi toàn xã lên 40.497 con (4.420 con trâu, bò; hơn 1.518 con dê; 2.216 con lợn, 33.328 con gia cầm các loại...). Chủ yếu tập trung ở các bản: Mường Nhé, Phiêng Kham, Nậm Pố… Có thể khẳng định, hàng năm đàn vật nuôi của xã đều tăng trưởng và phát triển ổn định, nhiều gia đình thoát nghèo từ phát triển chăn nuôi, hiện thực hóa ước mơ làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Ðặc biệt, trong tiến trình xây dựng nông thôn mới, Ðảng ủy, chính quyền xã xác định cần tập trung thực hiện các tiêu chí gắn liền với đời sống, phong tục tập quán của người dân, như: Tiêu chí xóa đói giảm nghèo; kết cấu hạ tầng, môi trường... Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, nhân dân đã tích cực tham gia hiến kế, hiến công, hiến đất chung sức hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Bài, ảnh: Sầm Phúc
Bình luận
Back To Top