Kiểm soát hàng quá hạn ở vùng cao còn khó khăn

08:53 - Thứ Hai, 20/08/2018 Lượt xem: 8753 In bài viết
ĐBP - Với đặc thù địa bàn xa xôi, giao thông cách trở, đời sống nhân dân còn khó khăn, thông thương hàng hóa còn nhiều hạn chế nên thị trường vùng cao, vùng sâu, biên giới luôn đứng trước nguy cơ hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng lợi dụng cơ hội “tuồn” vào địa bàn. Thời gian qua, với sự vào cuộc của nhiều cấp, ngành chức năng, hàng giả, hàng nhái nói chung trong toàn tỉnh từng bước được khống chế, tuy nhiên, với mức tiêu thụ còn thấp thì hàng hóa quá hạn ở vùng cao vẫn là vấn đề khó khắc phục.

 

Người dân xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ mua hàng ở trung tâm xã.

Trên chuyến xe khách 24 chỗ ngồi từ TP. Ðiện Biên Phủ đi huyện Nậm Pồ vào một ngày mưa tháng 7 chỉ vỏn vẹn 3 hành khách, không gian chủ yếu của xe được nhà xe tận dụng chở hàng thuê cho các thương lái, với nhiều loại như: Mắm, muối, mỳ tôm, đồ khô, bánh, kẹo… và cả xe đạp, đồ điện gia dụng. Khi được hỏi: Những hàng thuộc diện quá hạn có được thương lái tận dụng đưa vào vùng sâu, vùng xa tiêu thụ không? Anh Nguyễn Văn Việt, phụ xe trả lời ngay: Không có đâu, hiện nay các đại lý có cơ chế trả, hủy hàng tồn kho, quá hạn nên họ cũng không cố tiêu thụ làm gì. Với lại xe chỉ chở hàng đến trung tâm huyện, các đầu mối ở đây cũng không nhận hàng quá hạn; còn ở các xã, bản thì tôi chưa biết.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Thông, Ðội phó Ðội Quản lý thị trường số 10 (huyện Nậm Pồ), cho biết: Ðối với các xã xa trung tâm huyện, do đời sống còn nhiều khó khăn, nhu cầu hàng hóa chủ yếu tập trung vào các mặt hàng giá trị thấp dẫn đến tình trạng hàng giả, hàng nhái và hàng quá hạn sử dụng còn diễn biến phức tạp. Hàng hóa phân tán, nhỏ lẻ, số lượng hàng ít, quy mô nhỏ, trong khi địa bàn rất rộng, quân số Ðội hiện chỉ có 3 người nên rất khó kiểm soát. 6 tháng đầu năm, Ðội kiểm tra 79 trường hợp, phát hiện vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính 25 vụ, thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 16 triệu đồng. Trong đó phát hiện và buộc tiêu hủy tại chỗ hàng hóa quá hạn sử dụng là 45 gói bánh nướng, 7 hộp sữa đặc có đường. Những trường hợp kiểm tra, phát hiện chủ yếu ở khu vực trung tâm xã Nà Hỳ. Những trường hợp này cơ bản do hàng tiêu thụ chậm, chủ cơ sở kinh doanh chưa sâu sát trong rà soát hàng, thậm chí… tiếc của nên tồn hàng quá hạn ở cửa hàng. Riêng những mặt hàng thời hạn sử dụng ngắn như: Bánh mì, bánh ngọt… do dễ bị phát hiện nên cơ bản các chủ hàng đã chủ động tiêu thụ trước hạn hoặc tiêu hủy khi hết hạn.

Chia sẻ thực tế tại địa bàn, ông Lèng Văn Xương, Chủ tịch UBND xã Nậm Chua (huyện Nậm Pồ) cho biết: Nếu nói về hàng giả thì rất khó để người dân vùng sâu, đặc biệt khó khăn xã chúng tôi phân biệt được. Còn về hàng quá hạn, với đặc điểm là xã chưa có đường ô tô vào trung tâm, nguồn hàng hóa chỉ được vận chuyển vào xã bằng xe máy, quy mô nhỏ, cùng với đó là nhu cầu tiêu thụ thấp, phân tán ở các bản nên việc tồn hàng là khó tránh khỏi. Hiện xã đã thành lập Ban Vệ sinh - an toàn thực phẩm với mục đích chính là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động chủ các cửa hàng nâng cao đạo đức kinh doanh. Song điều quan trọng vẫn là nhận thức của người dân. Do đó, thông qua các buổi tuyên truyền, họp bản về các lĩnh vực y tế, giáo dục sức khỏe, vệ sinh môi trường… chúng tôi thường lồng ghép những kiến thức về hàng giả, hàng quá hạn để bà con nhận biết, sử dụng hàng hóa một cách an toàn.

Bài, ảnh: Phạm Dương
Bình luận
Back To Top