Cơ hội và những cảnh báo đối với kinh tế Việt Nam

15:14 - Thứ Hai, 01/10/2018 Lượt xem: 10724 In bài viết

Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc được nhận định là sẽ tiếp tục căng thẳng. Là một nền kinh tế có độ mở lớn nên Việt Nam đang đứng trước cơ hội đồng thời chịu nhiều ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Cẩn trọng “vốn ô nhiễm” và “công nghệ rác thải”

Tại cuộc họp báo về số liệu kinh tế 9 tháng năm 2018, phân tích về những tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tới kinh tế Việt Nam, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, sự ảnh hưởng này sẽ có tác động 2 chiều, cả thuận lợi và không thuận lợi. 

Về chiều hướng không thuận lợi, ông Lâm chỉ ra 6 vấn đề. Thứ nhất, vì quy mô cuộc chiến ngày càng mở rộng, từ việc Mỹ áp thuế 50 tỷ USD hàng hóa đã tăng lên thêm 200 tỷ USD. 

Trong ngắn hạn, do quy mô không mở rộng nên sự tác động không lớn đến xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ, nhưng trong dài hạn, quy mô càng mở rộng, kéo dài thì nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ chịu ảnh hưởng lớn.

Thứ 2, Việt Nam đứng thứ 12 quy mô xuất khẩu và đứng thứ 5 về quy mô thương mại với Mỹ, với chiều hướng và chính sách gia tăng bảo hộ của Mỹ hiện nay, rủi ro lớn nhất với Việt Nam là Mỹ sẽ đưa ra các rào cản về thuế, về kỹ thuật đối với các nước đang có thặng dư thương mại với Mỹ. 

Điều này sẽ ảnh hưởng đến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Mỹ như dệt may, điện tử, điện thoại... có thể là đối tượng bị nhắm đến.

Rủi ro thứ 3, ông Lâm cho rằng, xung đột thương mại Mỹ - Trung sẽ đẩy mạnh xu hướng chuyển dịch sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Các nhà đầu tư trong đó có cả nhà đầu tư Trung Quốc sẽ không còn ở Trung Quốc nữa mà chuyển vốn đầu tư sang nước khác trong đó có Việt Nam. 

“Tuy nhiên, có điểm không thuận lợi là những dự án đầu tư công nghệ lạc hậu, ô nhiễm môi trường, những dự án có quy mô nhỏ sẽ dịch chuyển từ Trung Quốc. Chúng ta phải làm sao để ngăn chặn điều này. Hiện nay, nhiều dự án FDI vào Việt Nam có quy mô ngày càng nhỏ, có dự án vốn đầu tư chỉ khoảng 1 triệu USD. Thời gian tới cần sàng lọc kỹ hơn dòng vốn FDI. Phải có hàng rào ngăn chặn dòng đầu tư này chứ không phải thu hút đầu tư bằng mọi giá”, ông Lâm nhấn mạnh.

Thứ 4 là về rủi ro gian lận thương mại, do Trung Quốc chịu thuế cao nên họ sẽ chuyển hàng vào Việt Nam, một số nhà sản xuất sẽ núp bóng dưới mác hàng hóa chế biến tại Việt Nam để tuồn hàng vào Mỹ, dù thực tế hàng có xuất xứ từ Trung Quốc, khiến cho chúng ta dễ bị vi phạm thương mại.

Rủi ro thứ 5 là môi trường tài chính tiền tệ diễn biến không thuận lợi, dòng vốn đầu tư thay đổi, đảo chiều tạo ra những rủi ro cho nền kinh tế Việt Nam. Và rủi ro thứ 6 là một số nước lớn, kể cả Trung Quốc sẽ đẩy mạnh hơn liên kết song phương ở khu vực để tập hợp lực lượng nhằm giảm thiểu tác động xung đột. Vì thế, Việt Nam cũng phải tính toán để có đủ điều kiện về kỹ thuật, về năng lực thì mới tham gia được vào chuỗi liên kết này.


Việt Nam đang là nơi sản xuất lớn nhất của Tập đoàn Samsung.

Tận dụng cơ hội để phát triển

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm không thuận lợi, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cũng mang đến cho nền kinh tế Việt Nam một số thuận lợi nhất định. 

