Phát triển cây mắc ca ở Quài Cang

Có như kỳ vọng?

08:36 - Thứ Năm, 30/08/2018 Lượt xem: 9227 In bài viết
ĐBP - Nhiều năm trước, khi đến xã Quài Cang (huyện Tuần Giáo) người dân đang loay hoay với hàng trăm héc ta cây cà phê giữ chẳng được, phá chẳng xong. Lần này trở lại, diện mạo Quài Cang có nhiều đổi khác, người dân đã vực dậy tinh thần sau vấp ngã để tiếp tục chiến đấu với đói nghèo bằng một cây trồng khác: Cây mắc ca. Nhưng liệu rằng, cây trồng mới này có mang lại no ấm như kỳ vọng của người dân nơi đây?

 

Người dân bản Phung thăm diện tích mắc ca mới trồng trên địa bàn.

Ngược thời gian về 4 năm trước, khi lần đầu xuống xã Quài Cang, Phó Chủ tịch UBND xã Quàng Văn Toàn đã cung cấp cho chúng tôi những thông tin cần thiết. Nằm ở phía Bắc của huyện Tuần Giáo, năm 2014 xã Quài Cang có 24 bản, 1.544 hộ, nhưng có đến gần 70% hộ nghèo do thiếu đất canh tác. Thế nhưng ở đây lại có câu chuyện khá buồn khi việc liên kết trồng cây cà phê của người dân với Công ty Cổ phần Cà phê Thái Hòa không mang lại kết quả như mong muốn. Chẳng hiểu vì lý do gì, sau khi ký kết hợp đồng với người dân và đầu tư trồng hơn 150ha cà phê trên khắp các triền đồi của xã, Công ty lại lặng lẽ… bỏ đi và “quên” luôn việc thanh toán tiền thuê người dân chăm sóc cây trong suốt mấy năm trời. Sự ra đi đó khiến người dân xã Quài Cang bơ vơ với hàng trăm héc ta cây cà phê mà theo như họ nói là phá đi không được, giữ lại cũng chẳng xong… Chính điều này là một phần nguyên nhân dẫn tới người dân Quài Cang cứ luẩn quẩn mãi với đói nghèo trong suốt nhiều năm. Lần này trở lại Quài Cang, người chúng tôi gặp đầu tiên là Chủ tịch UBND xã, ông Lường Văn Xiên. Nhắc lại chuyện cũ, ông Xiên thoáng buồn: Sau khi Công ty Cổ phần Cà phê Thái Hòa rút đi, người dân góp đất trồng cà phê vẫn ngóng trông Công ty sẽ trở lại, nhưng càng chờ càng chẳng thấy đâu… Chủ trương của huyện là mong người dân tiếp tục giữ lại cây cà phê để chăm sóc nhưng người dân đã quá nản. Một số hộ phá bỏ rồi phục hồi sản xuất, canh tác sắn, ngô…

Còn một số hộ giữ lại cà phê để đầu tư, chăm sóc, áng chừng cả xã chỉ tầm 1/3 diện tích khi xưa. Hộ nào chịu bỏ công sức chăm sóc, tiền đầu tư thì cà phê mới cho thu hoạch đều, còn không thì vụ được vụ không… Từ cuối năm 2015, Công ty Macadamia Ðiện Biên về địa bàn ngỏ ý thuê lại đất của dân để phát triển cây mắc ca với các điều khoản có lợi cho người dân. Bài học từ cây cà phê khiến cấp ủy, chính quyền xã thận trọng hơn trong lần hợp tác này. Chính quyền xã định hướng cho người dân góp diện tích nương bạc màu, đất trống, đồi trọc khó canh tác để chuyển sang trồng cây mắc ca; cố gắng giữ lại đất canh tác để trồng trọt và chăn thả gia súc để duy trì, phát triển chăn nuôi. Nếu người dân góp đất canh tác, đất chăn thả gia súc thì sau này không được kiến nghị thiếu đất sản xuất với chính quyền. Nhưng đó là định hướng của xã, còn người dân làm việc trực tiếp với Công ty nên xã khó có thể can thiệp được việc người dân có cho thuê đất hay không. Ðến nay, diện tích cây mắc ca trên địa bàn toàn xã là hơn 500ha, dự kiến sẽ còn tăng lên 700ha trong thời gian tới.

