Tiện ích từ thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng

09:21 - Thứ Năm, 27/09/2018 Lượt xem: 9679 In bài viết

ĐBP - Ðẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công (thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội) trên địa bàn tỉnh, nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ ngân hàng của nền kinh tế và phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử; toàn tỉnh đã tích cực triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để triển khai thực hiện. Bước đầu đem lại nhiều hiệu quả tích cực, khá nhiều thuận lợi trong việc kết nối giữa ngân hàng với các tổ chức cung ứng dịch vụ công.

 

Khách hàng đăng ký thanh toán dịch vụ công qua Kho bạc Nhà nước tỉnh.

Ông Phạm Hồng Phong, phường Him Lam (TP. Ðiện Biên Phủ) cho biết: Nếu như trước đây, dịch vụ thu tiền nước phải đợi nhân viên thu ngân của Công ty Cổ phần Cấp nước Ðiện Biên đến tận nhà thu; tiền điện phải đem đến địa điểm thu tập trung của Công ty Ðiện lực Ðiện Biên. Thì nay mọi vấn đề đã được giải quyết từ khi các đơn vị trên triển khai dịch vụ thu tiền điện, nước qua các ngân hàng thương mại. Ngày cố định mỗi tháng số tiền điện, tiền nước đã sử dụng được thanh toán qua tài khoản cá nhân đăng ký. Việc thu tiền điện, nước qua ngân hàng thuận lợi hơn rất nhiều, vừa không tốn thời gian đi lại, ký nhận các loại giấy tờ liên quan...

Ðó chính là lợi ích của người dân trong số rất nhiều tiện ích khi được tiếp cận thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công. Còn về phía doanh nghiệp, bà Hoàng Cúc Phương, Kế toán trưởng Công ty Cổ phần Cấp nước Ðiện Biên cho biết: dù hình thức thanh toán thu tiền sử dụng nước của khách hàng qua các ngân hàng thương mại do Công ty phối hợp thực hiện thời gian qua là khá mới, song nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, giới thiệu dịch vụ nên nhiều khách hàng của Công ty đã lựa chọn hình thức thanh toán này thay vì đợi nhân viên thu ngân của đơn vị đến tận nhà thu tiền như trước. Tỷ lệ thu tiền sử dụng nước qua ngân hàng tăng lên trong khi tỷ lệ thu tiền nước tại các hộ gia đình giảm dần. Việc khách hàng nộp tiền sử dụng nước qua ngân hàng cũng góp phần vào việc thể hiện tính minh bạch, cụ thể đơn giá, khối lượng sử dụng cũng như giúp doanh nghiệp quản lý nguồn thu dễ dàng, thuận lợi hơn.

Góp phần đẩy mạnh phát triển nền kinh tế, phát triển thanh toán không dùng tiền mặt; tỉnh ta đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, đối với dịch vụ thu ngân sách đảm bảo 80% giao dịch nộp thuế của các tổ chức, cơ quan, đơn vị và các cá nhân trong tỉnh được thực hiện qua ngân hàng; 80% Kho bạc Nhà nước từ tỉnh đến các huyện, thị xã, thành phố có thiết bị chấp nhận thẻ ngân hàng để phục vụ cho việc thu ngân sách Nhà nước. Ðối với dịch vụ thanh toán tiền điện, phấn đấu 70% số tiền điện được thanh toán qua ngân hàng; 70% hóa đơn tiền nước được Công ty Cổ phần cấp nước Ðiện Biên chấp thuận thanh toán qua ngân hàng; 50% cá nhân, hộ gia đình ở TP. Ðiện Biên Phủ, trung tâm các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh thực hiện thanh toán tiền nước qua ngân hàng. Tỉnh cũng đặt mục tiêu phấn đấu 100% trường cao đẳng, các trung tâm đào tạo trong tỉnh chấp thuận thanh toán tiền học phí qua ngân hàng; 70% bệnh viện trong tỉnh có điểm chấp nhận thẻ (POS); 30% công chức, viên chức, người lao động được trả lương qua tài khoản, thanh toán tiền viện phí qua điểm chấp nhận thẻ hoặc qua ngân hàng. Phấn đấu 20% số tiền chi trả an sinh xã hội tại địa bàn thành phố, thị xã, thị trấn huyện được thực hiện qua ngân hàng; khuyến khích các tổ chức, cá nhân thanh toán trả tiền cước điện thoại qua tài khoản ngân hàng.

Ðẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng các dịch vụ công, các ngân hàng thương mại trên địa bàn đã đầu tư phát triển và mở rộng mạng lưới ATM ở các trung tâm huyện, thị xã, thành phố; mở rộng, lắp đặt thêm mạng lưới thiết bị chấp nhận thanh toán ở các đơn vị: Kho bạc Nhà nước, bệnh viện, trường học, các điểm giao dịch “Một cửa” của cơ quan Nhà nước, các điểm thu nộp thuế của các cơ quan thuế, hải quan, chi trả an sinh xã hội… để phục vụ thanh toán qua ngân hàng.

Tập trung đẩy mạnh thực hiện thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công ích, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh tỉnh Ðiện Biên đã làm tốt công tác tuyên truyền, giới thiệu sản phẩm dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt trong thu nộp thuế, thanh toán hóa đơn điện, nước, học phí, viện phí, cước viễn thông đến các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình. Ngân hàng cũng tăng cường kiểm tra, rà soát hệ thống máy ATM và thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán (POS); hệ thống đảm bảo an toàn, bảo mật cho các giao dịch qua ATM, POS và các giải pháp xác thực khách hàng để phòng, chống các hành vi gian lận. Ðến nay, trên địa bàn toàn tỉnh, Agribank Chi nhánh tỉnh Ðiện Biên đã lắp đặt xong hệ thống 12 điểm ATM, hàng trăm thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán (POS).

Ông Hà Văn Từ, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Ðiện Biên cho biết: Thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công sẽ giúp hạn chế khối lượng lớn tiền mặt trong lưu thông. Từ đó, giảm bớt những phí tổn của xã hội có liên quan đến việc phát hành và lưu thông tiền, như: chi phí in ấn, kiểm đếm, chuyên chở, bảo quản và hủy bỏ tiền cũ, rách… Thêm vào đó, việc thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công còn giúp tăng sự lưu chuyển tiền tệ hỗ trợ nền kinh tế thông qua việc rút ngắn thời gian luân chuyển vốn qua các hệ thống thanh toán.

Hiện có 9 đơn vị trong toàn tỉnh tham gia vào hệ thống thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng (6 ngân hàng thương mại, Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Chính sách Xã hội và Kho bạc Nhà nước tỉnh); gần 40 đơn vị kinh doanh, nhà cung cấp các dịch vụ (điện, nước, viễn thông…) chấp nhận thanh toán hóa đơn qua ngân hàng; 834 đơn vị hưởng lương ngân sách Nhà nước thực hiện trả lương qua tài khoản.

Minh Thùy
Bình luận
Back To Top