Một số đề tài, dự án nghiên cứu khoa học

Ðem lại hiệu quả ứng dụng thiết thực

08:45 - Thứ Sáu, 21/09/2018 Lượt xem: 10179 In bài viết
ĐBP - Những năm gần đây, hoạt động nghiên cứu khoa học trên địa bàn tỉnh được triển khai ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau nhưng có một điểm chung là các đề tài, dự án đã mang tính ứng dụng cao. Qua đó, góp phần tạo sự chuyển biến về năng suất, chất lượng và khẳng định được vai trò của khoa học công nghệ trong thực tiễn.

 

Người dân phường Nam Thanh (TP. Ðiện Biên Phủ) chăm sóc vườn nhãn sau khi ghép cải tạo.

Xuất phát từ nhu cầu của một số hộ gia đình trên địa bàn tỉnh, năm 2015, Trung tâm Khuyến nông tỉnh (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã triển khai Dự án Chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ “Ghép cải tạo nhãn” với quy mô 1,5ha (tương đương 600 cây) cho các gia đình thuộc địa bàn: phường Nam Thanh, Him Lam và xã Thanh Minh (TP. Ðiện Biên Phủ); xã Thanh Yên, Núa Ngam (huyện Ðiện Biên). Sau gần 3 năm triển khai, Dự án đã thay thế hàng loạt cây nhãn được trồng cách đây từ 10 - 20 năm, nguồn gốc giống không rõ ràng, chất lượng kém, giá trị kinh tế thấp bằng giống nhãn được cải tạo (PH-M99/1.1) có chất lượng tốt.

Nói về quá trình triển khai Dự án, ông Lê Ngọc Minh, Trung tâm Khuyến nông tỉnh (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết: Trên địa bàn tỉnh còn nhiều diện tích nhãn thóc, nhãn nước, chất lượng quả thấp, hiệu quả kinh tế không cao. Vì vậy, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã xây dựng Dự án Chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ “Ghép cải tạo nhãn” cho người dân nhằm đem lại giống nhãn ngon, hiệu quả, giúp nâng cao thu nhập cho bà con. Ðồng thời, có thể chuyển giao kỹ thuật ghép nhãn để người dân tự cải tạo vườn nhãn của gia đình. Vì ghép, cải tạo nhãn là tiến bộ kỹ thuật mới được chuyển giao tại tỉnh nên để kỹ thuật này có thể áp dụng rộng rãi tại các địa phương đòi hỏi Dự án phải đạt được thành công đáng kể. Vì lẽ đó, các thành viên tham gia dự án đã rất nỗ lực và hết lòng hướng dẫn người dân trong quá trình triển khai dự án, từ khâu lựa chọn địa bàn tiến hành ghép cải tạo, tuyên truyền để người dân đăng ký cho đến khâu hướng dẫn các kỹ thuật cưa cành, chăm sóc, bón phân, ghép… Nhờ có cán bộ kỹ thuật hướng dẫn tỉ mỉ nên bà con đã nắm được những kỹ thuật cơ bản trong việc ghép cải tạo nhãn. Dù đến tháng 10/2018, dự án mới nghiệm thu nhưng những kết quả mà dự án đạt được thì không thể phủ nhận. Hiện nay, 600 cây nhãn ghép trong dự án đều phát triển, sinh trưởng tốt và cho thu hoạch với chất lượng quả to, đều, đẹp, hiệu quả kinh tế cao gấp 2 - 3 lần giống nhãn cũ. Nhận thấy giá trị của giống nhãn ghép PH-M99/1.1, nhiều hộ dân ngoài dự án đã đăng ký ghép cải tạo vườn nhãn của gia đình.

Tương tự như Dự án Chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ “Ghép cải tạo nhãn”, Ðề tài Xây dựng mô hình áp dụng tiến bộ kỹ thuật nuôi cá thương phẩm cá tầm (Acipencerv spp) trong lồng, bè tại Hồ thủy lợi Pe Luông (xã Thanh Luông, huyện Ðiện Biên) cũng đạt được những kết quả rất tích cực. Bà Vũ Thị Thùy, Chủ nhiệm đề tài, cho biết: Một số hồ nước trên địa bàn tỉnh ta có thể tận dụng để nuôi cá tầm rất tốt, bởi điều kiện tự nhiên ổn định, thời gian nước đục trong mùa mưa ngắn. Ðề tài được triển khai từ tháng 1/2016 với quy mô 1.536m3 lồng nuôi, thực hiện tại Hợp tác xã Thủy sản Pe Luông. Ban đầu, Hợp tác xã thả 7.680 con cá tầm. Tháng 4/2018, Hội đồng Khoa học và Công nghệ nghiệm thu đề tài thì phía hợp tác xã đã thu hoạch gần 19 tấn cá tầm thương phẩm, trong đó có những con nặng 6kg. Nhận thấy tính thực tiễn của đề tài, Hợp tác xã tiếp tục duy trì số lồng cá để nâng cao giá trị kinh tế trên cùng diện tích mặt nước.

Ông Bạc Cầm Khuyên, Trưởng phòng Kế hoạch, quản lý khoa học (Sở Khoa học và Công nghệ), cho biết: Với định hướng tập trung nghiên cứu lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, năm 2017 và 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã triển khai 54 nhiệm vụ khoa học và công nghệ; trong đó chuyển tiếp từ năm 2015, 2016 sang 31 đề tài, dự án và 14 nhiệm vụ phê duyệt mới năm 2017 và 9 đề tài dự án mới năm 2018. Ðồng thời, tổ chức nghiệm thu 17 đề tài, dự án; trong đó có 2 đề tài, dự án được Hội đồng Khoa học và Công nghệ đánh giá đạt loại xuất sắc, 15 đề tài, dự án đánh giá kết quả đạt.

Từ những thành tựu, hiệu quả của các đề tài, dự án trên, có thể khẳng định rằng, hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ, trong đó có các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã có những bước chuyển tích cực, bám sát yêu cầu thực tiễn, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh.

Bài, ảnh: Phạm Quang
Bình luận
Back To Top