Huyện Ðiện Biên Ðông

Diện tích ngô giảm mạnh

09:15 - Thứ Hai, 10/09/2018 Lượt xem: 10896 In bài viết

ĐBP - Những năm trước đây, cây ngô được xác định là một trong những cây trồng chủ lực trong phát triển nông nghiệp, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân huyện Ðiện Biên Ðông. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân mà 2 năm gần đây diện tích ngô giảm mạnh và được thay thế bằng cây sắn.

 

Nông dân huyện Ðiện Biên Ðông phơi sắn.

Trước đây, các xã Mường Luân, Luân Giói, Phì Nhừ, Na Son… từng được quy hoạch thành vùng chuyên canh phát triển cây ngô. Vì vậy, nhiều mô hình trình diễn ngô lai đã được triển khai nhân rộng đem lại năng suất, hiệu quả cao; bình quân mỗi xã trồng từ 300 - 400ha ngô/năm. Nhờ đó, nhiều gia đình có điều kiện vươn lên thoát nghèo. Song đến nay, diện tích ngô trên địa bàn giảm mạnh. Na Son là một trong những xã có diện tích trồng ngô lớn trên địa bàn huyện, nhưng 2 năm trở lại đây, người dân đã chuyển diện tích trồng ngô sang trồng sắn. Ông Lò Văn Thiện, Chủ tịch UBND xã Na Son, cho biết: Toàn xã có hơn 100ha trồng ngô, song từ năm 2017 đến nay người dân đã chuyển sang trồng sắn. Mặc dù xã không khuyến khích, nhưng người dân vẫn chuyển đổi ồ ạt. Nguyên nhân do trồng ngô mất nhiều công lao động, chi phí giống, phân bón cao nhưng năng suất và giá bán thấp. Trong khi trồng sắn đầu tư ít, dễ chăm sóc, dễ trồng, thích nghi trên nhiều vùng đất khác nhau, nhất là chịu được hạn nên hầu hết người dân đã chuyển sang trồng sắn.

Ông Chá Chồng Chu, Chủ tịch UBND xã Xa Dung, cho biết: Năm 2016, xã có hơn 600ha ngô. Hiện nay, diện tích trồng ngô đã giảm 100ha; trong khi đó diện tích trồng sắn tăng nhanh từ 30ha năm 2016 lên hơn 100ha. Năng suất và giá ngô hạt thấp là nguyên nhân khiến người dân chuyển đổi diện tích trồng ngô sang trồng sắn. Hiện, giá bán sắn củ cũng như năng suất sắn cao gấp 4 lần so với trồng ngô nên thời gian tới xã sẽ nghiên cứu chuyển đổi những diện tích cây trồng kém năng suất sang trồng sắn. Tuy nhiên không chuyển đổi tất cả những diện tích đang trồng ngô.

Không chỉ ở Na Son và Xa Dung có diện tích cây ngô giảm, mà đó là tình trạng chung trên địa bàn huyện Ðiện Biên Ðông. Việc người dân ồ ạt chuyển đổi diện tích trồng ngô sang trồng sắn mới chỉ xuất hiện 2 năm nay. Nếu như năm 2017, toàn huyện có 6.000ha ngô thì đến nay giảm còn khoảng 5.000ha, trong đó giảm mạnh nhất là ngô vụ xuân hè. Năm 2016, chỉ có một số xã trồng sắn thì đến nay hầu hết các xã trong huyện đều tham gia trồng sắn, nâng tổng diện tích sắn lên gần 1.500ha (tăng khoảng 1.000ha so với năm 2017).

Theo người dân cho biết, công sức bỏ ra nhiều, lợi nhuận thu về không cao là nguyên nhân chính khiến bà con không còn mặn mà với cây ngô. Hiện nay, năng suất và giá ngô so với sắn có sự chênh lệch lớn: năng suất ngô chỉ đạt 21tạ/ha, sắn đạt 87tạ/ha; 1kg ngô hạt khô có giá từ 2.000 - 3.000 đồng, 1kg sắn củ tươi có giá từ 1.000 - 2.000 đồng. Bên cạnh đó, theo tính toán, mỗi héc ta ngô chi phí đầu tư khoảng 3 triệu đồng, gồm: giống, thuốc bảo vệ thực vật và phân bón, công chăm sóc; trong khi chi phí trồng sắn chưa bằng 1/2 chi phí trồng ngô mà ít phải chăm sóc, đến thời vụ thu hoạch có thương lái đến tận nương thu mua.

Không thể phủ nhận giá trị của cây sắn trong cơ cấu cây trồng nông nghiệp, góp phần tăng thu nhập cho người dân. Song sắn là cây trồng nhanh làm cạn kiệt nguồn dinh dưỡng trong đất. Thực tế cho thấy, sau 3 - 4 vụ liên tục trồng sắn, đất sẽ cạn kiệt dinh dưỡng, rất khó để trồng cây khác. Thiết nghĩ, chính quyền địa phương cần phải có kế hoạch, định hướng cụ thể để phát triển cây sắn phù hợp, tránh những hệ lụy đáng tiếc. Bởi theo tâm lý người dân, cứ cây gì mang lại giá trị kinh tế thì bà con sẽ trồng cây đó. Vì vậy dễ dẫn đến tình trạng chênh lệch cung - cầu, người chịu thiệt vẫn là nông dân.

Bài, ảnh: Quốc Huy
Bình luận
Back To Top