Khó “đầu ra” cho cây keo

08:57 - Thứ Hai, 20/08/2018 Lượt xem: 12745 In bài viết

ĐBP - Những năm trước đây, phần lớn diện tích quy hoạch rừng sản xuất, nương bạc màu lâu năm, các địa phương đều triển khai cho người dân trồng cây keo. Bởi cây keo hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, chu kỳ thu hoạch ngắn (5 - 7 năm). Song vì nhiều nguyên nhân mà việc tìm “đầu ra” cho loại cây này đang gặp rất nhiều khó khăn trong khi nhiều diện tích đã đến tuổi khai thác.

Kỳ 1: Giá gỗ keo rẻ như củi

 
Từ năm 2010 đến nay, Tuần Giáo là huyện tiên phong trồng cây keo. Diện tích trồng keo chủ yếu nằm trong quy hoạch rừng sản xuất, một phần diện tích rừng phòng hộ và trồng tại các cơ quan công sở, ven đường giao thông. Ðến nay, Tuần Giáo cũng là địa phương có nhiều diện tích cây keo đến kỳ thu hoạch lớn nhất tỉnh nhưng đang khó tìm “đầu ra”. Ngược lại, hiện nay huyện Mường Nhé lại rất… quyết tâm trồng keo.

Trong muốn ra…

Giai đoạn 2010 - 2016, huyện Tuần Giáo đã trồng được gần 3,1 triệu cây keo, tương đương gần 1.500ha. Ðến nay, những rừng keo trồng từ năm 2010 đã đến kỳ thu hoạch trắng, diện tích trồng năm 2013 đã có thể thu hoạch tỉa thưa. Người trồng keo huyện Tuần Giáo đang rất muốn thu hoạch để tăng thu nhập nhưng khó tìm người mua. Trước đây, người trồng rừng có phần yên tâm khi trên địa bàn tỉnh có 2 nhà máy chế biến gỗ. Nhưng nay cả 2 nhà máy đã ngừng hoạt động. Trong khi các thương lái tỉnh Sơn La lên thu mua nhỏ lẻ mà giá keo lại rẻ, “bèo” hơn giá bán củi.

 

Ông Quàng Văn É, bản Ngúa ngoài, xã Quài Tở (huyện Tuần Giáo) tỉa cành, chăm sóc rừng keo.

Năm 2013, hưởng ứng chủ trương trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi núi trọc của UBND huyện Tuần Giáo, 80 hộ dân của 2 bản: Ngúa trong và Ngúa ngoài (xã Quài Tở) đã trồng tập trung gần 30ha cây keo tại những diện tích nương luân canh bỏ hoang lâu năm. Sau gần 6 năm chăm sóc, bảo vệ, rừng keo của 2 bản phát triển tốt, cây to đường kính từ 25 - 30cm. Ở giai đoạn phát triển này, chủ rừng có thể thu hoạch tỉa thưa để những cây nhỏ phát triển. Song, gần 1 năm nay, mặc dù người dân đã nỗ lực liên hệ tìm đối tác nhưng vẫn chưa có cá nhân hay đơn vị nào thu mua.

Ông Quàng Văn É, bản Ngúa ngoài, cho biết: Gia đình tôi trồng hơn 1ha keo. Năm 2013, trồng rừng theo chương trình trồng cây phân tán của huyện, người dân chỉ được hỗ trợ cây giống, không được hỗ trợ tiền chăm sóc, bảo vệ. Tuy nhiên, dân bản vẫn chăm sóc, bảo vệ rất tốt, nhiều hộ còn vào rừng chặt tre làm hàng rào xung quanh mảnh nương trồng keo để ngăn trâu, bò phá hại. Theo tính toán, trồng 1ha keo mất thời gian khoảng 5 - 7 năm nhưng thu nhập gấp nhiều lần so với làm nương truyền thống. Tưởng mọi việc tiến triển thuận lợi nhưng đến khi được thu hoạch thì nhà máy chế biến gỗ không còn, tìm tư nhân để bán thì cũng không có ai mua. Vài năm gần đây, rất nhiều lần UBND huyện dẫn các đoàn kiểm tra, giám sát các cấp đến thăm rừng keo của bản, bà con kiến nghị nhiều về “đầu ra” cho cây keo nhưng đến nay keo vẫn không bán được.

Tương tự xã Quài Tở, hiện nay thị trấn Tuần Giáo có khoảng 270ha cây keo trồng trong giai đoạn 2013 - 2016. Ngoài ra, có khoảng 100ha do người dân tự trồng từ năm 2010. Ông Bạc Cầm Thủy, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Tuần Giáo, cho biết: Hiện nay, diện tích keo được trồng từ năm 2010 đã có thể khai thác. Vừa qua, tại thị trấn cũng có vài hộ gia đình khai thác gỗ keo song giá bán quá rẻ lại dừng. Hiện nay, các thương lái Sơn La chỉ thu mua gỗ keo với giá 400.000 đồng/m3 còn nếu bán cho các công ty xây dựng làm cọc cốt pha hoặc các xưởng mộc thì có giá 4 - 5 triệu đồng/m3. Mặc dù chênh lệch giá rất lớn nhưng các xưởng mộc hoặc công ty xây dựng mua số lượng rất ít, hầu như không đáng kể.

