Lành mạnh hóa cán cân thương mại

08:59 - Thứ Sáu, 28/09/2018 Lượt xem: 8671 In bài viết
Theo Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 9-2018, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam có mức thặng dư 878 triệu USD, đưa cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam từ đầu năm đến hết ngày 15-9 tiếp tục giữ vị thế xuất siêu, với mức 5,57 tỷ USD.

Từ đầu năm đến trung tuần tháng 9-2018, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của cả nước đạt 168,57 tỷ USD, tăng 16,3% (tương ứng tăng 23,63 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2017. Tổng trị giá nhập khẩu hàng hóa đạt 163 tỷ USD, tăng 11,7% (tương ứng tăng 17,02 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2017. Như vậy, kết quả xuất khẩu có tốc độ tăng trưởng hơn hẳn so với nhập khẩu.

 

Ảnh minh hoạ.

Kết quả trên là rất tích cực song cần nhấn mạnh rằng, sở dĩ nền kinh tế xác lập được vị thế xuất siêu là do đóng góp vượt bậc của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đây là nguyên nhân chủ yếu, bù đắp nhập siêu của khu vực doanh nghiệp trong nước. Nói cách khác, kết quả và thực lực xuất khẩu của hai khu vực doanh nghiệp vẫn có sự chênh lệch rất lớn, với sức vươn áp đảo của khu vực doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. 

Trong một diễn biến mới, khác với “quán tính” nhập khẩu ô tô diễn ra khá liên tục với giá trị ngang nhau trong cùng thời gian của các năm trước, kim ngạch nhập khẩu ô tô 9 tháng qua chỉ nhỉnh hơn một nửa so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng lưu ý, so với nửa cuối tháng 8-2018, việc nhập khẩu một số nhóm hàng trong 15 ngày đầu tháng 9 biến động giảm. Cụ thể, dầu thô giảm 398 triệu USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 384 triệu USD, xăng dầu các loại giảm 124 triệu USD; điện thoại các loại và linh kiện giảm 109 triệu USD... Phân tích này cho thấy, sự suy giảm nhập khẩu là khá lành mạnh, bởi đó là những mặt hàng ít quan trọng (trừ nhiên liệu), không ảnh hưởng nhiều đến sản xuất nội địa.

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, hoạt động xuất, nhập khẩu nhằm đáp ứng quan hệ cung - cầu về nguyên, nhiên liệu và tiêu dùng trong nước. Xét rộng hơn, muốn duy trì sự lành mạnh và thế mạnh trong quan hệ xuất, nhập khẩu quốc gia thì phải nhấn mạnh vào xuất khẩu; sao cho kết quả xuất khẩu cao hơn nhập khẩu. Đặc biệt, với điều kiện nước ta hiện nay, cần thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại ngoài nước một cách có trọng tâm, trọng điểm, tránh tình trạng “phong trào, đồng đều” giữa các ngành hàng... Chẳng hạn, Việt Nam là nước có thế mạnh về các mặt hàng nông, thủy sản nên càng cần phát huy tiềm năng, nhưng phải có chọn lọc và xây dựng thương hiệu, tìm chỗ đứng vững chắc trên thị trường quốc tế. 

Ông Phú nhấn mạnh, nếu các loại quả nhiệt đới của Việt Nam được chế biến sâu, bảo đảm tiêu chuẩn về mẫu mã, chất lượng theo quy định thì sẽ gia tăng giá trị gấp 3-4 lần so với xuất khẩu thô. Xu hướng này là tất yếu, nhưng đòi hỏi mỗi đơn vị sản xuất, xuất khẩu phải đầu tư thỏa đáng cho công nghệ xử lý sau thu hoạch, chế biến và phương cách quản lý hiện đại, nhất là sự nghiêm túc trong tuân thủ nguyên tắc văn minh thương mại quốc tế. Làm được như vậy sẽ từng bước nhân lên sức mạnh, cũng như xây dựng được thương hiệu hàng Việt nói chung.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top