Chỉ ra 4 vấn đề, ông Nguyễn Bích Lâm cho rằng, trong cuộc chiến thương mại, chiều hướng là Mỹ kiềm chế Trung Quốc, đặc biệt là về công nghệ cao, nếu Việt Nam khai thác tận dụng được thuận lợi này thì tốt. Thứ 2 là cuộc chiến thương mại sẽ tạo được động lực lớn để liên kết kinh tế đa phương, đa phương hóa hợp tác. 

“Cuộc chiến thương mại Mỹ Trung cũng như của một số nước lớn sẽ tạo động lực mạnh hơn trong triển khai liên kết kinh tế, đầu tư đa phương, đẩy mạnh hợp tác, đa phương hóa trong tìm kiếm thị trường để tiêu thụ sản phẩm của Việt Nam. Trong nhiều phiên họp gần đây, Chính phủ cũng đang kêu gọi đẩy mạnh mở rộng, tìm kiếm thị trường mới, đặc biệt là thị trường cho các sản phẩm nông nghiệp, để tiêu thụ các sản phẩm của Việt Nam”, ông Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh. 

Thứ 3 là xu hướng đa phương sẽ giúp thuận lợi trong quá trình ký kết Hiệp định CPTPP - điều này sẽ tạo thuận lợi cho thương mại với Việt Nam. Thứ 4 là thúc đẩy một số mặt hàng cạnh tranh vào thị trường Mỹ, thay thế cho Trung Quốc và những nước có chiến tranh thương mại với Mỹ.

Phân tích cụ thể hơn về chiều thuận lợi đối với hàng hóa xuất khẩu vào thị trường Mỹ, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cũng cho rằng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ mang đến cơ hội cho xuất khẩu dệt may của Việt Nam. 

Năm 2017, thị trường Mỹ chiếm 17% tổng xuất khẩu hàng may mặc của Trung Quốc trong khi 50% hàng may mặc tiêu dùng tại Mỹ có xuất xứ từ Trung Quốc. Như vậy có thể thấy ở nhóm hàng này, Mỹ ở vị thế phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc. 

Theo đánh giá của BVSC, việc thuế tăng lên sẽ khiến cho các công ty đa quốc gia của Mỹ đang hoạt động tại Trung Quốc cũng như các công ty nội địa Trung Quốc có động cơ mạnh hơn để chuyển hướng các đơn hàng và hoạt động sản xuất mặt hàng may mặc sang các nước khác nhằm tránh thuế, nên các nước có lợi thế cạnh tranh trong lĩnh vực may mặc như Việt Nam, Bangladesh,  Campuchia... sẽ được hưởng lợi.

Cùng với dệt may, các chuyên gia của BVSC cho rằng, xung đột thương mại Mỹ - Trung sẽ còn mang đến cơ hội cho ngành hàng lắp ráp điện thoại di động, hàng điện tử của Việt Nam. 

Cụ thể, hiện nay, Việt Nam đang là nơi sản xuất lớn nhất của Tập đoàn Samsung, này với sản lượng khoảng 240 triệu chiếc/năm, theo sau là Trung Quốc với sản lượng 150 triệu chiếc/năm, tiếp theo là Ấn Độ (50 triệu), Hàn Quốc (40 triệu), Brazil (12 triệu) và Indonesia (8 triệu). 

Trong khi đó, Samsung đang có kế hoạch cắt giảm sản lượng khoảng 40 triệu sản phẩm tại Trung Quốc do giá nhân công cao kết hợp với rủi ro chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang nên tập đoàn này càng có lý do để đẩy mạnh chuyển hướng đầu tư sang các nước khác. Trong bối cảnh này, Việt Nam có cơ hội thu hút thêm vốn đầu tư của Samsung.

“Trong chiến tranh thương mại sẽ có những điểm thuận lợi và không thuận lợi. Vấn đề là chúng ta xác định rõ những điều này, từ đó Chính phủ có giải pháp kịp thời để khắc phục những tồn tại và tận dụng những ưu thế của chiến tranh thương mại để phát triển đất nước”, ông Nguyễn Bích Lâm nói.

P.V (Theo CAND)
Bình luận
Back To Top