Cần đẩy nhanh việc thẩm định giá mủ cao su

08:56 - Thứ Năm, 13/09/2018 Lượt xem: 11023 In bài viết

ĐBP - Năm 2008, lần đầu tiên người dân Ðiện Biên tham gia trồng cây cao su. Từ những bỡ ngỡ ban đầu, dần dần, cây cao su được bà con chăm bón, vươn xanh. Với hy vọng cây cao su sẽ đem lại cuộc sống ấm no hơn những loại cây trồng khác nên đã có hàng nghìn hộ dân tham gia góp đất trồng cao su. Ðến nay, toàn tỉnh có khoảng 5.000ha cây cao su; trong đó, hơn 3.700ha thuộc quản lý của Công ty Cổ phần Cao su Ðiện Biên và hơn 1.200ha thuộc quản lý của Công ty Cổ phần Cao su Mường Nhé.

 

Cán bộ Công ty Cổ phần Cao su Ðiện Biên hướng dẫn công nhân mở cạo mủ cao su. Ảnh: Văn Tâm

Sau nhiều lần lỡ hẹn, đến tháng 10/2016, Công ty Cổ phần Cao su Ðiện Biên đã mở cạo thử nghiệm hơn 40ha cao su tại 2 xã Mường Pồn và Thanh Nưa (huyện Ðiện Biên) được trồng từ năm 2008 và đến tháng 7/2017 hơn 630ha cao su trồng từ năm 2008 trên địa bàn xã Thanh Nưa, Hua Thanh và Mường Pồn được đưa vào khai thác. Tỷ lệ khai thác 1ha cao su đạt 80 - 90% số cây. Bình quân 1ha cao su đạt hơn 7 tạ mủ, trong khi chỉ tiêu giao là 6,5 tạ mủ/ha; sản lượng của 630ha là 443 tấn (kế hoạch giao 410 tấn). Những số liệu trên là tín hiệu tích cực đối với cây cao su trên địa bàn tỉnh; đồng thời mở ra hy vọng xóa đói giảm nghèo cho bà con vùng cao su và loại bỏ những hoài nghi trong người dân bấy lâu về loại cây đa mục đích.

Niềm vui, phấn khởi - đó là tâm trạng chung của đại đa số người dân góp đất trồng cao su. Ðây là lúc người dân nghĩ về việc phân chia giá trị sản phẩm với Công ty. Song đến nay, đã hơn 1 năm kể từ ngày chính thức khai thác, sản phẩm đã có, nhưng người góp vốn bằng quyền sử dụng đất để trồng cao su vẫn chưa được phân chia lợi tức. Anh Lò Văn Khánh, đội 13, bản Mển, xã Thanh Nưa tâm sự: “Năm 2008, gia đình góp 3.500m2 đất nương với Công ty Cổ phần Cao su Ðiện Biên để trồng cao su. Gia đình rất mừng vì đến nay cây cao su đã bắt đầu cho thu hoạch. Ngày nào cũng có xe vào thu gom mủ, thế nhưng đến nay chúng tôi vẫn chưa được phân chia giá trị sản phẩm. Chúng tôi mong muốn doanh nghiệp sớm chi trả tiền phần trăm giá trị sản phẩm, để ổn định cuộc sống; hoặc phải có thông báo cụ thể thời gian đến khi nào thì trả tiền để người dân yên tâm”.

Ðối với các hộ nghèo góp đất trồng cao su thì việc chậm phân chia giá trị sản phẩm càng khiến cuộc sống của họ gặp nhiều khó khăn hơn. Gia đình bà Lò Thị Xiên, bản Na Ten, xã Hua Thanh là một trong những hộ nghèo tham gia góp đất trồng cao su. Năm 2008, gia đình bà Xiên góp 4.500m2 với hy vọng cuộc sống đổi thay nhờ cây cao su. Nhưng đến nay chưa có gì đổi thay mà cuộc sống của gia đình bà càng gặp khó khăn hơn bởi tiền chia giá trị sản phẩm thì chưa có, đất sản xuất không còn.

Theo phương án phân chia sản phẩm ngày 18/10/2016 được ký kết giữa Tập đoàn Cao su Việt Nam và UBND tỉnh Ðiện Biên, có quy định về phương thức thanh toán: “Bên A (Công ty Cổ phần Cao su Ðiện Biên) thanh toán cho bên B (người dân góp đất trồng cao su) bằng tiền mặt mỗi năm 2 lần (lần 1 tạm ứng vào tháng 7 và lần 2 vào tháng 1 của năm sau liền kề)”. Tìm hiểu lý do đến nay Công ty vẫn chưa thể chi trả tiền cho người dân, chúng tôi được ông Phan Văn Lợi, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cao su Ðiện Biên, cho biết: “Công ty cũng rất muốn chi trả tiền cho người dân. Vì vậy, sau khi đánh giá được năng suất, sản lượng mủ cao su khai thác, đến ngày 12/6/2018, chúng tôi đã gửi hồ sơ, giấy tờ, phương án tính giá sang Sở Tài chính để thẩm định giá. Trên cơ sở thẩm định giá của Sở Tài chính, chúng tôi mới có thể chi trả tiền cho người dân góp đất trồng cao su. Song đến nay Sở Tài chính vẫn chưa thẩm định xong giá, vì vậy Công ty chưa thể tiến hành trả tiền lợi tức cho người dân”. Trao đổi với chúng tôi, đại diện Sở Tài chính cho biết: Ngày 12/6/2018, Sở có nhận được hồ sơ của Công ty Cổ phần Cao su Ðiện Biên về việc thống nhất phương án tính giá và xác định giá mủ cao su bình quân năm 2017. Tuy nhiên, sau khi xin ý kiến các ngành, thì nhận thấy phương án tính giá Công ty gửi đến Sở rất sơ sài, chưa chi tiết, chưa thuyết minh cụ thể các khoản chi phí liên quan đến khâu lưu thông và chi phí quản lý doanh nghiệp dẫn đến phương án tính giá chưa đảm bảo, chưa có cơ sở xác định giá và chưa có tính thuyết phục. Vì vậy, ngày 2/7/2018 Sở đề nghị Công ty phải lập phương án giá và báo cáo thuyết minh chi tiết. Ðược biết đến ngày 1/8/2018, Công ty cổ phần Cao su Ðiện Biên đã gửi bổ sung thông tin như yêu cầu của Sở Tài chính, nhưng đến nay công tác tính giá và xác định giá mủ cao su bình quân năm 2017 vẫn chưa xong.

Mong muốn lớn nhất của người dân góp đất trồng cao su là đến ngày cao su cho khai thác và được phân chia lợi tức để ổn định cuộc sống. Ðến nay đã quá 8 tháng so với quy định phải thanh toán tiền cho người dân. Do vậy, các cơ quan chức năng, Công ty Cổ phần Cao su Ðiện Biên cần phối hợp chặt chẽ, đẩy nhanh tiến độ thẩm định giá mủ cao su năm 2017 để sớm chi trả tiền phần trăm giá trị phần sản phẩm cho người dân. Ðừng để bà con dài cổ ngóng chờ và hoài nghi chủ trương tốt đẹp, nhân văn của Nhà nước khi đã nỗ lực đưa cây cao su vào trồng tại Ðiện Biên.
Văn Tâm
Bình luận
Back To Top