Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Mường Nhé

Cầu nối giúp người dân thoát nghèo

09:05 - Thứ Tư, 05/09/2018 Lượt xem: 9087 In bài viết

ĐBP - Trong chuyến công tác tại huyện Mường Nhé vừa qua, chúng tôi cùng đoàn cán bộ Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) huyện về xã Nậm Vì. Quả thật, có đến đây mới thấy được đồng vốn tín dụng ngân sách quan trọng thế nào với bà con trong nỗ lực xóa đói giảm nghèo...

 

Cán bộ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện giao dịch tại trụ sở UBND xã Nậm Vì, huyện Mường Nhé.

Hơn 8 giờ sáng, sân trụ sở UBND xã Nậm Vì như mở hội bởi sự có mặt của mấy trăm hộ nông dân trong xã. Theo lịch làm việc, hôm nay (11/7/2018) là ngày cán bộ Ngân hàng CSXH huyện về xã thu vốn và lãi của một số nguồn vốn chương trình xóa đói giảm nghèo đã giải ngân cách đây 3 - 5 năm.

Tranh thủ lúc đoàn công tác đang sắp xếp bàn ghế và ổn định trật tự, chúng tôi tìm gặp một số người dân đến giao dịch. Chị Mào Thị Hào bản Nậm Vì, xã Nậm Vì, cho biết: Gia đình tôi được vay 40 triệu đồng từ năm 2014, theo chương trình hộ nghèo trong thời gian 5 năm (2014 - 2018). Với số vốn ấy tôi mua một con trâu sinh sản, đến nay đã phát triển được 3 con và trâu mẹ chuẩn bị đẻ thêm con nữa. Nhờ được vay vốn mà gia đình tôi đã thoát nghèo, đời sống dần khá lên. Anh Chao Hồ Sinh, bản Huổi Lúm, xã Nậm Vì, cho biết: Trước đây gia đình tôi là hộ cận nghèo, năm 2010 nhờ được Ngân hàng CSXH huyện tạo điều kiện cho vay theo chương trình hộ nghèo, gia đình tôi tập trung khai hoang ruộng nước, mua trâu làm sức cày kéo và phục vụ chăn nuôi làm được nhà mới để ở, cuộc sống đã ổn định. Hiện tổng thu nhập của gia đình mỗi năm khoảng 70 triệu đồng, kỳ trả lãi nào gia đình tôi cũng đúng hẹn.

Ông Lê Tuấn Thành, Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Mường Nhé, cho biết: 6 tháng đầu năm, doanh số cho vay của Ngân hàng CSXH huyện đạt 29,743 tỷ đồng (chủ yếu cho vay chương trình hộ nghèo, hộ thoát nghèo, hộ sản xuất kinh doanh, hộ nghèo về nhà ở...). Tổng dư nợ của chi nhánh đạt 220,288 tỷ đồng, tăng 10,958 tỷ đồng so với cuối năm 2017. Ðể giảm bớt chi phí và thời gian đi lại cho người dân, giảm tải lượng khách hàng về giao dịch tại trụ sở Ngân hàng CSXH huyện, bộ phận Giao dịch của Ngân hàng CSXH huyện duy trì tốt việc liên hệ với chính quyền các xã theo lịch cố định, đã đặt điểm giao dịch tại 11/11 xã và thực hiện giao dịch (theo lịch cố định) mỗi xã ít nhất 1 lần/tháng. Qua các kênh thông tin, chúng tôi nắm bắt tình hình nhu cầu về vốn, nguyện vọng của người dân ở các xã để có kế hoạch giải ngân phù hợp, hiệu quả và kịp thời.

Nói về những khó khăn, hạn chế trên địa bàn đặc thù, ông Lê Tuấn Thành cho biết thêm: Thiên tai và dịch bệnh làm ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, đặc biệt tác động lớn đến đời sống người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Thu nhập của người dân phụ thuộc vào mùa vụ nên việc thu lãi và vốn gốc khó đạt chỉ tiêu, nhất là những tháng giáp hạt... Nhiều trường hợp bà con đi làm ăn xa, đến kỳ trả nợ không về được nên vốn cộng lãi dồn lại; có trường hợp do phong tục tập quán du canh du cư, người dân đi khỏi nơi ở cũ, đơn vị phải liên hệ và phối hợp với ngân hàng nơi họ chuyển đến để quản lý lãi và thu hồi vốn vay... Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng đã làm thủ tục khoanh nợ 614 triệu đồng (chiếm 0,27% trên tổng dư nợ) và nợ quá hạn 420 triệu đồng (chiếm 0,19% trên tổng dư nợ).

Bài, ảnh: Hồng Anh
Bình luận
Back To Top