Khó “đầu ra” cho cây keo

10:04 - Thứ Tư, 22/08/2018 Lượt xem: 9815 In bài viết

Kỳ 2: Chưa xác định rõ thị trường tiêu thụ

ĐBP - Việc phát triển cây keo trên địa bàn tỉnh ta đang có điểm trái ngược giữa các địa phương. Nơi có diện tích thu hoạch thì không có “đầu ra”, người dân lo lắng, còn chính quyền cơ sở thì loay hoay. Nơi khác thì đặt mục tiêu rất lớn, phấn đấu tạo vùng nguyên liệu tiến tới xây dựng nhà máy sản xuất, chế biến gỗ từ cây keo. Nhưng vấn đề là ở địa phương đã có sản phẩm hay địa phương đang trong quá trình sản xuất, đều chưa có đáp án thuyết phục cho “đầu ra”.

Hiện nay, huyện Tuần Giáo có trên 289ha keo trồng trên 5 năm; 530ha keo trồng trên 4 năm; còn lại là diện tích keo trong giai đoạn 2 - 3 năm tuổi. Ðối với việc tìm đầu ra cho cây keo, chính quyền cấp cơ sở không đủ khả năng giải quyết. Ông Cà Văn Lả, Chủ tịch UBND xã Quài Tở cho biết: Giai đoạn 2013 - 2016, xã Quài Tở trồng hơn 1 triệu cây keo, tương ứng khoảng 500ha. Ðến nay, nhiều diện tích keo có thể thu hoạch song không có người mua. Tại nhiều cuộc tiếp xúc cử tri, họp bản, người dân kiến nghị tìm đầu ra cho cây keo nhưng chính quyền xã cũng chỉ ghi nhận và báo cáo lên UBND huyện, đến nay, tình hình vẫn không có gì thay đổi.

 

Rừng keo được trồng, chăm sóc ở xã Quảng Lâm (huyện Mường Nhé).

Tuy nhiên, theo ông Lò Văn Cương, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo thì đối với vấn đề “đầu ra” cho cây keo trên địa bàn không đáng ngại vì hiện tại, diện tích keo có thể khai thác trắng chiếm tỷ lệ nhỏ so với tổng diện tích keo toàn huyện trồng từ năm 2013 - 2016 (khoảng gần 20%). Cùng với đó, mặc dù nhà máy chế biến gỗ của Công ty Cổ phần rừng việt Tây Bắc đã dừng hoạt động và chuyển dây chuyền, thiết bị đi tỉnh khác vì chưa có vùng nguyên liệu nhưng doanh nghiệp có hứa với huyện là đến năm 2020, khi tất cả các rừng keo đủ tuổi khai thác, có vùng nguyên liệu thì Công ty sẽ chuyển dây chuyền công nghệ lên để thu mua và chế biến gỗ tại địa phương. Không biết lời hứa của doanh nghiệp với huyện Tuần Giáo sẽ thế nào? Nhưng trước mắt, 20% diện tích keo (tương đương khoảng 300ha) đến tuổi khai thác trắng và hàng trăm héc ta cho khai thác tỉa thưa đang không có đầu ra. Những diện tích keo trồng từ năm 2010 có nguy cơ thoái hóa, trong khi thương lái vẫn ép giá. Người trồng keo rơi vào cảnh “bỏ thì thương mà vương thì... nợ”.

Ðối với huyện Mường Nhé, sau 2 năm thực hiện Nghị quyết trồng rừng, kết quả không đạt kế hoạch, mục tiêu đề ra. Càng về sau, số hộ đăng ký trồng rừng càng ít. Năm 2016, huyện đề ra kế hoạch trồng 1.800ha rừng keo, chia đều cho 9 xã (mỗi xã thực hiện 200ha). Kết quả toàn huyện chỉ có 439ha được nghiệm thu, thanh toán. Xã trồng nhiều nhất được 101/200ha, đạt 50% kế hoạch; xã trồng ít nhất được 11,7/200ha, đạt 5,8% kế hoạch. Ðiều đáng nói là, số cây giống huyện phát ra cho người dân trồng tương ứng 800ha nhưng đến khi kiểm tra chỉ có 439ha đủ điều kiện nghiệm thu. Năm 2017, kế hoạch giao 1.800ha, toàn huyện trồng được 283,34ha (đạt 15,7%). Năm 2018, kế hoạch giao 1.200ha, người dân đăng ký trồng 254,18ha. Ðến nay, toàn huyện thực hiện được 181,16ha (đạt 15,1% kế hoạch).

