Tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong thực hiện kiểm toán NSNN

09:12 - Thứ Tư, 19/09/2018 Lượt xem: 9448 In bài viết

ĐBP - Sau hơn 24 năm xây dựng và phát triển, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã ngày càng khẳng định vị thế, vai trò trong nền kinh tế thị trường mở cửa và hội nhập. Với hàng nghìn cuộc kiểm toán quy mô lớn, nhỏ tại các đơn vị có sử dụng ngân sách Nhà nước (NSNN) trên các lĩnh vực, cho thấy, việc quản lý sử dụng NSNN tại các địa phương, bộ ngành và các đơn vị đã đi vào nề nếp hơn, phù hợp với tiêu chuẩn, định mức của Nhà nước, từng bước nâng cao kỷ cương, kỷ luật tài chính và hiệu quả trong quản lý NSNN. 

Trong công tác lập và giao dự toán ngân sách, qua kiểm toán đã chỉ ra các một số bộ, ngành, cơ quan trung ương lập dự toán phí, lệ phí thấp hơn số thông báo của Bộ Tài chính, không giao hoặc giao dự toán thu chưa đúng quy định; các địa phương lập và giao dự toán thu chưa đầy đủ, bao quát hết nguồn thu trên địa bàn; tình trạng phân bổ, giao dự toán cho các đơn vị trực thuộc chưa đúng quy định diễn ra tại hầu hết các bộ, ngành, địa phương được kiểm toán. Kế hoạch vốn chưa phân bổ hết ngay từ đầu năm; phân bổ nhiều lần; giao vốn dàn trả; không đúng thẩm quyền; không qua HÐND; bố trí vốn không có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, sai nội dung nguồn vốn đầu tư; nhiều địa phương có vốn ứng trước chuyển tiếp qua nhiều năm nhưng chưa được bố trí vốn thu hồi… Về chấp hành ngân sách, kết quả kiểm toán đã chỉ ra những hạn chế, thiếu sót trong quản lý sử dụng NSNN để các đơn vị khắc phục, nhằm thực hiện tốt các quy định của Nhà nước trong quản lý sử dụng NSNN.

Công tác lập, thẩm định dự án, quản lý và thực hiện dự án còn có sai sót phổ biến, chưa khắc phục được qua các năm. Một số địa phương hụt thu chưa rà soát, cắt giảm hoặc thực hiện cắt giảm chưa triệt để nhiệm vụ chi tương ứng theo quy định. Một số địa phương được kiểm toán sử dụng nguồn tăng thu, nguồn sử dụng đất... sử dụng sai nguồn; cho vay, tạm ứng sai quy định, cho vay, tạm ứng kéo dài nhiều năm chậm thu hồi… Kết quả kiểm toán đã góp phần ngăn ngừa rủi ro, răn đe sai phạm, nâng cao hiệu quả trong quản lý, điều hành NSNN, đã chuyển một số vụ việc sang cơ quan cảnh sát điều tra, góp phần tích cực vào công tác tăng cường kỷ luật về tài chính ngân sách, công khai và minh bạch quản lý và sử dụng NSNN và công tác phòng chống tham nhũng.

Trong công tác quyết toán ngân sách, quyết toán chi chuyển nguồn có xu hướng tăng. Trong đó chi chuyển nguồn năm 2016 sang năm 2017 là 279.387 tỷ đồng, bằng 17,75% tổng chi cân đối NSNN cao nhất trong 3 năm gần đây. Kết quả kiểm toán đã xác nhận tính trung thực, hợp pháp của báo cáo quyết toán ngân sách bộ, ngành, báo cáo quyết toán ngân sách của các địa phương giúp Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp phê chuẩn báo cáo quyết toán ngân sách hàng năm; giúp các cơ quan Nhà nước thanh quyết toán các khoản thu, chi NSNN…

Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020 có mục tiêu “Nâng cao năng lực hoạt động, hiệu lực pháp lý, chất lượng và hiệu quả hoạt động của KTNN như một công cụ hữu hiệu của Nhà nước trong kiểm tra, giám sát quản lý và sử dụng tài chính công, tài sản công; xây dựng KTNN có trình độ chuyên nghiệp cao, từng bước hiện đại, trở thành cơ quan kiểm tra tài chính công có trách nhiệm và uy tín, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phù hợp với các thông lệ và chuẩn mực quốc tế”. Ðể thực hiện hiệu quả mục tiêu trên, từng bước nâng cao chất lượng kết quả kiểm toán nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và điều hành NSNN, cần thực hiện một số giải pháp tổng thể sau:

Trước hết cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý NSNN, nhất là đổi mới căn bản quy trình lập, phân bổ, chấp hành và quyết toán ngân sách theo hướng hiện đại, dựa vào kết quả đầu ra, thực hiện các mục tiêu chiến lược ưu tiên của quốc gia; tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình về NSNN; rà soát, sửa đổi, bổ sung các định mức, tiêu chuẩn cho phù hợp với thực tế và bao quát hết các nội dung chi; hoàn thiện các quy định về quản lý nợ công theo hướng quản lý thống nhất, bổ sung các tiêu chí đánh giá phù hợp với thông lệ quốc tế...

Chú trọng xây dựng và hoàn thiện các văn bản thi hành Luật KTNN 2015; đề xuất sửa đổi, bổ sung các nội dung trong các luật liên quan đến KTNN. Tăng cường kiểm tra thực hiện kết luận và kiến nghị kiểm toán. Nghiên cứu hoàn thiện, bổ sung một số chế tài và tổ chức kiểm tra việc thực hiện đối với các hành vi vi phạm Luật KTNN.

Ðồng thời, đổi mới phương pháp kiểm toán. Hoàn thiện và kết hợp nhuần nhuyễn kiểm toán tài chính, kiểm toán tuân thủ và kiểm toán hoạt động; tích cực chuyển dần trọng tâm sang kiểm toán hoạt động. Tăng cường kiểm toán tổng hợp để đánh giá việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ và hiệu lực của các chính sách, chế độ của Nhà nước; đồng thời tăng cường kiến nghị tư vấn trong công tác quản trị và điều hành NSNN đảm bảo minh bạch, hiệu quả. Ðẩy mạnh việc kiểm toán các chuyên đề chuyên sâu, đặc biệt là các chuyên đề mang tính dài hạn, các chương trình mục tiêu và các lĩnh vực được quốc hội, công chúng quan tâm. Ðẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kiểm toán, cần có quy định về cung cấp thông tin tài liệu, truy cập vào hệ thống phần mềm quản lý của đơn vị kiểm toán liên quan đến nội dung kiểm toán; áp dụng những phương pháp kiểm toán mới, tham gia những cuộc kiểm toán liên quốc gia. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động kiểm toán, quy tắc ứng xử và đạo đức kiểm toán viên; xử lý nghiêm khắc các trường hợp kiểm toán viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Hoàn thiện hệ thống tổ chức bộ máy của KTNN theo mô hình quản lý tập trung thống nhất, đảm bảo đồng bộ, có đủ cơ cấu và lực lượng thực hiện nhiệm vụ. Tăng cường công tác đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, sử dụng phần mềm kiểm toán, phần mềm hỗ trợ quản lý hoạt động kiểm toán, cập nhật và bồi dưỡng kiến thức về các lĩnh vực kiểm toán cho cán bộ, kiểm toán viên; tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ công chức… Ðề cao vai trò kiểm toán trong công tác phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí, chủ động và kịp thời cung cấp hồ sơ có dấu hiệu vi phạm sang cho các cơ quan điều tra. Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong hoạt động kiểm toán, nhất là trong công tác theo dõi, đôn đốc thực hiện kiến nghị kiểm toán.

Vũ Khánh Toàn

(Kiểm toán Nhà nước khu vực I)

Bình luận
Back To Top