Kỳ vọng chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”

08:26 - Thứ Tư, 29/08/2018 Lượt xem: 9871 In bài viết
ĐBP - Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” gắn với tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp đang được triển khai trên phạm vi cả nước. Ðây là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; đồng thời là giải pháp then chốt thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020. Tại tỉnh ta, hiện nay các ngành liên quan, chính quyền các cấp cũng đang nỗ lực triển khai với mục tiêu cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng cao mang tính đặc trưng, lợi thế của mỗi vùng. Qua đó, nâng cao thu nhập cho người dân, xây dựng nông thôn mới bền vững.

 

Sản phẩm may thêu truyền thống thuộc 1 trong 6 nhóm sản phẩm chủ lực của chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”. Trong ảnh: Người dân bản Nậm Din, xã Phình Sáng (huyện Tuần Giáo) may khăn.

Tỉnh ta có những sản phẩm địa phương đặc trưng như: dệt thổ cẩm, mây tre đan… các vùng sản xuất chuyên canh: lúa, cà phê, chè, dứa… Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp thời gian qua đã có những bước tiến quan trọng, như: Một số doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất rau, quả và nuôi thủy sản áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap; xây dựng, phát triển các chuỗi sản xuất nông nghiệp an toàn... Ðây là điều kiện để các xã trên địa bàn xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm, tăng thu nhập cho nông dân gắn với xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, những kết quả đạt được chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; hiệu quả kinh tế đem lại từ các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng chưa cao; quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, thủ công, thị trường tiêu thụ không ổn định; một số sản phẩm chưa hoàn thiện về mẫu mã, bao bì, tiêu chuẩn chất lượng… nên việc phát triển còn nhiều khó khăn, tính bền vững chưa cao. Ðiển hình là vùng chuyên canh cây chè trên địa bàn huyện Tủa Chùa, mặc dù có nhiều lợi thế tuy nhiên đến nay vẫn chưa phát huy được giá trị. Chè Tuyết Shan cổ thụ có hương vị thơm, ngon, đậm đà mà nhiều vùng trồng chè nổi tiếng khác trong cả nước không có. Năm 2014 và 2015, chè Tủa Chùa được Hội Nông dân Việt Nam tôn vinh là sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, tuy nhiên vì nhiều lý do đến nay thương hiệu chè Tủa Chùa vẫn không thể “bay xa” được, dẫn đến sản phẩm chè khó tiêu thụ, hàng tồn nhiều, thu nhập của người trồng chè bấp bênh. Một ví dụ khác là Làng nghề Mây tre thủ công mỹ nghệ xã Nà Tấu (huyện Ðiện Biên). Làng nghề được thành lập năm 2010 theo chương trình đào tạo nghề phụ cho lao động nông thôn do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ. Ðến năm 2013, thành lập Hợp tác xã Mây tre thủ công mỹ nghệ Nà Tấu. Các sản phẩm mây tre đan chủ yếu là mâm, ghế, giỏ đựng cá, khay đựng hoa quả, hộp đựng kim chỉ... phục vụ sinh hoạt gia đình. Mặc dù các sản phẩm mây tre đan cũng được chương trình DANIDA của Ðan Mạch quảng bá, nhằm hỗ trợ phát triển thị trường, nhưng hiện nay Hợp tác xã này gần như không hoạt động, sản phẩm do các thành viên tự làm chủ yếu để phục vụ sinh hoạt, ít mang tính kinh doanh.

Chè Tủa Chùa, các sản phẩm mây tre đan Nà Tấu chỉ là hai trong số nhiều sản phẩm khác cũng đang gặp khó khăn, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, không tập trung, nguồn nguyên liệu chưa ổn định, số lượng hàng hóa tiêu thụ chưa nhiều… Vì vậy, chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” được kỳ vọng là cơ hội để các làng nghề, vùng sản xuất chuyên canh, các sản phẩm nông nghiệp đã được công nhận chất lượng cao… khôi phục và phát triển theo hướng mới. Mục tiêu của chương trình là phát triển các hình thức sản xuất, kinh doanh để tạo ra các sản phẩm truyền thống, sản phẩm dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh thị trường trong và ngoài nước. Trong đó, trọng tâm của chương trình là nghiên cứu, phát triển hoàn thiện sản phẩm; xây dựng mẫu mã, tiêu chuẩn chất lượng, tổ chức sản xuất và xúc tiến thương mại. Thực hiện mục tiêu đó, nhiệm vụ trước mắt là các xã cần điều tra, khảo sát, thu thập thông tin đầy đủ, chính xác các sản phẩm thế mạnh để quy hoạch hướng phát triển và xây dựng đề án triển khai thực hiện. Hiện nay, toàn tỉnh đã xác định 6 nhóm sản phẩm chủ lực để thực hiện chương trình gồm: Thực phẩm; đồ uống; thảo dược; vải và may mặc; lưu niệm, nội thất, trang trí; dịch vụ và du lịch nông thôn. Trong 6 nhóm đó lựa chọn 21 sản phẩm chủ lực để phát triển, như: gạo, miến dong, dứa, vú sữa, khoai sọ, thịt khô, mật ong, bánh khẩu xén, cá, cà phê, chè, rượu, tảo xoắn…

Với tiềm năng lớn về các sản phẩm nông nghiệp, thủ công, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng, chính quyền các cấp quyết tâm xây dựng, triển khai thành công chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, thực hiện hiệu quả xây dựng nông thôn mới.

Bài, ảnh: Thành Ðạt
Bình luận
Back To Top