Trồng sa nhân - hướng phát triển kinh tế mới cho người dân vùng cao

08:37 - Thứ Năm, 06/09/2018 Lượt xem: 12365 In bài viết

ĐBP - Với đặc tính dễ trồng, dễ chăm sóc, giá bán cao, đầu ra ổn định, những năm gần đây cây sa nhân đã và đang trở thành một trong những loại cây giúp xóa đói, giảm nghèo, là hướng đi mới trong phát triển nông nghiệp của nông dân vùng cao trên địa bàn tỉnh.

 

Tư thương thu mua quả sa nhân tại xã Chà Cang (huyện Nậm Pồ) kiểm tra chất lượng quả.

Năm 2012 - 2013, một số hộ dân ở bản Lồng, xã Tỏa Tình (huyện Tuần Giáo) đã mua giống sa nhân tại huyện Mộc Châu (Sơn La) về trồng thử nghiệm. Sau 3 năm kiến thiết, cây sa nhân cho thu hoạch, hiệu quả kinh tế cao nên người dân bản Lồng tiếp tục mua thêm cây giống để phát triển, mở rộng diện tích. Ðến nay, xã Tỏa Tình có diện tích sa nhân cho thu hoạch lớn nhất tỉnh; nhiều hộ thoát nghèo bền vững hoặc vươn lên có kinh tế khá giả từ cây sa nhân. Ông Mùa A Dề, Chủ tịch UBND xã Tỏa Tình cho biết: Hiện nay, toàn xã có khoảng 120ha cây sa nhân, tập trung tại 2 bản: Tỏa Tình (30ha) và bản Lồng (90ha). Trong đó, 100% diện tích sa nhân ở bản Lồng đã cho thu hoạch, còn sa nhân ở bản Tỏa Tình đang giai đoạn kiến thiết. Theo kinh nghiệm của người trồng, sa nhân chỉ mất 3 năm đầu làm cỏ, những năm sau đó, cây mọc kín mặt đất nên gần như chỉ đợi thu quả khi đến mùa. Sa nhân trồng tại đây chủ yếu là loại sa nhân quả xanh, dễ trồng, thích hợp với đất và khí hậu của vùng. Do giá thành cao, số lượng không nhiều nên các thương lái thường đến tận nơi thu mua hoặc đặt hàng các gia đình trồng sa nhân ngay từ đầu năm. Năm 2017, sa nhân khô đầu mùa có giá 800.000 đồng/kg. Ðây là mức giá cao kỷ lục từ trước đến nay. Lượng cầu lớn nhưng lượng cung đang ít nên nhiều thương lái đến tận nơi vẫn không mua được. Năm nay, giá giảm so với mọi năm, dao động từ 550.000 - 600.000 đồng/kg. Hiện nay, bà con đã thu hoạch được khoảng 40% diện tích.

Năm 2012, ông Mùa A Tùng là một trong những người đầu tiên trồng sa nhân. Mới đầu, ông Tùng mua giống sa nhân về trồng thử nghiệm dưới tán cây táo mèo và đào lai. Sau mấy năm đầu chăm sóc bảo vệ, cây sa nhân cho thu hoạch, gia đình có thêm thu nhập khoảng 20 triệu đồng/năm. Ông Mùa A Tùng cho biết: Mới đầu, việc trồng xen cây sa nhân dưới tán táo mèo chỉ để chống xói mòn, giữ ẩm cho đất song thấy có hiệu quả kinh tế nên tôi đã mở rộng diện tích. Hiện nay, gia đình tôi có khoảng 4ha cây sa nhân đã cho thu hoạch. Thu nhập trung bình khoảng 80 - 100 triệu đồng/năm. Tương tự, cây sa nhân cũng mang lại cuộc sống ấm no cho gia đình ông Mùa A Chìa, bản Lồng. Ông Chìa cho biết: 5 năm trước, thấy nhiều hộ trong bản trồng sa nhân có hiệu quả kinh tế cao, gia đình tôi cũng vay mượn đầu tư trồng 2ha tại những mảnh nương bỏ hoang. Năm nay là năm thứ 2 tôi thu hoạch sa nhân. Sa nhân có giá cao, đầu ra ổn định nên thu hoạch đến đâu bán hết đến đấy, đến nay tôi đã trả hết nợ.

