Tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới

08:52 - Thứ Sáu, 31/08/2018 Lượt xem: 9533 In bài viết
ĐBP - Thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp nông thôn theo hướng toàn diện, hiện đại và bền vững, thời gian qua, tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới được tỉnh ta chú trọng triển khai thực hiện. Qua đó, giúp nông dân từng bước đổi mới tư duy sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp.

 

Công nhân Công ty TNHH Safe Green trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Thanh An (huyện Ðiện Biên).

Xác định chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, hàng năm tỉnh tập trung đánh giá, thống nhất để lựa chọn, phát triển cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Chú trọng phát triển những cây trồng chủ lực như: lúa gạo, ngô, chè, mắc ca, cao su, cà phê… Trong đó sản phẩm hàng đầu là lúa gạo tiếp tục được mở rộng vùng sản xuất lúa chất lượng cao tại các huyện: Ðiện Biên, Mường Ảng, Tuần Giáo và TP. Ðiện Biên Phủ với diện tích thực hiện đạt 10.500ha, năng suất bình quân 56,7 tạ/ha, sản lượng 59.500 tấn, giá trị ước đạt 476 tỷ đồng. Ðến nay đã hình thành một số mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giữa nông dân và doanh nghiệp trong sản xuất lúa hàng hóa. Tiêu biểu trong đầu tư phát triển sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao là các đơn vị: Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Thanh Yên, Hợp tác xã Nông nghiệp Công nghệ cao Bản Mé, Công ty TNHH thực phẩm nông sản sinh thái Ðiện Biên, Công ty TNHH Thực phẩm Safe Green. Sản phẩm gạo đã được chứng nhận theo chuỗi, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đăng ký quét mã truy xuất nguồn gốc. Một số doanh nghiệp như: Doanh nghiệp Thương mại Tư nhân Hoa Ba đầu tư sản xuất rau thủy canh hồi lưu trong nhà lưới công nghệ, quy mô khoảng 600m2, năng suất ước đạt 70 tấn/năm; Công ty Cổ phần Thương mại Xuất nhập khẩu Ðiện Biên trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP trong nhà lưới, quy mô 3ha, năng suất trung bình đạt 18 tấn/ha.

Trong quá trình tổ chức thực hiện xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất, như: Chính sách hỗ trợ sản xuất nông - lâm nghiệp và thủy sản; hỗ trợ phát triển cây cao su; hỗ trợ áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt; chính sách khuyến khích hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn… nhằm huy động nguồn lực cho phát triển kinh tế nông thôn cũng như thu hút các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh về nông, lâm nghiệp. Theo thống kê trong 10 năm qua, UBND tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư 148 dự án, với tổng mức đầu tư hơn 22.300 tỷ đồng, trong đó doanh nghiệp lập dự án đề xuất đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn là 38 dự án với vốn đăng ký gần 4.400 tỷ đồng. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 50 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, tập trung chủ yếu trên địa bàn các huyện: Ðiện Biên, Tuần Giáo, Mường Ảng và Mường Nhé với tổng nguồn vốn sản xuất kinh doanh trên 2.100 tỷ đồng, doanh thu thuần hơn 46 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt trên 1,5 tỷ đồng.

Thời gian qua, việc ứng dụng khoa học và công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp đã có nhiều khởi sắc, với tốc độ, số lượng ngày càng gia tăng, góp phần chuyển dịch mạnh về cơ cấu sản xuất theo hướng kinh tế hàng hóa gắn với thị trường, tăng thu nhập cho người nông dân. Trong số 160 đề tài, dự án được phê duyệt, triển khai thực hiện thì 60% là đề tài thuộc lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản. Nổi bật như: Khai thác tiềm năng nguồn nước lạnh sẵn có của địa phương để nuôi cá tầm, cá hồi; ứng dụng khoa học công nghệ trong gieo, ươm cây giống, xây dựng vùng sản xuất dược liệu Ðương quy, Bạch chỉ…

Với những nỗ lực trong xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu nông nghiệp đã góp phần thay đổi đáng kể bộ mặt nông thôn trên địa bàn. Ðến tháng 6/2018, toàn tỉnh đã có 16/116 xã đạt chuẩn và cơ bản chuẩn nông thôn mới; thu nhập bình quân khu vực nông thôn đạt 15 triệu đồng/người/năm. Thời gian tới, tỉnh ta xác định mục tiêu thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới và thích ứng biến đổi khí hậu. Ðể đạt mục tiêu đó, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng, chính quyền địa phương tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp; rà soát, bổ sung các chính sách liên quan đến khuyến khích, thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; lồng ghép các nguồn lực xã hội và các chương trình, dự án để thực hiện đạt các tiêu chí nông thôn mới; tạo mọi điều kiện thuận lợi để nông dân phát huy vai trò chủ thể trong sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

Bài, ảnh: Ðức Huy
Bình luận
Back To Top