Tập trung nguồn lực xóa đói, giảm nghèo

08:24 - Thứ Sáu, 24/08/2018 Lượt xem: 9681 In bài viết
ĐBP - Những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Mường Chà đã có nhiều nỗ lực trong công tác xóa đói giảm nghèo, nhất là triển khai thực hiện các mục tiêu, dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua các năm.

 

Nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Mường Chà thoát nghèo nhờ cây dứa. Trong ảnh: Người dân xã Na Sang bán dứa bên quốc lộ 12.

Ông Trang A Lử, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Chà cho biết: Xác định xóa đói giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, UBND huyện thường xuyên chỉ đạo rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chính sách giảm nghèo và sắp xếp, điều chỉnh theo hướng tập trung chính sách, nguồn lực, khắc phục sự chồng chéo trong thực hiện chính sách. Hàng năm, UBND huyện kiện toàn Ban Chỉ đạo giảm nghèo cấp huyện, cấp xã; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên để tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện. Trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền, vận động; quản lý và thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cải thiện điều kiện sản xuất và nâng cao đời sống, tạo việc làm cho người lao động; quan tâm bồi dưỡng nâng cao trình độ dân trí, chất lượng nguồn nhân lực, năng lực đội ngũ cán bộ. Do đó, hộ nghèo có chiều hướng giảm tích cực. Năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo huyện Mường Chà chiếm 50,73% (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015). Năm 2015, áp dụng chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều (giai đoạn 2016 - 2020) tỷ lệ hộ nghèo của huyện tăng lên 70%. Năm 2016, hộ nghèo giảm còn 66,79%; năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo còn 62,83%, hộ cận nghèo là 9,45%.

Thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo, huyện Mường Chà tập trung nguồn lực, quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn giảm nghèo, nguồn vốn Chương trình 135, Chương trình 293 và Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để thực hiện chính sách về nhà ở, hỗ trợ sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực. Các chương trình dự án ưu tiên đầu tư cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới có tỷ lệ hộ nghèo cao. Từ năm 2015 đến nay, huyện Mường Chà đã hỗ trợ nhà ở cho 585 hộ nghèo theo Quyết định số 167/2008/QÐ-TTg; hỗ trợ nhà ở cho 34 hộ nghèo theo Quyết định số 22/2013/QÐ-TTg. Với 160,454 tỷ đồng vốn Chương trình 293 và Chương trình 135 (chiếm 43,68% tổng nguồn vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020), huyện Mường Chà ưu tiên đầu tư mới các công trình giao thông, thủy lợi, trường lớp học, trạm y tế xã, nhà văn hóa thôn bản, đáp ứng nhu cầu đi lại, sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Từ khi áp dụng chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều, ngoài tiêu chí về thu nhập, việc xác định hộ nghèo còn được đo lường ở mức độ thiếu hụt 5 dịch vụ xã hội cơ bản gồm: Y tế, giáo dục, nhà ở, điều kiện sống và tiếp cận thông tin. Do đó, huyện Mường Chà đã tập trung nguồn lực thực hiện các mục tiêu về giáo dục, y tế và thông tin - truyền thông. Ðến nay, đối với mục tiêu giáo dục, huyện Mường Chà đã đạt phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2 (có 3/12 xã đạt mức độ 3), đạt phổ cập THCS mức độ 2, đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1. Về y tế, toàn huyện có 6/12 xã đạt chuẩn quốc gia, 12/12 trạm y tế xã đủ điều kiện khám, chữa bệnh, người nghèo được tiếp cận các dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe thuận lợi. Về thông tin truyền thông, huyện Mường Chà đang thực hiện lồng ghép với chương trình xây dựng NTM trên địa bàn.

Na Sang là xã biên giới, tỷ lệ hộ nghèo thuộc nhóm cao nhất của huyện Mường Chà. Dù xuất phát điểm thấp nhưng những năm qua, Ðảng bộ, chính quyền xã Na Sang đã nỗ lực thực hiện các chính sách, chương trình giảm nghèo, nhờ đó đạt kết quả tích cực. Ông Vàng A Pó, Chủ tịch UBND xã Na Sang cho biết: Từ năm 2015 đến nay, hộ nghèo của xã giảm từ 4 - 5%/năm. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã là 73,4%, giảm 4,2% so với năm 2016. Những năm qua, xã Na Sang đã sử dụng hiệu quả các nguồn vốn: Chương trình 135/CP, Chương trình 293, chương trình xây dựng nông thôn mới để đầu tư xây dựng nhiều tuyến đường bê tông nội bản, liên bản; nhà văn hóa bản, công trình thủy lợi... hỗ trợ giống cây ăn quả, trâu bò cho hộ nghèo phát triển sản xuất. Hiện nay, xã Na Sang đang phát triển mạnh cây dứa, nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo nhờ cây dứa. Toàn xã có 150ha dứa, thành lập 1 hợp tác xã sản xuất và kinh doanh dứa với diện tích 120ha và hiện đang làm quy trình, thủ tục để sản xuất theo hướng VietGap. Mục tiêu đến năm 2020, thu nhập bình quân của các xã viên hợp tác xã đạt 70 triệu đồng/hộ/năm (hiện tại khoảng 45 - 50 triệu đồng/hộ/năm). Bên cạnh đó, người dân trên địa bàn hợp tác với Công ty Cổ phần Cao su Ðiện Biên chăm sóc, bảo vệ 525,25ha cây cao su, trong đó có 60ha đã cho thu hoạch. Ðối với các bản vùng cao, xã quy hoạch và ưu tiên hỗ trợ trâu, bò sinh sản để người dân phát triển chăn nuôi đại gia súc. Phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo xã Na Sang giảm còn 60%.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận
Back To Top