Xã Mường Nhé được giao kế hoạch trồng 600ha rừng keo trong 3 năm song kết quả thực hiện đạt rất thấp. Năm 2016, toàn xã có 47/200ha được nghiệm thu; đến nay, qua kiểm tra, tổng diện tích hiện còn 37ha, giảm 10ha. Năm 2017, xã trồng được 38,28/200ha (đạt 19,14% kế hoạch); năm 2018, trồng được 10/200ha (đạt 5% kế hoạch). Ông Vi Văn Lưu, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Nhé cho biết: Kế hoạch giao 200ha/năm là chỉ tiêu quá cao so với khả năng của xã Mường Nhé. Mặc dù, hàng năm xã tích cực vận động người dân trồng rừng nhưng cũng chỉ đạt 25 - 30% kế hoạch. Cùng với đó, người dân không chú trọng công tác chăm sóc, bảo vệ nên diện tích trồng đã ít nhưng diện tích đủ điều kiện nghiệm thu thanh toán càng ít hơn. Kéo theo, khối lượng gạo được Nhà nước hỗ trợ cũng ít theo. Do đó, càng về sau, số lượng các hộ đăng ký trồng rừng càng giảm.

Ông Trần Trung Kiên, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Nhé, cho biết: Có nhiều nguyên nhân khiến kế hoạch trồng rừng sản xuất của huyện Mường Nhé không đạt mục tiêu nghị quyết. Trước hết là công tác tuyên truyền chưa hiệu quả, chưa thay đổi được nhận thức, suy nghĩ của người dân về phát triển kinh tế lâm nghiệp. Người dân chỉ biết trồng mà bỏ qua công tác chăm sóc, bảo vệ, nhất là chưa được nhận thức đầy đủ về quy trình thanh, quyết toán và chi trả chế độ (gạo). Cụ thể, trồng rừng xong phải được cơ quan chuyên môn kiểm tra, đủ điều kiện thì tổ chức nghiệm thu và sau đó hỗ trợ gạo. Việc hỗ trợ thực hiện trong 7 năm đầu với những ràng buộc pháp lý khác nhau. Một nguyên nhân quan trọng nữa là thiếu vốn. Hiện nay, huyện Mường Nhé đang trồng rừng bằng nguồn vốn từ Nghị quyết 30a và lồng ghép một vài nguồn vốn có chung mục tiêu khác. Giai đoạn 2016 - 2020, vốn Nghị quyết 30a dành cho trồng rừng của huyện được 15 tỷ đồng, với nguồn vốn này chỉ trồng tối đa được 1.500ha (đạt 55,56% kế hoạch). Nhằm giải quyết vấn đề vốn, UBND huyện Mường Nhé đã xây dựng Dự án Bảo vệ và Phát triển rừng bền vững huyện Mường Nhé, tỉnh Ðiện Biên đến năm 2020 với quy mô trồng 10.000ha rừng sản xuất và 2.000ha rừng phòng hộ. Dự án đã trình UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn từ năm 2017 nhưng vẫn chưa được phê duyệt. Nếu không có vốn thì kế hoạch trồng rừng không thể đảm bảo.

Như vậy, cứ như tình hình thời gian qua, kế hoạch trồng keo của huyện Mường Nhé luôn “vỡ”, không đạt mục tiêu. Diện tích trồng rừng không đạt sẽ khó có vùng nguyên liệu tập trung để thu hút doanh nghiệp đầu tư nhà máy và thu mua, chế biến gỗ.

Thực tế là từ trước đến nay, phần lớn diện tích quy hoạch rừng sản xuất, nương bạc màu, các địa phương đều triển khai trồng keo. Tại phiên chất vấn - trả lời chất vấn, kỳ họp thứ 8, HÐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2015 - 2020 diễn ra vào trung tuần tháng 7 vừa qua, nhiều đại biểu HÐND tỉnh quan tâm, chất vấn lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về vấn đề đầu ra cho cây keo tại các địa phương và chiến lược phát triển kinh tế lâm nghiệp, cơ cấu cây trồng trong trồng rừng sản xuất trong giai đoạn tiếp theo của tỉnh? Ông Hà Văn Quân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng: Hiện nay, nhiều địa phương vẫn đang chú trọng phát triển cây keo, còn một số địa phương đang dần chuyển sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao và đa mục đích sử dụng. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải thực hiện đúng quy hoạch và đúng quy trình sản xuất. Cụ thể, trước hết phải trồng thành công và chăm sóc, bảo vệ thành rừng, phải phát triển và mở rộng được vùng nguyên liệu. Khi đã có vùng nguyên liệu thì mới tính đến chuyện kêu gọi đầu tư, xây dựng nhà máy chế biến, tránh tình trạng “cung - cầu” không ăn khớp như những năm trước. Có như vậy mới phát triển bền vững, lâu dài.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận
Back To Top