Huyện Ðiện Biên

Khôi phục sản xuất sau mưa lũ

08:59 - Thứ Tư, 19/09/2018 Lượt xem: 9722 In bài viết

ĐBP - Là một trong những địa bàn bị thiệt hại do đợt mưa lớn vừa qua, thời điểm này huyện Ðiện Biên đã nhanh chóng bắt tay vào khôi phục sản xuất. Xã Núa Ngam có gần 20ha lúa mùa bị thiệt hại hoàn toàn không thể khắc phục được. Anh Vì Văn Thái, bản Na Sang 1 có hơn 2.000m2 ruộng bị đất đá vùi lấp. Anh Thái chia sẻ: Hiện gia đình tôi chưa biết phải khắc phục thế nào, chắc phải thuê nhân công để cải tạo, sang vụ tới mới sản xuất được, tuy nhiên có trồng loại cây nào cũng sợ nước lũ cuốn vì ruộng ở gần suối. Có cải tạo khắc phục cũng chỉ làm 1 vụ thôi bởi vụ mùa 2017 chân ruộng này cũng bị nước lũ vùi lấp.

 

Tranh thủ thời tiết thuận lợi, nông dân xã Thanh Xương ra đồng chăm sóc lúa mùa.

Ông Lường Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Núa Ngam cho biết: Sau khi nước rút, mưa tạnh, xã đã chỉ đạo người dân khôi phục sản xuất, khai thông dòng chảy, đắp bờ cao để hạn chế nước tràn vào ruộng gây ngập úng. Ðối với những hộ bị thiệt hại nặng thì báo cáo lên cấp trên để có hướng giải quyết. Không chỉ nhiều diện tích sản xuất lúa bị thiệt hại, mưa lũ còn làm chết, cuốn trôi một số gia súc, gia cầm. Thời tiết ẩm ướt là điều kiện phát sinh dịch bệnh trong những ngày sau mưa lũ. Chính vì vậy cán bộ xã phối hợp với cán bộ chuyên môn của huyện đến những hộ có thiệt hại về chăn nuôi để hướng dẫn xử lý, dọn vệ sinh, phun tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi, khu vực có gia súc, gia cầm bị chết do mưa, lũ, đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường tạo nguồn phát sinh dịch bệnh. Ðồng thời, đánh giá thực tế thiệt hại để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét phương án hỗ trợ người dân khôi phục chăn nuôi.

Các xã lòng chảo tuy không bị đất đá vùi lấp, nhưng lượng mưa lớn kéo dài làm ngập úng tạm thời nhiều diện tích lúa của người dân. Thời tiết ẩm ướt là điều kiện thuận lợi cho sâu, bệnh phát triển. Ðể đảm bảo lúa phát triển, sinh trưởng tốt không làm ảnh hưởng đến năng suất cả vụ, ngay khi tạnh mưa, tranh thủ thời tiết nắng ấm người dân khẩn trương thăm đồng theo dõi diễn biến của các đối tượng dịch hại. Bà Ðặng Thị Yên, thôn C3 Yên Trường, xã Thanh Yên cho biết: Những ngày mưa kéo dài cuối tháng 8 vừa qua đã làm ngập hơn 1.000m2 ruộng của gia đình, có chỗ ngập trắng không nhìn thấy lúa. Lúa đang trong giai đoạn trổ đòng rộ nên với điều kiện thời tiết mưa ẩm kéo dài như vậy lúa không phơi màu, sâu bệnh phát triển nhất là tập đoàn rầy sẽ ảnh hưởng đến chất lượng thóc. Do đó, ngay sau khi tạnh mưa, trời có nắng là tôi tiến hành phun thuốc phòng trừ đồng thời bón phân để cung cấp dưỡng chất cho cây lúa.

Với đặc thù của huyện thuần nông, sinh kế của người dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp, việc nhanh chóng khôi phục sản xuất sau mưa lũ sẽ giảm bớt nguy cơ thiếu đói, góp phần đảm bảo an ninh lương thực. Do đó, để đảm bảo kế hoạch sản xuất vụ mùa, UBND huyện Ðiện Biên yêu cầu các phòng chuyên môn tập trung chỉ đạo các xã bị thiệt hại triển khai đồng bộ các biện pháp giúp nhân dân khôi phục sản xuất như: Thu dọn rác thải, đắp lại bờ ruộng; trồng ngô, cây ngắn ngày trên các diện tích bị vùi lấp không thể cải tạo... Ðối với các công trình thủy lợi, kênh mương bị ảnh hưởng thì sẽ xử lý tạm thời bằng cách đắp đất, kè đá.

Bài, ảnh: Lan Phương
Bình luận
Back To Top