Khơi dòng vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

09:37 - Thứ Ba, 11/09/2018 Lượt xem: 9392 In bài viết
Triển khai thực hiện Điều 20 của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) đã xây dựng dự thảo Nghị định quy định khung pháp lý về tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển DNNVV, trình Chính phủ cho ý kiến ban hành.

Việc xây dựng và ban hành khung pháp lý rõ ràng cho hoạt động của Quỹ, đồng thời tạo thuận lợi tối đa cho DNNVV có cơ hội tiếp cận nguồn lực hỗ trợ là vấn đề mới và khó ở Việt Nam.

Từ năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 601/QĐ-TTg thành lập nhưng đến năm 2016 Quỹ mới chính thức giải ngân cho vay DNNVV. Tính đến tháng 5-2018 đã có hơn 1.600 DNNVV tiếp cận trực tiếp và được hỗ trợ tư vấn về điều kiện, tiêu chí, hồ sơ, thủ tục vay vốn nhưng số tiền giải ngân mới chỉ đạt 149 tỷ đồng trong tổng số vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng của Quỹ. Con số này cũng khá tương đồng với thực trạng “khát vốn” lâu nay của DNNVV.

Số liệu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho thấy, hiện nay, hơn 60% DNNVV không tiếp cận được và không sử dụng vốn vay ngân hàng, nhất là doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp. Đây là một nghịch lý, vì DNNVV là một trong năm nhóm đối tượng, lĩnh vực được hỗ trợ vốn thông qua cơ chế tín dụng, lãi suất và tỷ giá với hàng chục chương trình, chính sách đã và đang được triển khai thực hiện. DNNVV khó vay vốn tín dụng chủ yếu do bốn nguyên nhân: Không có tài sản bảo đảm; không đáp ứng được điều kiện về báo cáo thuế trên ba năm; sợ thủ tục ngân hàng và không có báo cáo tài chính đạt chuẩn.

Sự tham gia hỗ trợ của Quỹ trong giai đoạn khởi nghiệp là rất quan trọng đối với các DNNVV, vì bản chất của khởi nghiệp là rủi ro, thiếu minh bạch, thiếu thông tin. Chỉ khi DN đi vào phát triển bền vững mới là giai đoạn tốt nhất để ngân hàng tham gia cấp vốn. Do đó, cộng đồng DNNVV đang rất trông chờ vào động lực mới từ Quỹ.

Theo dự thảo Nghị định, Quỹ trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hoạt động theo mô hình công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, vốn tối thiểu là 2.000 tỷ đồng và có thể tăng thêm tùy theo hoạt động. Quỹ áp dụng phương thức cho vay, tài trợ trực tiếp, không ủy thác cho vay DNNVV thông qua các ngân hàng thương mại như phương thức hiện nay.

Về đối tượng thụ hưởng, Quỹ thực hiện các chức năng cho vay, tài trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo; tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị. Để được vay vốn, các DNNVV phải có phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả; có vốn chủ sở hữu tối thiểu 20% tổng vốn đầu tư của dự án; có khả năng hoàn trả vốn vay. Lãi suất cho vay của Quỹ không quá 80% mức thấp nhất của lãi suất cho vay thương mại (trên cơ sở so sánh lãi suất của các ngân hàng thương mại có hơn 50% vốn sở hữu nhà nước)…

Thay vì ngồi đợi DN nộp hồ sơ vay vốn, Quỹ sẽ có cách thức tiếp cận mới, chủ động đi tìm DN và hướng dẫn DN đáp ứng điều kiện vay thông qua các chương trình tư vấn, xây dựng những mẫu hồ sơ để người vay có thể lựa chọn phù hợp với DN của mình. Bên cạnh đó, Quỹ còn liên hệ với các cơ quan hỗ trợ DN, tạo cộng đồng liên kết để DN chỉ cần đến một trong các cơ quan trong mạng lưới là được cung cấp đầy đủ thông tin, giải đáp những thắc mắc, chuẩn bị các hồ sơ cần thiết để tiếp cận nguồn lực của các cơ quan hỗ trợ.

Như vậy, đây là lần đầu khung pháp lý hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo được ban hành, đồng thời có những quy định kịp thời hướng dẫn những tiêu chí về DNNVV trong bối cảnh mới, xác định rõ khung pháp lý của mô hình hỗ trợ tài chính cho DNNVV.

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top