Triển vọng mô hình lúa Bắc thơm số 7

08:56 - Thứ Tư, 19/09/2018 Lượt xem: 11723 In bài viết

ĐBP - Xác định đưa giống lúa mới vào sản xuất nhằm tăng năng suất, sản lượng cho người dân, những năm qua Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Ðiện Biên Ðông phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai mô hình giống lúa Bắc thơm số 7 vào sản xuất trên địa bàn huyện. Bước đầu, mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế cao so với các giống lúa truyền thống; đặc biệt sau khi tham gia, các hộ dân đã thay đổi nhận thức trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từ đó từng bước nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, góp phần quan trọng trong công cuộc xóa đói giảm nghèo tại địa phương.


Nông dân bản Xa Dung B, xã Xa Dung kiểm tra, đánh giá tốc độ sinh trưởng của lúa trong mô hình trình diễn mở rộng kỹ thuật sản xuất giống lúa Bắc thơm số 7.

Ðiện Biên Ðông là một trong những huyện có diện tích lúa 2 vụ lớn, với nhiều cánh đồng lúa trọng điểm, như: Sư Lư xã Na Son, cánh đồng bản Giói (xã Luân Giói,) cánh đồng Pá Vạt (xã Mường Luân)… Thế nhưng, người dân chủ yếu trồng các giống lúa truyền thống nên năng suất, chất lượng không cao. Trước thực tế đó, từ năm 2015 đến nay, Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Ðiện Biên Ðông đã triển khai các mô hình sản xuất lúa lai tại số một số xã, như: Mường Luân, Luân Giói, Xa Dung... nhằm nâng cao năng suất, sản lượng lúa. Ðặc biệt, vụ mùa năm 2018, Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện đã triển khai mô hình trình diễn mở rộng kỹ thuật sản xuất giống lúa Bắc thơm số 7 tại xã Xa Dung, tổng diện tích là 5ha, với 30 hộ dân tham gia.

Tham gia mô hình, các hộ dân được tập huấn chuyển giao kỹ thuật mới, được hỗ trợ 100% về giống, vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... Trong quá trình sản xuất, người dân được cán bộ khuyến nông bám sát cơ sở hướng dẫn thực hiện đúng quy trình kỹ thuật làm đất, kỹ thuật gieo cấy, chăm sóc, bón phân, kỹ thuật thu hoạch và bảo quản giống. Nhờ đó, diện tích lúa Bắc thơm số 7 ngày càng sinh trưởng và phát triển tốt, ít sâu bệnh, được người dân và chính quyền địa phương đánh giá cao. Ông Chá Chồng Chu, Chủ tịch UBND xã Xa Dung, cho biết: Những năm trước, người dân trong xã thường sử dụng giống lúa thuần chất lượng để gieo trồng, nên năng suất, chất lượng kém. Vụ mùa năm nay, Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện triển khai mô hình lúa Bắc thơm số 7 vào sản xuất, nhiều hộ dân đã tham gia. Hiện nay, lúa sinh trưởng và phát triển phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết trên địa bàn. Ðặc biệt, khi sử dụng giống lúa này, cây lúa không bị bệnh đạo ôn, bạc lá, ít bị sâu hại nên người dân ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, từ đó giảm bớt một phần chi phí trong sản xuất.

Ông Nguyễn Thanh Lâm, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Ðiện Biên Ðông, cho biết: Ðây là giống lúa lai có thời gian sinh trưởng ngắn, khả năng chống chịu sâu bệnh, có tính thích ứng rộng và cho năng suất, chất lượng cao. Nhờ gieo cấy đúng khung thời vụ và tuân thủ quy trình kỹ thuật trong sản xuất nên giống lúa mới đều cho kết quả tốt, thể hiện nhiều ưu điểm vượt trội. Sau gần 3 tháng triển khai thực hiện mô hình, cây lúa sinh trưởng phát triển tốt, các chỉ tiêu kỹ thuật của mô hình đều đạt và vượt các mục tiêu của dự án đề ra, như: tỷ lệ giống nảy mầm trên 80%; mật độ từ 50 - 55 khóm/m2 và từ 1 - 2 dảnh/khóm; chiều dài bông đạt 25cm, chiều dài hạt thóc 6,2mm, chiều rộng hạt thóc 2,3mm; số hạt chắc/bông khoảng 150 hạt/bông, chiều cao cây từ 90 - 95cm; thời gian sinh trưởng và phát triển ngắn, chỉ khoảng 120 ngày; năng suất đánh giá đạt 50 tạ/ha (tăng từ 8 - 10 tạ/ha so với các giống lúa truyền thống). Không chỉ hiệu quả về mặt kinh tế, việc triển khai mô hình đã góp phần thay đổi tập quán canh tác sản xuất từ độc canh, quảng canh sang thâm canh, luân canh của địa phương. Ðồng thời nâng cao năng lực quản lý cho cán bộ bản, nông dân trong và ngoài xã hội trao đổi học tập, tuyên truyền kinh nghiệm sản xuất. Nông dân tham gia mô hình tiếp cận được tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mạnh dạn đưa cơ cấu giống vào canh tác góp phần tăng thu nhập và giảm khó khăn cho người dân.

Bài, ảnh: Ðức Linh
Bình luận
Back To Top