Hoạt động đối ngoại

Lĩnh vực quan trọng trong quá trình phát triển của KTNN

09:13 - Thứ Tư, 19/09/2018 Lượt xem: 9645 In bài viết

ĐBP - Những năm qua, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã thực hiện mục tiêu đa dạng hóa, đa phương hóa hoạt động đối ngoại, từng bước khẳng định vị thế, uy tín và trách nhiệm trong quá trình thiết lập quan hệ hợp tác với hầu hết các cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) có bề dày lịch sử và kinh nghiệm, các tổ chức nghề nghiệp quốc tế uy tín...

Ngay từ khi KTNN ra đời năm 1994, trong bối cảnh vừa thực hiện nhiệm vụ kiểm toán vừa xây dựng mô hình tổ chức, phát triển bộ máy, vừa triển khai các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán nhằm tăng cường năng lực cho công chức thực thi nhiệm vụ, lãnh đạo KTNN đã rất quan tâm đến hoạt động đối ngoại, xác định hoạt động đối ngoại là lĩnh vực quan trọng trong quá trình phát triển của KTNN và tích cực mở rộng các mối quan hệ hợp tác với các SAI, các tổ chức quốc tế nhằm tăng cường học hỏi kiến thức, kinh nghiệm kiểm toán.

Một trong những dấu mốc quan trọng đánh dấu quá trình hội nhập của KTNN vào cộng đồng kiểm toán thế giới chính là việc KTNN gia nhập tổ chức Quốc tế các cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI) vào năm 1996. Tiếp đó, năm 1997, KTNN gia nhập Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI). Ðặc biệt, KTNN là 1 trong 3 cơ quan đồng sáng lập Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao khu vực Ðông Nam Á (ASEANSAI) vào năm 2011. Từ khi gia nhập các tổ chức khu vực và quốc tế này, KTNN luôn thể hiện là một thành viên tích cực, có những đóng góp nhất định vào hoạt động của các ban, nhóm chuyên môn, góp phần không nhỏ vào sự phát triển chung của cả 3 tổ chức.

Sau 24 năm, kết quả hoạt động đối ngoại đã góp phần quan trọng vào quá trình phát triển của KTNN cả về mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động, năng lực chuyên môn nghiệp vụ kiểm toán và đạo đức nghề nghiệp. Thông qua hoạt động đối ngoại, đặc biệt là việc tăng cường học hỏi, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm quốc tế nhằm lựa chọn, áp dụng linh hoạt vào thực tiễn của ngành phù hợp với điều kiện và thông lệ Việt Nam, năng lực chuyên môn nói chung, đặc biệt là năng lực kiểm toán của công chức, kiểm toán viên KTNN ngày càng được nâng cao và chuyên nghiệp.

Ðóng góp quan trọng là giúp nâng cao địa vị pháp lý, tính độc lập của KTNN. Thông qua việc học tập kinh nghiệm quốc tế về việc hiến định địa vị pháp lý của KTNN và Tổng Kiểm toán Nhà nước vào Hiến pháp, năm 2013, địa vị pháp lý của KTNN đã được hiến định trong Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam. Ðồng thời cũng sau 10 năm, Luật KTNN năm 2005 đã được sửa đổi và Luật KTNN năm 2015 đã được Quốc hội thông qua, có hiệu lực từ ngày 1/1/2016. Sau khi được ban hành, Luật KTNN năm 2015 đã trở thành công cụ hữu hiệu, nâng cao hiệu quả, tăng cường minh bạch và công khai trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Tháng 7/2016, KTNN hoàn thành việc xây dựng và đã ban hành Hệ thống Chuẩn mực KTNN với 39 chuẩn mực theo thông lệ quốc tế ISSAIs.

Nhằm tăng cường năng lực cho đội ngũ công chức, kiểm toán viên (KTV), KTNN đã chú trọng đổi mới hình thức hợp tác với các SAI, các tổ chức quốc tế. Những năm gần đây, KTNN đẩy mạnh hoạt động mời chuyên gia nước ngoài sang trao đổi kinh nghiệm, giảng dạy về kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ, phương pháp luận kiểm toán đối với các lĩnh vực KTNN quan tâm.

Tháng 2/2015, tại Kuala Lumpur (Malaysia), Ðại hội lần thứ 13 của ASOSAI phê chuẩn KTNN Việt Nam là thành viên Ban Ðiều hành ASOSAI nhiệm kỳ 2015 - 2018, đăng cai tổ chức Ðại hội ASOSAI 14 năm 2018 và là Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018 - 2021. Ðây là sự kiện đối ngoại mang tính bước ngoặt của KTNN, góp phần quan trọng vào việc nâng cao vị thế của KTNN không chỉ ở trong nước mà còn mở rộng ra phạm vi khu vực và trên trường quốc tế; đồng thời mang lại những cơ hội lớn hơn trong quá trình hội nhập và hợp tác quốc tế của KTNN.

Thông qua hoạt động hội nhập và hợp tác quốc tế, KTNN Việt Nam đã không ngừng phát triển, nâng cao vị thế cả về địa vị pháp lý, tổ chức bộ máy, phạm vi, quy mô và năng lực thực hiện nhiệm vụ chính trị, trở thành cơ quan có uy tín và trách nhiệm trước Ðảng, Nhà nước, nhân dân, trong cộng đồng INTOSAI, ASOSAI, ASEANSAI và các tổ chức quốc tế khác. Qua đó, thu hút mọi nguồn lực nhằm tăng cường năng lực cho KTNN, giúp KTNN vừa thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị trong nước vừa chủ động hội nhập quốc tế; không chỉ góp phần tích cực vào quá trình hội nhập sâu rộng; kịp thời nắm bắt thời cơ để quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới.

TS. HÀ THỊ MỸ DUNG

(Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, KTNN)

Bình luận
Back To Top