Huyện Ðiện Biên

Nông dân vùng ngoài tích cực chăm sóc lúa mùa

09:02 - Thứ Hai, 27/08/2018 Lượt xem: 8474 In bài viết
ĐBP - Thời điểm này, khi ở vùng lòng chảo Ðiện Biên, lúa mùa đang trong giai đoạn đứng cái làm đòng thì trà lúa muộn tại các xã vùng ngoài huyện Ðiện Biên đang ở giai đoạn đẻ nhánh. Từ giữa tháng 7 đến nay, thời tiết mưa, nắng thất thường là điều kiện thuận lợi cho các sinh vật gây hại phát triển. Do vậy cơ quan chuyên môn và chính quyền các xã vùng ngoài tích cực tuyên truyền nông dân thường xuyên thăm đồng, theo dõi tình hình sâu, bệnh để chủ động phòng trừ.

 

Cán bộ khuyến nông xã Mường Phăng thăm đồng kiểm tra sâu bệnh.

Ông Chu Văn Bách, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ðiện Biên, cho biết: Vụ mùa 2018, các xã vùng ngoài gieo cấy hơn 2.000ha. Lịch gieo cấy chậm hơn so với vùng lòng chảo từ 15 - 20 ngày, có xã chậm đến 1 tháng (Mường Phăng, Pá Khoang). Các trà lúa đang trong giai đoạn đẻ nhánh rộ, thời điểm này xuất hiện chủ yếu 2 đối tượng sâu hại là tập đoàn rầy và sâu cuốn lá. Năm nay mưa nhiều, lượng mưa lớn, độ ẩm cao là điều kiện thuận lợi cho các đối tượng dịch hại gia tăng về phạm vi và mức độ gây hại. Ðể quản lý có hiệu quả các đối tượng dịch hại, ngay từ đầu vụ, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ động tham mưu cho UBND các xã khuyến cáo người dân tích cực theo dõi diễn biến thời tiết, tình hình sinh vật gây hại; khoanh vùng, hướng dẫn phòng trừ cụ thể về thời gian, kỹ thuật phòng trừ cho từng đối tượng sâu, bệnh.

Vụ mùa 2018, xã Mường Phăng gieo cấy hơn 300ha. Xác định vụ mùa là vụ sản xuất chính trong năm, nên ngay từ đầu vụ, UBND xã chỉ đạo cán bộ khuyến nông hướng dẫn người dân kỹ thuật ngâm ủ, chăm sóc mạ, làm đất, bón phân, khơi thông, cải tạo kênh mương nội đồng, đảm bảo nước tưới tiêu phục vụ sản xuất. Vụ mùa năm nay, người dân trong xã được Nhà nước hỗ trợ hơn 2 tấn lúa giống. Việc hỗ trợ giống mới đảm bảo 15% diện tích gieo cấy. Với diện tích còn lại, nhằm đảm bảo cơ cấu, chất lượng giống, chính quyền xã đã tuyên truyền, hướng dẫn nông dân gieo cấy một số giống lúa có năng suất, chất lượng cao: Bắc thơm số 7, IR64... Hiện nay, lúa đang trong thời kỳ đẻ nhánh, người dân đang tập trung chăm sóc, vệ sinh đồng ruộng, cắt cỏ bờ, làm cỏ lúa. Tuy nhiên, vừa qua thời tiết diễn biến phức tạp, nóng ẩm, mưa nhiều, tạo điều kiện cho sâu bệnh phát triển nên một số diện tích lúa đã xuất hiện đốm nâu, sâu cắn rễ, sâu cuốn lá... Cùng với đó, bệnh nghẹt rễ xuất hiện trên thửa ruộng 2 vụ vì đất thiếu ô xy do quá trình xử lý rơm rạ chậm và thời tiết mưa nhiều ảnh hưởng đến chu trình chăm sóc của người dân. UBND xã đã chỉ đạo cán bộ khuyến nông hướng dẫn nông dân tháo nước, sục bùn, bón phân lân kích thích rễ phát triển.

Ðể vụ mùa đạt năng suất cao nhất, người dân xã Mường Phăng tuân thủ nghiêm lịch thời vụ, cơ cấu giống và sản xuất theo quy trình kỹ thuật đã được tập huấn. Chị Lường Thị Ninh, bản Bánh, xã Mường Phăng, cho biết: Vụ mùa năm nay gia đình tôi gieo cấy hơn 2.000m2 lúa, chủ yếu là giống Ðòn gãy. Lúa thời điểm này lẽ ra phải phun thuốc phòng bệnh và bón thúc lần 2 nhưng sau trận mưa đầu tháng 8 vừa qua làm lỡ lịch phun thuốc nên sâu bệnh đã xuất hiện, chủ yếu là sâu cuốn lá. Tranh thủ thời tiết nắng ấm, gia đình tôi phun thuốc phòng trừ sâu bệnh, tránh lây lan sang các thửa ruộng khác.

Theo ông Mùa A Kềnh, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Phăng: Ðể đạt năng suất 60 tạ/ha, chính quyền xã chỉ đạo người dân tích cực bám sát đồng ruộng, kịp thời phát hiện sâu bệnh để có biện pháp phòng trừ hiệu quả, không để lây lan trên diện rộng ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng lúa. Nhìn chung, đến nay bà con tuân thủ đúng, đủ quy trình sản xuất, tích cực kiểm tra đồng ruộng nên cây lúa phát triển tốt, kỳ vọng sẽ có một vụ sản xuất thắng lợi.

Bài, ảnh: Lan Phương
Bình luận
Back To Top