Nằm giữa một thung lũng nhỏ, cách trung tâm xã chừng vài cây số, bản Phung trước đây từng có diện tích cây cà phê lớn nhất, nhì xã Quài Cang. Nhưng đến nay, những triền đồi phủ kín cà phê năm nào đã thay thế bằng những hàng cây mắc ca đang trong độ lớn. Trao đổi với chúng tôi, Trưởng bản Phung, Tòng Văn Tinh, cho biết: Khi Công ty Cổ phần Cà phê Thái Hòa bỏ đi, nhiều hộ góp đất phân vân không biết làm như thế nào với hàng chục héc ta cà phê ấy. Người muốn chặt bỏ, người xót của thì không nỡ nhìn công sức của mình đổ sông, đổ bể… Bởi người dân trong bản cứ nói vui cà phê là “cây nhà giàu”, phải có điều kiện kinh tế mới có thể đầu tư chăm sóc, dọn cỏ, mua phân bón… Ðó là còn chưa kể rủi ro khi cà phê không được giá. Mà đại đa số người dân lại thiếu kỹ thuật, thiếu vốn nên chẳng dám mạo hiểm với cây cà phê như vậy. Cả bản nhiều cà phê như thế nhưng bây giờ chỉ còn lại 1 hộ giữ lại gần 8.000m2 để đầu tư chăm sóc mà thôi. Từ khi nhận lại đất, nhiều hộ trong bản nhanh chóng quay lại tập quán canh tác cũ, phá bỏ những vườn cà phê để trồng sắn, trồng ngô… Nhưng hiệu quả kinh tế chỉ hơn việc bỏ đất hoang chứ khó có triển vọng làm giàu. Ðến cuối năm 2015, Công ty Macadamia Ðiện Biên mang cây trồng mới tới địa bàn với cam kết hỗ trợ người dân góp đất 1 triệu đồng/ha/năm trong 5 năm đầu khi cây chưa cho quả và khi thu hoạch người dân được hưởng giá trị 15%/kg quả tươi. Ngoài ra, Công ty thuê nhân công tại bản với mức 140 nghìn đồng/ngày công. Việc thanh toán xem ra sòng phẳng, minh bạch hơn nhiều so với công ty cà phê trước đây nên người dân cũng yên tâm khi góp đất. Người ít thì vài nghìn mét vuông, có hộ nhiều lên tới hơn 1ha, tính toán sơ bộ cả bản cũng gần 30ha…

Trở lại Quài Cang sau hơn 4 năm, câu chuyện về Công ty Cổ phần Cà phê Thái Hòa với “sự cố” cây cà phê năm xưa cũng dần chìm vào quên lãng. Và diện tích cà phê năm nào cũng dần thay thế bởi những đường đồng mức thẳng tắp mắc ca. Khi chúng tôi hỏi Chủ tịch UBND xã Lường Văn Xiên - người tiếp thu chủ trương trồng mắc ca trên địa bàn về tương lai, hiệu quả của dự án này, ông trầm ngâm: “Cũng chưa thể biết được bởi cây đang trong quá trình sinh trưởng và phát triển. Cần thời gian mới có thể trả lời chính xác nhất cho câu hỏi này…”. Ðúng như ông Xiên nói, phải cần có thời gian, ít nhất là 5 năm để có thể xác định được cây mắc ca có phải là cây xóa đói giảm nghèo hay lại đi vào “vết xe đổ” của cây cà phê nhiều năm về trước. Có lẽ, vào thời điểm hiện tại chưa thể nói trước được điều gì nhưng chúng tôi thực tâm mong rằng dự án này sẽ thành công, mang no ấm về đúng như sự kỳ vọng của người dân Quài Cang.

Tiếu Sinh
Bình luận
Back To Top