Cần nghiêm túc thực hiện đấu thầu qua mạng

08:48 - Thứ Sáu, 14/09/2018 Lượt xem: 10283 In bài viết

ĐBP - Ðấu thầu qua mạng được triển khai trên địa bàn tỉnh từ năm 2016. Tuy nhiên, việc triển khai hình thức đấu thầu này đang gặp nhiều khó khăn do trình độ công nghệ thông tin và hạ tầng công nghệ của các bên tham gia đấu thầu chưa đồng đều... Vì vậy, đến hết năm 2017 trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có dự án nào được đấu thầu qua mạng (năm 2018 chưa thống kê).

Thông tư liên tịch số 07/2015/TTLT-BKH-BTC ngày 8/9/2015 của liên Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, Bộ Tài chính quy định, từ đầu năm 2016, các chủ đầu tư, bên mời thầu phải tổ chức đấu thầu qua mạng. Ðồng thời, từ năm 2016 các tỉnh, thành phải thực hiện lựa chọn nhà thầu qua mạng tối thiểu 20% số lượng các gói thầu chào hàng cạnh tranh, 10% số lượng các gói thầu quy mô nhỏ đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế; ít nhất là 1 gói thầu chào hàng cạnh tranh hoặc đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế; tỷ lệ tương ứng năm 2017 là 30% và 15%; từ năm 2018 là 40% và 30%.

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, so với đấu thầu trực tiếp thì đấu thầu qua mạng đem lại khá nhiều lợi ích, như: tiết kiệm thời gian, chi phí, giảm nhân lực phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu. Trong đó, lợi ích lớn nhất là đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong đấu thầu, công khai thông tin trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, giảm thiểu sự tiếp xúc trực tiếp giữa chủ đầu tư, bên mời thầu với các nhà thầu. Qua đó góp phần tăng cường hiệu quả giám sát, giảm thiểu các nguy cơ tiêu cực trong đấu thầu. Ngoài ra, chủ đầu tư cũng dễ dàng quản lý thông tin nhà thầu, hồ sơ các dự án. Vì vậy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tuyên truyền, triển khai, tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo cho các chủ đầu tư, nhà thầu; phổ biến các quy định pháp luật về nội dung cung cấp, đăng tải thông tin đấu thầu và lựa chọn nhà thầu qua mạng; đôn đốc, hướng dẫn và giám sát các đơn vị áp dụng đấu thầu qua mạng theo đúng lộ trình quy định.

Dù đã có những quy định khá chặt chẽ và hướng dẫn thực hiện một cách cụ thể nhưng đến nay hoạt động đấu thầu qua mạng trên địa bàn tỉnh vẫn chưa được các chủ đầu tư thực hiện. Ðây không chỉ là bước cản trong thực hiện cải cách hành chính mà còn ảnh hưởng đến công tác cải thiện môi trường thu hút đầu tư. Ông Nguyễn Ðức Trung, Quyền giám đốc Ban quản lý Dự án các công trình dân dụng và Công nghiệp tỉnh, cho biết: Ðấu thầu qua mạng sẽ mang lại những lợi ích cho chủ đầu tư và nhà thầu. Tuy nhiên, việc triển khai công tác đấu thầu qua mạng còn khá mới mẻ nên các chủ đầu tư, bên mời thầu còn lúng túng. Sự hạn chế về cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin, trang thiết bị cũng là rào cản, gây khó khăn trong việc thực hiện đấu thầu qua mạng.

Tìm hiểu được biết: Từ năm 2016 đến nay trên địa bàn tỉnh chưa tổ chức thực hiện lựa chọn nhà thầu qua mạng. Mặc dù đã được UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo triển khai thực hiện, tuy nhiên việc đảm bảo lộ trình, kế hoạch theo Thông tư 07 đề ra là hết sức khó khăn. Nguyên nhân do năng lực của đội ngũ cán bộ trong hoạt động đấu thầu còn nhiều hạn chế, tính chuyên nghiệp chưa cao; cơ sở hạ tầng hạn chế; năng lực tiếp cận công nghệ thông tin và thực hiện dịch vụ công trực tuyến của các cơ quan hành chính Nhà nước cũng như doanh nghiệp trên địa bàn đang ở mức độ thấp. Bên cạnh đó, các văn bản hướng dẫn quy định về hồ sơ, biểu mẫu trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu đã được ban hành nhưng chưa kịp thời; một số nội dung chưa được quy định chi tiết, cụ thể, gây khó khăn, lúng túng trong tổ chức thực hiện, chưa đảm bảo tính đồng bộ.

Thực hiện đấu thầu qua mạng không chỉ là một bước tiến trong cải cách hành chính, mà còn góp phần làm minh bạch thông tin, cải thiện và nâng cao môi trường đầu tư. Vì vậy, thời gian tới, để đẩy mạnh đấu thầu qua mạng, góp phần thực hiện xây dựng Chính phủ điện tử, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Kế hoạch và Ðầu tư phối hợp với các sở, ban, ngành tăng cường tuyên truyền, đào tạo, tập huấn và phổ biến kiến thức về đấu thầu qua mạng tới chủ đầu tư, bên mời thầu và các nhà thầu trên địa bàn tỉnh.

Quốc Huy
Bình luận
Back To Top