Dự án kéo dài, hệ lụy phát sinh

08:44 - Thứ Tư, 12/09/2018 Lượt xem: 10078 In bài viết

ĐBP - Thực tế thời gian qua trên địa bàn tỉnh, mỗi khi các mốc tiến độ của dự án chậm đều kéo theo rất nhiều hệ lụy. Trong đó điển hình là làm tăng tổng mức đầu tư, đội giá hợp đồng, phải giải quyết những phát sinh vì gia hạn hợp đồng; thậm chí kéo theo những vấn đề xã hội, dân cư phức tạp... Với điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, nguồn lực chủ yếu trông chờ từ Trung ương, các dự án bị đình, giãn, hoãn hoặc chậm tiến độ cũng chủ yếu xuất phát từ nguyên nhân bị động trong bố trí, phân bổ nguồn vốn. Có thể điểm ra một số dự án, từ thành thị cho đến vùng sâu vùng xa, sau nhiều năm, thậm chí hơn 1 thập kỷ vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Ngay tại trung tâm TP. Ðiện Biên Phủ là công trình “Ngăn nước, tạo âu thuyền sông Nậm Rốm, công viên ven sông Nậm Rốm” được khởi công từ năm 2003 với tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 123 tỷ đồng. Mặc dù đã được chất vấn nhiều lần tại các kỳ họp của HÐND tỉnh, các cơ quan báo chí truyền thông cũng nhắc đến nhiều lần, nhưng có thể thấy hiện nay, công trình này dường như đã bị “quên lãng” với một số hạng mục chưa thể giải quyết dứt điểm. Trong khi đó, dù chưa chính thức đưa vào sử dụng (đã giao Phòng Quản lý đô thị thành phố quản lý) nhưng một số hạng mục của công viên sông Nậm Rốm đã bị xuống cấp, hư hỏng. Hệ thống gạch lát nền khu vực đường dạo và cạnh đài phun nước bị sụt lún, vỡ nát, hàng rào bảo vệ và ghế đá bị gãy đổ, cỏ mọc um tùm. Cùng với đó, do chưa thể định hình một công viên đúng nghĩa, người dân đã tận dụng làm nơi họp chợ. Nhốn nháo, ô nhiễm, ngổn ngang là tình trạng hiện nay ở nơi vốn được đầu tư nhằm nâng cao hạ tầng, xây dựng văn minh đô thị.

 

Do tuyến đường Nà Hỳ - Nà Bủng chưa hoàn thành, người dân xã Nà Bủng (huyện Nậm Pồ) phải chủ động thông đường để đi lại.

Khác với Dự án “Ngăn nước, tạo âu thuyền sông Nậm Rốm, công viên ven sông Nậm Rốm” đã cơ bản hoàn thành các hạng mục chính, Dự án Bến xe khách tỉnh có chủ trương đầu tư và thu hồi đất cách đây đã hơn 10 năm nhưng vẫn trong tình trạng “treo”. Nguyên nhân chính khiến dự án này “đắp chiếu” là do tỉnh không thể cân đối kinh phí giải phóng mặt bằng. Ðầu năm 2018, tỉnh và nhà đầu tư đã họp bàn, đưa ra giải pháp thực hiện Dự án bằng 2 hợp phần, bằng hình thức đối tác công - tư. Tuy nhiên, vừa qua Trung ương có chủ trương tạm dừng việc xem xét, quyết định sử dụng đất đai để thanh toán cho nhà đầu tư theo hình thức BT cho đến khi có Nghị định của Chính phủ quy định về nội dung này có hiệu lực thi hành. Thực tế là hiện 77 hộ dân đang sinh sống trên phần đất đã thu hồi, phục vụ Dự án ở tổ dân phố 1, xã Thanh Minh (TP. Ðiện Biên Phủ) nhưng chưa được bố trí tái định cư.

Ðó là những dự án thuộc khu vực thành phố, còn đối với khu vực vùng sâu, vùng xa, việc thực hiện gặp nhiều khó khăn do điều kiện địa bàn hiểm trở, mưa lũ, sụt sạt… khiến dự án không kịp hoàn thành như dự kiến ban đầu. Trong đó có thể nhắc đến là Dự án Nâng cấp đường cứu hộ, cứu nạn Nà Hỳ - Nà Bủng huyện Mường Nhé (nay là huyện Nậm Pồ). Theo đại diện chủ đầu tư, tiến độ các gói thầu cơ bản đảm bảo, tuy nhiên, ngay từ tên gọi của dự án cũng khiến chúng ta cảm nhận được sự “xưa cũ” khi tên địa phương thay đổi đã 5 năm. Ðặc biệt đối với gói thầu từ xã Vàng Ðán đến xã Nà Bủng, do thời tiết năm nay mưa nhiều nên việc thi công chủ yếu là bảo đảm giao thông. Có mặt tại xã Vàng Ðán, theo chúng tôi cảm nhận, việc bảo đảm giao thông ở đây chưa… đảm bảo! Bởi dù đã 2 ngày nắng nhưng ngay gần trung tâm xã, bùn vẫn ngập đến quá nửa bánh xe máy, đường trơn như đổ mỡ; còn khi trời mưa thì xác định lội bộ.

Bài, ảnh: Phạm Dương
Bình luận
Back To Top