Ðào tạo nghề gắn với nhu cầu địa phương

08:23 - Thứ Năm, 30/08/2018 Lượt xem: 10098 In bài viết
ĐBP - Ðào tạo nghề cho lao động nông thôn (LÐNT) là một trong những chiến lược quan trọng, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập và tạo việc làm cho người dân. Chính vì vậy, việc nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho LÐNT được tỉnh đặc biệt quan tâm và quyết liệt chỉ đạo triển khai thực hiện theo hướng tập trung đổi mới gắn với nhu cầu của xã hội, của địa phương nhằm thực hiện hiệu quả tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.

 

Người dân phường Sông Ðà (TX. Mường Lay) trồng nấm tạo việc làm, tăng thu nhập.

Với mục tiêu đặt ra giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh có 42.300 người được đào tạo nghề; trong đó, đào tạo nghề cho LÐNT là 37.000 người, góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 43,77% (năm 2015) lên 58,6% (năm 2020); tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề từ 24,37% (năm 2015) lên 34,34% (năm 2020). Tỉnh sẽ hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho 34.551 LÐNT, người khuyết tật, thợ thủ công, thợ lành nghề gắn với nhu cầu của thị trường lao động. Sau đào tạo, đảm bảo ít nhất 80% số người học có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn. Ðào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng cho 2.449 LÐNT; đào tạo nghề trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng cho lao động khác là 5.300 người. Tập trung đào tạo nghề phi nông nghiệp cho LÐNT có đủ trình độ, năng lực vào làm việc ở các cơ sở công nghiệp, thủ công nghiệp, dịch vụ, làng nghề, các khu công nghiệp, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, tham gia xuất khẩu lao động; đào tạo nghề nông nghiệp cho một bộ phận LÐNT để thực hành sản xuất nông nghiệp tiên tiến, hiện đại, góp phần nâng cao chất lượng lao động, chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế.

Ðể đào tạo nghề nông nghiệp đáp ứng yêu cầu sản xuất của nông dân, giải quyết việc làm cho người lao động, phát huy hiệu quả sản xuất, tỉnh ưu tiên đào tạo các nghề phục vụ phát triển các loại cây trồng, vật nuôi là thế mạnh trong phát triển nông nghiệp của từng địa phương. Gắn đào tạo nghề với quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp, các chương trình, dự án phát triển sản xuất với Ðề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Với định hướng, mục tiêu đào tạo rõ ràng, sát thực; thời gian qua các ngành nghề về kỹ thuật, công nghệ ứng dụng và quản lý sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, nghề rừng, nghề nuôi trồng, khai thác thủy sản, chế biến nông, lâm, thủy sản được tổ chức thực hiện, thu hút khá nhiều học viên tham gia; đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động làm việc ở các doanh nghiệp nông nghiệp, trang trại, hợp tác xã nông nghiệp cũng từng bước được chú trọng.

Ông Bùi Minh Hải, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Trong 6 tháng đầu năm toàn tỉnh có hơn 2.500 LÐNT được đào tạo nghề nông nghiệp. Tỷ lệ lao động có việc làm sau học nghề ước đạt từ 70 - 80%; thu nhập của người lao động nhóm nghề nông nghiệp bình quân từ 1,5 - 3 triệu đồng/người/tháng. Nâng cao hiệu quả đào tạo nghề, các hoạt động tuyên truyền, tư vấn học nghề và việc làm đối với LÐNT được thực hiện gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới ở các địa phương thông qua các cuộc họp tại huyện, tại xã. Sở cũng đã phối hợp với các sở, ngành liên quan ban hành văn bản hướng dẫn, đôn đốc cấp huyện và các cơ sở đào tạo đẩy mạnh công tác đào tạo; đồng thời tăng cường liên kết với doanh nghiệp để đào tạo, dạy nghề, hướng nghiệp, đáp ứng nhu cầu của đơn vị sử dụng lao động.

Trường Cao đẳng Nghề Ðiện Biên là đơn vị chủ công trong lĩnh vực đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh. Ông Ðoàn Thanh Quỳnh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Ðiện Biên cho biết: Ngoài việc tổ chức đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng, nhà trường còn tập trung tổ chức thực hiện đào tạo nghề có trình độ và chất lượng cao, nghề trọng điểm cấp quốc gia đã được đầu tư phê duyệt. Ðẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, tư vấn học nghề nhà trường tích cực đổi mới nội dung chương trình dạy nghề phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động, phù hợp với đặc điểm, điều kiện của địa phương. Chương trình đào tạo phù hợp với điều kiện sản xuất, tăng thời lượng rèn luyện kỹ năng thực hành nghề, giảm thời lượng lý thuyết. Ngoài việc rèn luyện kỹ năng nghề cho người học, nhà trường quan tâm đến nhu cầu của người lao động và nhu cầu của xã hội để từ đó trang bị kiến thức về an toàn lao động, ý thức tác phong công nghiệp, kiến thức về khởi sự doanh nghiệp, kiến thức về quản lý doanh nghiệp… nhằm tạo sức hút đối với lao động tại các vùng nông thôn.

Ðể thực hiện tốt công tác đào tạo nghề cho LÐNT đảm bảo về số lượng, nâng cao về chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường lao động, góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu lao động, tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững; tỉnh tiếp tục nhân rộng các mô hình đào tạo nghề thí điểm có hiệu quả; đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp, vùng chuyên canh, xã xây dựng nông thôn mới. Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của LÐNT, nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong và ngoài tỉnh để đào tạo nghề thiết thực, hiệu quả, gắn kết chặt chẽ với giải quyết việc làm cho người lao động tham gia học nghề. Ưu tiên liên kết, hợp tác đào tạo nghề và phối hợp giới thiệu, giải quyết việc làm cho LÐNT; khuyến khích doanh nghiệp tham gia trực tiếp quá trình đào tạo và cam kết việc làm đối với người học sau đào tạo.

Minh Thuỳ
Bình luận
Back To Top