Mường Ảng tìm đầu ra cho cây keo

09:28 - Thứ Năm, 27/09/2018 Lượt xem: 10301 In bài viết

ĐBP - Thực hiện mục tiêu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phủ xanh đất trống đồi trọc, tạo việc làm nâng cao thu nhập, từng bước hướng tới phát triển lâm nghiệp bền vững, giúp người dân sống được nhờ rừng... Năm 2015, UBND huyện Mường Ảng xây dựng Ðề án Phát triển rừng sản xuất nguyên liệu tập trung năm 2016, định hướng đến năm 2020 (gọi tắt là Ðề án). Sau hơn 2 năm triển khai Ðề án đã đạt được nhiều kết quả khả quan.

 

Cán bộ xã Mường Lạn kiểm tra diện tích rừng sản xuất trồng năm 2016 tại bản Co Sản.

Thực hiện Ðề án, huyện đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với các xã đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, vận động nhân dân tích cực tham gia đăng ký và trồng rừng. Ðồng thời, tiến hành rà soát chính xác, cụ thể diện tích đất trồng rừng hiện có tại các xã, trên cơ sở đó tham mưu cho UBND huyện giao chỉ tiêu về xã nhằm bảo đảm việc thực hiện đạt kết quả cao. Việc trồng rừng sản xuất được triển khai thí điểm tại 5 xã (Búng Lao, Mường Ðăng, Ẳng Cang, Mường Lạn và Ẳng Tở). Loại cây giống được chọn để trồng là keo tai tượng. Nhờ sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền từ huyện tới xã cùng với sự đồng tình ủng hộ của nhân dân việc triển khai trồng rừng sản xuất trên địa bàn được triển khai tương đối thuận lợi. Từ năm 2016 đến nay, toàn huyện đã triển khai trồng trên 1.120ha rừng sản xuất. Ðến thời điểm hiện tại, diện tích rừng trồng sinh trưởng phát triển tốt, tỷ lệ cây sống đạt trên 90%.

Mường Lạn là một trong những xã có diện tích rừng trồng phát triển tốt của huyện Mường Ảng. Chúng tôi cùng Chủ tịch UBND xã Mường Lạn Lò Văn Sớn tới thăm diện tích rừng trồng từ năm 2016 tại bản Co Sản, Huổi Lỵ. Nhìn những cánh rừng keo tai tượng xanh ngút ngàn trải dài trên các sườn đồi mới thấy được tâm huyết trồng rừng của người dân và chính quyền nơi đây. Ông Lò Văn Sớn chia sẻ: Thực hiện nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ huyện Mường Ảng lần thứ XXII về chỉ tiêu phát triển rừng; Ðảng ủy, HÐND, UBND xã cùng các ban, ngành, đoàn thể cùng vận động nhân dân chuyển đổi từ diện tích đất nương kém năng suất sang trồng rừng sản xuất. Ban đầu người dân còn nghi ngại vì không biết trồng rừng thế nào? Có hiệu quả kinh tế không? Ðầu ra có được đảm bảo hay không?... Sau nhiều đợt truyên truyền cùng với chính sách ưu đãi của huyện trong trồng rừng sản xuất, như: được hỗ trợ 10 triệu đồng/ha trong 4 năm; được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân đối với diện tích có rừng; đảm bảo bao tiêu “đầu ra”; hỗ trợ công trồng đối với các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, gia đình chính sách... Người dân bắt đầu tin tưởng tham gia trồng rừng, diện tích trồng rừng của xã năm sau cao hơn năm trước. Năm 2016 toàn xã trồng được 51,9ha rừng tập trung 2 bản Huổi Lỵ và Co Sản; đến năm 2017 trồng thêm 53,9ha tại 2 bản (Xuân Lứa, Lạn A). Ðến nay toàn xã có 9/12 bản trồng rừng sản xuất với tổng diện tích 144,9ha.

