Rau an toàn và bài toán quản lý

09:37 - Thứ Sáu, 28/09/2018 Lượt xem: 10454 In bài viết

ĐBP - Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm nói chung và công tác quản lý chất lượng các sản phẩm rau, củ, quả nói riêng hiện nay là trách nhiệm không của riêng ngành, địa phương nào. Cách quản lý hiệu quả nhất chính là trang bị kiến thức cho người dân đồng thời, tạo điều kiện để các sản phẩm đó thực sự là hàng hóa chất lượng, mang lại lợi ích cho người dân.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Phạm Ðình Lai, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Trước hết, cần hiểu rằng rau, củ, quả mua ngoài chợ, mang về sử dụng cho nhu cầu hàng ngày là một sản phẩm mang tính hàng hóa. Ðã là hàng hóa thì những sản phẩm rau, quả đó sạch, an toàn không có nghĩa là phải được trồng một cách hoàn toàn tự nhiên theo kiểu “của nhà làm ra”, mà quan trọng là người trồng rau áp dụng khoa học - kỹ thuật ra sao, chăm bón, tạo ra sản phẩm đạt năng suất cao như thế nào. Ðối với thị trường tỉnh ta hiện nay, có thể nói rau, củ, quả được nông dân sản xuất chỉ để phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng nội tỉnh là chính. Trong đó, diện tích trồng rau chủ yếu tập trung tại các xã: Thanh Hưng, Thanh Xương, Thanh An, Noong Luống (huyện Ðiện Biên) và phường Noong Bua (TP. Ðiện Biên Phủ). Song những khu vực này hiện nay mới được gọi là vùng trồng chính, cơ bản vẫn sản xuất manh mún, nhỏ lẻ theo thời tiết, mùa vụ thích hợp với điều kiện sinh trưởng của từng loại rau chứ chưa đạt tiêu chuẩn là vùng chuyên canh. Chính vì vậy, do nhu cầu thị trường, các loại rau trái vụ nông dân chưa đủ khả năng đáp ứng nên nguồn gốc rau tiêu thụ trong tỉnh hiện nay gồm 2 hướng là từ nội tỉnh và nhập từ các tỉnh: Sơn La, Vĩnh Phúc.

 

Công ty TNHH Thực phẩm Safe Green là chuỗi cung ứng có sản phẩm được chứng nhận rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap. Trong ảnh: Ðại diện Công ty Thực phẩm Safe Green giới thiệu rau, quả an toàn đến khách hàng. Ảnh: Phạm Dương

Về quản lý chất lượng, độ an toàn, trong năm 2018 lực lượng chuyên môn của Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản đã tổ chức kiểm tra an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản (trong đó có rau, củ, quả) trước, trong và sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018; kiểm tra 75 cơ sở, trong đó 16 cơ sở trồng rau, 6 cơ sở kinh doanh nông sản khô, 3 cơ sở kinh doanh quả tươi. Qua công tác kiểm tra, cơ bản các cơ sở đáp ứng điều kiện chung về đảm bảo an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản như: Ðịa điểm sản xuất kinh doanh, trang thiết bị, xuất xứ hàng hóa, được tập huấn, xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm, chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định... Tuy nhiên còn 2 cơ sở không có giấy xác nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm. Cùng với đó, Chi cục đã thực hiện hoạt động giám sát an toàn thực phẩm, cảnh báo nguy cơ và truy xuất, tập trung chủ yếu vào các cơ sở sản xuất và kinh doanh rau, quả tươi. Qua giám sát, còn 31/97 cơ sở chưa thực hiện ký cam kết với chính quyền địa phương. Ðến thời điểm hiện tại, ngành chuyên môn tỉnh đã cấp giấy xác nhận cho 4 chuỗi cung ứng rau an toàn (1 chuỗi rau đã dừng hoạt động, 3 đầu mối còn lại là: Công ty TNHH Thực phẩm Safe Green, Siêu thị Hoa Ba và Siêu thị Tâm Ðỏ); hỗ trợ Công ty TNHH Thực phẩm Safe Green xây dựng, áp dụng VietGap và cấp chứng nhận VietGap cho sản phẩm rau, củ, quả của doanh nghiệp.

Ðến nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số chuỗi liên kết tiêu thụ rau, củ, quả an toàn với các điều kiện cơ bản đáp ứng các quy định an toàn thực phẩm cũng như chất lượng. Nhưng do những khó khăn về hạ tầng sản xuất; nhận thức của người dân; công tác xúc tiến, quảng bá, xây dựng thương hiệu còn hạn chế… nên hiện nay, việc sản xuất rau, quả an toàn chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng hàng ngày của người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh. Cũng vì khả năng sản xuất còn hạn chế nên các đầu mối tiêu thụ lớn, thường xuyên như những nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể chưa tạo ra đầu mối tiêu thụ ổn định, chưa ký kết các hợp đồng lâu dài. Ðiều này gây phản ứng tương tác, càng làm hạn chế động lực mở rộng quy mô theo hướng chuyên canh của nông dân, nên vẫn xảy ra tình trạng “no dồn, đói góp”: Rau trái mùa thì người tiêu dùng phải mua với giá đắt hơn thịt (ví dụ 7.000 đồng/mớ rau thì là vào mùa mưa), đến chính vụ thì người dân bán rẻ như cho.  

Trong giai đoạn hiện nay, vấn đề an toàn thực phẩm nói chung, rau an toàn nói riêng liên quan trực tiếp đến trình độ, quy mô, phương thức sản xuất và quan trọng nhất khả năng tiêu thụ. Bởi khi đã thành một hệ thống chặt chẽ, chuyên nghiệp sẽ tạo động lực cho người sản xuất, thuận lợi cho cơ quan kiểm soát và chất lượng cho người tiêu dùng.

Phạm Dương
Bình luận
Back To Top