Người Hà Nhì chung tay bảo vệ rừng

08:38 - Thứ Sáu, 24/08/2018 Lượt xem: 9321 In bài viết
ĐBP - Người Hà Nhì tại các xã: Sín Thầu, Sen Thượng, Leng Su Sìn, Chung Chải (huyện Mường Nhé) từ lâu vốn đã có truyền thống sinh sống dựa vào lợi tức từ rừng và chung tay bảo vệ rừng. Ðối với họ, việc bảo vệ rừng không chỉ đơn thuần là để hưởng lợi ích từ chi trả dịch vụ môi trường rừng, mà còn góp phần bảo vệ sự bình yên biên giới và bảo vệ cuộc sống của chính mình.

Chúng tôi đến bản Tả Ló San, xã Sen Thượng trên con đường mòn quanh co, nấp dưới những tán rừng đặc dụng xanh thẳm. Tả Ló San là bản có diện tích rừng lớn nhất xã Sen Thượng, với 2.762ha rừng do 21 hộ dân cùng bảo vệ. Ông Lỳ Khò Chừ, Trưởng bản Tả Ló San, cho biết: “Người Hà Nhì ở Tả Ló San bao đời nay đều sinh sống ở ven các cánh rừng. Rừng cung cấp nước uống, dược liệu, bảo vệ bà con trước thiên tai, bão lũ; vì vậy đã từ lâu, bà con không ai bảo ai, đều có ý thức bảo vệ rừng.

 

Bà con dân tộc Hà Nhì, xã Leng Su Sìn chăm sóc rừng tái sinh.

Cùng với đó, việc chăn nuôi gia súc của bà con trong bản Tả Ló San được phân chia từng khu, vùng, nếu ai vi phạm thả trâu, bò vào rừng, bị tố giác sẽ bị trưởng bản phạt hành chính bằng tiền. Những năm gần đây, bà con bản Tả Ló San được hưởng tiền dịch vụ môi trường rừng, vì thế bà con càng thêm phấn khởi, bảo nhau giữ gìn những cánh rừng như giữ gìn lá phổi của chính mình. 

Ðối với người Hà Nhì tại xã Sín Thầu thì việc bảo vệ rừng cũng chính là bảo vệ sự bình yên trên tuyến biên giới. Sín Thầu là xã có tỷ lệ che phủ rừng cao nhất của huyện Mường Nhé, với tỷ lệ trên 60%. Bà con người dân tộc Hà Nhì có ý thức bảo vệ rừng, thường xuyên phối hợp với kiểm lâm địa phương và chính quyền xã trông coi, ngăn chặn nhiều nhóm dân di cư tự do vào phá hoại rừng, khiến an ninh trật tự tuyến biên giới Việt - Lào và Việt - Trung được đảm bảo.

Bí thư Ðảng ủy xã Sín Thầu Pờ Mỳ Lế cho biết: Ðể bảo vệ rừng, bà con các bản đã thành lập tổ bảo vệ và hoạt động trên hương ước đã được xây dựng, ban hành từ trước. Theo đó, mỗi bản thành lập từ 2 - 3 tổ, do trưởng bản đứng đầu và giao nhiệm vụ cho từng tổ viên trong việc quản lý, bảo vệ rừng. Vào đầu mùa khô, trưởng bản tổ chức họp bản để các hộ ký cam kết bảo vệ, giữ rừng, không phá rừng làm nương. Với diện tích nương cũ, khi muốn đốt, chủ nương phải báo với trưởng bản để cử người đi kiểm tra, khi tiến hành đủ điều kiện mới tiến hành đốt nương. Do vậy, nhiều năm nay, xã Sín Thầu không xảy ra tình trạng cháy rừng do làm nương.

Bên cạnh việc tích cực tuyên truyền, hàng năm, chính quyền các xã luôn đẩy mạnh củng cố, kiện toàn ban chỉ đạo các vấn đề liên quan đến công tác quản lý, phòng cháy, chữa cháy rừng. Các thành viên thường xuyên phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Mường Nhé tổ chức tuần tra, phát hiện các hành vi vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, kịp thời phát hiện các điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng để có biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa.

Ông Nguyễn Ðình Cương, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mường Nhé cho biết: “Nói về phong trào gìn giữ, bảo vệ rừng thì người Hà Nhì tại các xã: Sín Thầu, Sen Thượng, Leng Su Sìn, Chung Chải luôn đi đầu với nhiều cách làm hiệu quả. Vì thế, nhiều năm liền các xã này đều được UBND huyện Mường Nhé và Hạt Kiểm lâm huyện tặng Giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác quản lý, bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng”.

Bài, ảnh: Phương Liên
Bình luận
Back To Top