Hiện nay, huyện Tuần Giáo có khoảng 160ha cây sa nhân. Từ năm 2016 đến nay, huyện Tuần Giáo đang hướng phát triển cây sa nhân trên địa bàn các xã: Ta Ma, Phình Sáng, Rạng Ðông, Tênh Phông… Nhiều mô hình trồng thử nghiệm đã được triển khai thực hiện, nhân rộng để người dân tham quan, học hỏi kinh nghiệm.

Ngoài Tuần Giáo, các huyện có diện tích rừng lớn như: Nậm Pồ, Mường Nhé cũng đang chuyển hướng phát triển cây sa nhân dưới tán rừng. Hiện nay, sa nhân tại các huyện này đang trong giai đoạn kiến thiết, chưa cho thu hoạch. Vì vậy, đến mùa, người dân vào rừng thu hái sa nhân tự nhiên để bán, tăng thu nhập. Theo chu kỳ phát triển, cây sa nhân ra hoa từ tháng 4 - 5 hàng năm, kết trái trong tháng 6 và đến đầu tháng 8 thì được thu hoạch. Tuy nhiên, do quản lý thiếu chặt chẽ, giá bán cao nên từ giữa tháng 6, người dân ở nhiều xã trên địa bàn huyện Nậm Pồ đã thu hoạch quả sa nhân, thậm chí có người còn xâm phạm vào địa phận rừng thuộc quyền quản lý của các bản khác để thu hoạch. Anh Hạng A Tính, bản Nậm Thà Là, xã Pa Tần cho biết: Việc hái sa nhân non, chất lượng quả không đảm bảo, khó bán hoặc bán giá thấp... nhưng nếu không nhanh tay hái thì người khác hái mất, đợi đến khi quả chín thì không còn. Rừng do bản quản lý, bảo vệ, cả bản đã thống nhất thu hoạch sa nhân tự nhiên khi chín già nhưng người dân các bản khác vào hái trộm nhiều. Vì vậy, bất đắc dĩ phải đi hái khi quả còn non.

Việc thu hoạch sa nhân theo kiểu “mạnh ai nấy làm” dẫn đến chất lượng sản phẩm không cao, gây thất thu nghiêm trọng về sản lượng và giá trị sa nhân.  Quả sa nhân non được thu mua rất rẻ, năm nay giá dao động từ 35.000 - 55.000 đồng/kg quả tươi. Nếu để đến đầu tháng 8, tỷ lệ quả chín cao có thể bán được 70.000 - 80.000đồng/kg. Quả non thì 10kg quả tươi mới được 1,2kg quả khô, nếu để chín già thì 10kg quả tươi thu được 2 - 2,5kg quả khô. Do đó, thu hoạch sa nhân non dù bán quả tươi hay bán quả khô thì người dân đều bị thiệt.

Ông Vũ Thanh Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nậm Pồ cho biết: Từ năm 2016 đến nay, nhận thấy tiềm năng về đất đai và hiệu quả kinh tế từ cây sa nhân, huyện Nậm Pồ đã triển khai trồng thí điểm tập trung cây sa nhân ở các xã: Nậm Khăn, Nà Bủng. Ngoài ra, những xã bảo vệ rừng tốt như: Chà Cang, Chà Nưa, Chà Tở, Pa Tần… người dân mua cây giống về trồng dưới tán rừng. Bên cạnh những diện tích trồng tập trung thì sa nhân tự nhiên cũng là một nguồn tăng thu nhập cho người dân. Do đó, chính quyền địa phương cần tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm, đoàn kết bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn cây sa nhân tự nhiên nói riêng và lâm sản phụ nói chung để có thu nhập từ rừng.

Phạm Trung
Bình luận
Back To Top