Nâng cao ý thức người dân trong sử dụng thuốc BVTV

09:02 - Thứ Sáu, 07/09/2018 Lượt xem: 10185 In bài viết

ĐBP - Trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ hiện nay có 17 quầy kinh doanh vật tư nông nghiệp với trên 50 loại thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) được bày bán, các loại thuốc này đều nằm trong danh mục thuốc được phép sử dụng trong sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam. Ðể người kinh doanh cũng như người sử dụng nâng cao ý thức trong việc sử dụng thuốc BVTV, đồng thời thực hiện hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về BVTV. Trạm BVTV thành phố đã chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp với các đơn vị chuyên môn tổ chức các đợt kiểm tra định kỳ, kiểm tra đột xuất đối với cơ sở kinh doanh thuốc BVTV trên địa bàn.

Qua đó đã kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh những sai phạm trong kinh doanh, buôn bán và thu gom lượng thuốc đã hết hạn sử dụng. Kết quả kiểm tra cho thấy, có 16/17 cơ sở có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, niêm yết công khai giá thuốc, các loại thuốc BVTV được bày bán đều nằm trong danh mục thuốc được phép sử dụng. Bên cạnh công tác kiểm tra, kiểm soát, Trạm tăng cường cử cán bộ phụ trách xuống địa bàn tuyên truyền Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật; tư vấn, hướng dẫn cho bà con cách sử dụng các loại thuốc đặc trị trong từng thời kỳ sâu bệnh hại trên cây trồng; khuyến cáo bà con nên ưu tiên sử dụng các loại thuốc sinh học, thuốc thảo mộc, thuốc có độ độc thấp, sử dụng thuốc an toàn, tuân thủ nguyên tắc 4 đúng để đạt hiệu quả cao trong bảo vệ cây trồng.

 

Cán bộ Trạm BVTV TP. Ðiện Biên Phủ kiểm tra quầy kinh doanh vật tư nông nghiệp tại phường Thanh Trường.

Qua từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây lúa cùng với những diễn biến bất thường của thời tiết sẽ làm phát sinh, xuất hiện các đối tượng sâu bệnh hại trên cây trồng như: tập đoàn rầy, ốc bươu vàng, chuột hại… do vậy lượng thuốc BVTV đặc trị các loại bệnh này được bà con sử dụng nhiều, lượng vỏ bao bì thuốc BVTV thải ra cũng khá lớn. Tuy nhiên, một bộ phận nhỏ người dân còn thiếu ý thức không bỏ những chai, lọ nhựa, vỏ bao bì thuốc BVTV đựng các chế phẩm thuốc BVTV dùng để phun phòng trừ sâu bệnh hại vào các bể thu gom mà lại vứt ngay trên đồng ruộng, trên hệ thống kênh mương tưới tiêu. Việc làm này gây ô nhiễm nguồn nước, mất vệ sinh môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Trước thực trạng trên, UBND thành phố đã chủ động cân đối ngân sách xây dựng các bể đựng vỏ bao bì thuốc BVTV đã qua sử dụng. UBND các xã, phường đã tích cực tuyên truyền tới các tổ dân phố, bản và các hộ gia đình sau khi sử dụng thuốc BVTV cần thu gom đúng nơi quy định. Ðơn cử như tại phường Thanh Trường, trước đây, người dân sử dụng thuốc BVTV xong đều vứt chai, lọ trên bờ ruộng, nhưng từ khi có bể chứa rác thải thuốc BVTV lượng rác này đã được quản lý thu gom và tập kết đúng nơi quy định, người dân đã có ý thức hơn trong việc thu gom vỏ bao bì thuốc BVTV.

Hiện, toàn thành phố mới có 6 bể chứa rác thuốc BVTV; trong đó, phường Thanh Trường 3 bể, Nam Thanh 2 bể, Noong Bua 1 bể. Nếu theo quy chuẩn, cứ 3ha phải có 1 bể chứa, thì trên địa bàn thành phố còn thiếu rất nhiều bể chứa rác so với diện tích lúa hiện có. Do vậy ở những nơi chưa có bể hay diện tích ruộng xa bể chứa, lượng vỏ bao bì thuốc BVTV đã qua sử dụng vẫn được một bộ phận người dân thiếu ý thức vứt tự do. Qua tìm hiểu, vấn đề đặt ra đối với việc xây bể chứa vỏ bao bì thuốc BVTV còn có những bất cập như: nắp bể bằng bê tông quá nặng, phải từ 2 - 3 người đẩy ra mới mở được nắp. Bể có dung tích lớn, nhưng miệng bể kích thước nhỏ, nên khi lấy rác từ trong bể ra cũng gặp không ít khó khăn. Do đó, trong thời gian tới, UBND các cấp cần bố trí nguồn kinh phí để xây thêm các bể chứa thu gom vỏ bao bì BVTV có thiết kế phù hợp. Ðồng thời, các ngành chức năng cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện thu gom vỏ bao bì thuốc BVTV, giữ vệ sinh môi trường, thực hiện nghiêm các quy định của Luật BVTV.

Bài, ảnh: Huyền Trang (Ðài TT-TH TP. Ðiện Biên Phủ)
Bình luận
Back To Top