Ở thị trấn Tuần Giáo có 18 hộ dân liên kết thành lập 1 tổ trồng rừng sản xuất với tổng diện tích 300ha. 100% diện tích rừng đều đến kỳ khai thác. Tuy nhiên, do giá bán quá rẻ nên người dân dừng kế hoạch khai thác. Gia đình ông Lường Văn Ngọc,  bản Ðông, thị trấn Tuần Giáo sở hữu khoảng 5ha keo trồng từ năm 2007 - 2010. Vừa qua, ông Ngọc liên hệ với thương lái từ Sơn La đến để bán gỗ keo. Nhưng vì giá keo quá rẻ nên mới thu hoạch được 3,5ha buộc phải dừng khai thác. Ông Ngọc cho biết: Rừng keo đã trồng hơn 10 năm nên tôi có kế hoạch khai thác toàn bộ để trồng lượt cây mới. Nhưng bán gỗ keo với giá 400.000 đồng/m3 như hiện nay thì không khác “ném tiền qua cửa sổ”. Vừa qua, tôi khai thác 3,5ha được 160m3 gỗ thu được hơn 60 triệu đồng. Các lái buôn đưa ra các yêu cầu rất ngặt nghèo: gỗ loại 1 có giá 750.000 đồng/m3 nhưng phải đảm bảo đường kính từ 30cm trở lên; gỗ loại 2 giá 400.000 đồng nhưng chỉ lấy đoạn thẳng, không lấy gốc, ngọn. Bán lẻ cho các doanh nghiệp xây dựng làm cốt pha hoặc bán cho xưởng mộc thì được giá khoảng 4 triệu đồng/m3, nhưng không thể khai thác đồng loạt. Nếu kéo dài thêm 1 - 2 năm nữa cây keo bị rỗng ruột thì không thể bán được. Do “đầu ra” cho cây keo gặp khó khăn nên từ năm 2016 đến nay, huyện Tuần Giáo không còn chú trọng phát triển cây keo mà thay vào đó là các loại cây như: Dổi, mỡ.

… ngoài muốn vào

Trong khi các huyện: Tuần Giáo, Ðiện Biên đã bắt đầu ngừng trồng cây keo để chuyển sang trồng các loại cây đa mục đích, có giá trị kinh tế cao hơn thì huyện Mường Nhé lại khuyến khích người dân trồng, phát triển cây keo. Huyện ủy Mường Nhé đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về bảo vệ và phát triển rừng gắn với sắp xếp ổn định dân cư góp phần bảo đảm quốc phòng - an ninh giai đoạn 2016 - 2020 với mục tiêu đến năm 2020, toàn huyện trồng được 2.700ha rừng keo (cả giai đoạn phấn đấu trồng 8.000 - 10.000ha, bình quân 2.000ha/năm).

Theo đó, huyện Mường Nhé sẽ tập trung trồng rừng sản xuất thành vùng nguyên liệu tập trung nhằm đảm bảo cho việc xây dựng nhà máy chế biến gỗ có công suất 30.000m3/năm. Theo tính toán, dự kiến mỗi hộ dân trồng rừng sản xuất có thu nhập bình quân từ 400 triệu đồng/ha/chu kỳ kinh doanh trở lên, tương đương 80 triệu đồng/ha/năm. Thực hiện mục tiêu Nghị quyết, bình quân mỗi năm, huyện Mường Nhé phấn đấu trồng mới hơn 2.000ha và có 9/11 xã (trừ 2 xã Sen Thượng và Sín Thầu) được phân bổ chỉ tiêu mỗi năm trồng mới 200ha rừng keo. Ông Nguyễn Quang Sáng, Bí thư Huyện ủy Mường Nhé, cho biết: Huyện Mường Nhé đã nghiên cứu rất kỹ và quyết định lựa chọn trồng cây keo tai tượng vào những diện tích quy hoạch rừng sản xuất. Thực hiện phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, trồng keo chu kỳ thu hoạch khoảng 5 - 7 năm. Người dân trồng keo được hỗ trợ cây giống và được Nhà nước hỗ trợ gạo ăn trong suốt 7 năm chăm sóc, bảo vệ tiếp theo. Khi hết thời gian được hỗ trợ gạo thì rừng keo cũng đến thời gian khai thác. Sau khi xây dựng thành công vùng nguyên liệu, huyện sẽ kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng nhà máy chế biến đa mục đích trên địa bàn để đảm bảo đầu ra, như: Phần cây thẳng thì chế biến ván sàn; phần cong, gấp khúc thì chế biến ván dăm, gỗ ép và phần ngọn dùng để chế biến phên gỗ… Tuy vậy, để thực hiện được kế hoạch trên thì điều bắt buộc phải trồng thành công vùng nguyên liệu.

Kỳ 2: Chưa xác định rõ thị trường tiêu thụ

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận
Back To Top