Bàn về đầu ra cho diện tích rừng sản xuất trên địa bàn, ông Nguyễn Hữu Hiệp, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Ảng cho biết: Việc trồng rừng sản xuất tập trung là thực hiện nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ huyện lần thứ XXII, nhiệm kỳ (2015 - 2020). Ngoài việc hỗ trợ về cơ chế chính sách, hỗ trợ kinh phí trồng rừng sản xuất từ nguồn vốn Nghị quyết 30a với định mức 6,5 triệu đồng/ha trồng mới (năm đầu tiên); hỗ trợ các xã làm đường vận chuyển cây giống, hỗ trợ chi phí quản lý cho các xã theo định mức 300.000 đồng/ha (từ nguồn ngân sách huyện). Huyện cũng đã cam kết thỏa thuận với Công ty Cổ phần rừng Việt Tây Bắc sẽ thu mua những cây keo tai tượng trồng từ năm 2016 trên địa bàn huyện đến tuổi khai thác (có đường kính từ 15cm trở lên) để làm nguyên liệu sản xuất với giá tối thiểu 1 triệu đồng/m3; số còn lại không đủ tiêu chuẩn Công ty sẽ thỏa thuận giá với người dân (nếu nguyên liệu tại thời điểm khai thác cao hơn giá đã thỏa thuận, Công ty có trách nhiệm thỏa thuận giá cả với người dân theo giá thị trường tại thời điểm thu mua). Cùng với đó, năm 2016, Ban Thường vụ Huyện ủy, HÐND, UBND huyện Mường Ảng đã xuống Công ty giấy Bãi Bằng tìm “đầu ra” cho sản phẩm keo tai tượng. Công ty đã thống nhất với huyện nếu vùng nguyên liệu đạt trên 1.500ha sẽ đặt nhà máy sơ chế tại địa bàn và thu mua theo giá thời điểm (hiện tại giá gỗ tròn bóc vỏ đường kính trên 10cm công ty đang thu mua 1,2 triệu đồng/m3, 800.000 đồng/m3 gỗ dưới 10cm và cành…).

Ông Nguyễn Hữu Hiệp cũng cho biết, hiện trên địa bàn huyện có gần 50ha gỗ keo, mỡ loại rừng trồng sản xuất năm 2005 theo Dự án 661 thuộc các xã: Ẳng Tở, Búng Lao và Ẳng Cang đã đến tuổi khai thác. Trên cơ sở xin ý kiến cơ quan cấp trên, UBND huyện đã ban hành Văn bản số 677/UBND-HKL ngày 29/6/2018 về việc cho phép làm thủ tục khai thác gỗ keo, mỡ loại rừng trồng sản xuất. Hiện Doanh nghiệp An Phú đang thu mua gỗ tại nương cho người dân với giá 850.000 đồng/m3 gỗ mỡ, 325.000 đồng/ster gỗ keo. Từ đầu tháng 8 đến nay đã thu mua 95m3 gỗ keo, 34m3 gỗ mỡ... Tạo động lực, khuyến khích người dân trồng rừng, huyện chủ động làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các hộ trồng rừng để người dân đủ điều kiện vay vốn theo Nghị định 755/TTg-CP của Thủ tướng Chính phủ. Ðối với diện tích rừng trồng năm 2016, huyện đã hoàn thành thủ tục và giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân, còn với diện tích rừng trồng năm 2017, dự kiến đến 31/12/2018 huyện sẽ hoàn thành thủ tục giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân. Ngoài ra, trong các cuộc họp, giao ban UBND huyện cũng kiến nghị UBND tỉnh khuyến khích và giao chỉ tiêu cho các huyện lân cận (Ðiện Biên, Tuần Giáo, Mường Chà…) trồng rừng sản xuất để hình thành vùng nguyên liệu lớn, bền vững nhằm thuận lợi hơn trong việc thu hút các nhà đầu tư vào xây dựng nhà máy sản xuất gỗ trên địa bàn.

Anh Nguyễn
Bình luận
Back To Top