Chậm giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia

08:58 - Thứ Sáu, 21/09/2018 Lượt xem: 9728 In bài viết
ĐBP - Vừa qua, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Kế hoạch và Ðầu tư trình cấp có thẩm quyền cho phép địa phương đã bố trí đủ vốn các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc qua (CTMTQG) nếu còn vốn thì được phép hoàn tất thủ tục đầu tư để bố trí cho dự án khởi công mới trước ngày 31/8/2018. Ở một góc độ khác, nhằm áp dụng biện pháp cứng rắn hơn đối với những địa phương, nhà đầu tư, nhà thầu thiếu năng lực, nếu đến hết ngày 30/9/2018, địa phương vẫn có tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ dưới 30% kế hoạch được giao, Bộ Tài chính sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định điều chuyển nguồn lực này cho địa phương khác có khả năng giải ngân. Ðịa phương được điều chỉnh tăng vốn đảm bảo không vượt kế hoạch đầu tư công trung hạn CTMTQG giai đoạn 2016 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ giao.

Tại tỉnh ta, đến hết tháng 8/2018, tổng kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Nhà nước năm 2018 do địa phương quản lý là 2.514,544 tỷ đồng (vốn năm 2017 được phép kéo dài sang năm 2018 là 241,045 tỷ đồng); lũy kế số giải ngân đến ngày 20/8 là 862,865 tỷ đồng, đạt 34,32% so với kế hoạch vốn giao. Trong đó, vốn đầu tư CTMTQG năm 2018 là 445,776 tỷ đồng; lũy kế số vốn đã giải ngân từ đầu năm đến ngày 20/8/2018 là 170,021 tỷ đồng, đạt 38,14% kế hoạch. Vốn đầu tư theo các chương trình mục tiêu năm 2018 là 304,059 tỷ đồng; lũy kế số vốn đã giải ngân từ đầu năm đến ngày 20/8 đạt 144,854 tỷ đồng, đạt 47% kế hoạch. Giải ngân vốn Chương trình 30a tại 5 huyện nghèo 40,287 tỷ đồng, đạt 38,5% kế hoạch.

Mặc dù về tổng thể, giải ngân vốn chương trình mục tiêu của tỉnh không nằm trong “giới hạn đỏ” của Bộ Tài chính nhưng cần phải khẳng định: 8 tháng qua, tiến độ giải ngân của tỉnh chưa đạt được 50% là rất chậm so với kế hoạch. Ðặc biệt tại một số đơn vị cấp huyện - nơi nguồn vốn CTMTQG được giao thẳng cho địa phương làm chủ đầu tư - việc “tiêu tiền theo quy định” trở thành bài toán khó không có lời giải kéo dài trong cả năm, giải ngân vốn có tỷ lệ rất thấp, thậm chí có nơi còn… không làm được gì!

Ðiển hình trong các đơn vị cấp huyện có tỷ lệ giải ngân thấp tính đến hết tháng 8/2018 là Mường Ảng (1 trong 5 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a). Ðến thời điểm này, giải ngân vốn Chương trình 30a của huyện đạt 5,8%; vốn Chương trình 135 giai đoạn 2 đạt 17,12%; vốn CTMTQG xây dựng nông thôn mới đạt 13,86%. Những nguyên nhân dẫn đến công tác giải ngân vốn chậm được nêu ra là: Chậm ngay từ khâu phân bổ vốn (theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thời hạn phân bổ kế hoạch vốn CTMTQG năm 2018 là đến hết ngày 31/3/2018); một số CTMTQG do bộ, ngành chủ trì quản lý chậm có văn bản hướng dẫn địa phương thực hiện. Nhiều dự án gặp khó khăn trong công tác đền bù - giải phóng mặt bằng, đấu thầu; các dự án chuyển tiếp đang triển khai thi công chưa nghiệm thu khối lượng hoàn thành để giải ngân, thanh toán… Các công trình khởi công vướng cơ chế, chính sách như: Một số quy định của Nghị định 161/2016/NÐ-CP của Chính phủ về cơ chế đặc thù trong quản lý đầu tư xây dựng đối với một số dự án thuộc các CTMTQG giai đoạn 2016 - 2020 chưa phù hợp với tình hình thực tế địa phương như quy định về lựa chọn nhà thầu theo hình thức tham gia thực hiện của cộng đồng, ban giám sát cộng đồng xã… do mặt bằng dân trí, năng lực của cấp xã ở tỉnh ta chưa đáp ứng được yêu cầu.

Khó khăn cần được chia sẻ, song ngoài những nguyên nhân khách quan thì còn nguyên nhân chủ quan nào dẫn đến thực hiện giải ngân vốn các CTMTQG tỷ lệ đạt thấp? Bởi vì với một số huyện khác, vẫn với điều kiện hạ tầng kinh tế - xã hội tương tự, thậm chí khó khăn hơn nhưng vẫn thực hiện tốt một số chương trình, ví dụ như huyện Tủa Chùa, tỷ lệ giải ngân vốn Nghị quyết 30a đến tháng 9/2018 đạt 80,5%. Ðây là vấn đề các đơn vị chủ đầu tư, cấp ủy, chính quyền địa phương cần nghiêm túc nhìn nhận, khắc phục.

Phạm Dương
Bình luận
Back To Top