Khai thác lợi thế phát triển kinh tế

08:57 - Thứ Tư, 03/10/2018 Lượt xem: 9123 In bài viết

ĐBP - Mở rộng diện tích lúa nước và phát triển chăn nuôi được xác định là thế mạnh trong phát triển nông nghiệp. Vì vậy, những năm qua huyện Ðiện Biên Ðông đã tập trung các nguồn lực, khai thác tốt những thế mạnh này.

Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ huyện Ðiện Biên Ðông lần thứ 5, nhiệm kỳ 2015 - 2020 xác định một trong những mục tiêu quan trọng trong sản xuất nông nghiệp là mở rộng diện tích lúa nước và nâng cao năng suất, chất lượng. Thực hiện mục tiêu Nghị quyết, từ năm 2016, Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện triển khai các mô hình nâng cao kỹ thuật thâm canh lúa tại một số xã: Mường Luân, Háng Lìa, Luân Giói với nhiều giống lúa năng suất, chất lượng cao, như: Bắc thơm số 7, Bắc thơm số 9, IR64… Cán bộ Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện trực tiếp hướng dẫn người dân gieo cấy đúng lịch thời vụ, quy trình chăm sóc lúa, sử dụng phân bón lót, bón thúc; thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện, phòng trừ sâu bệnh. Kết quả vụ đầu tiên, nông dân không chỉ giảm công chăm sóc, bảo vệ mà năng suất lúa tăng từ 40 - 45 tạ/ha lên 60 - 70 tạ/ha.

Luân Giói là xã có diện tích lúa nước lớn nhất huyện Ðiện Biên Ðông. Trước đây, khi chưa triển khai mô hình thâm canh lúa thì người dân trồng lúa vất vả mà năng suất không cao. Ông Lò Văn Cu, Chủ tịch UBND xã Luân Giói, cho biết: Thông qua các mô hình trình diễn, các lớp tập huấn người dân đã hiểu biết hơn về canh tác lúa nước, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhờ vậy sản lượng, năng suất lúa đều tăng, đảm bảo an ninh lương lực. Ðặc biệt, những năm gần đây, được sự hỗ trợ một phần của Nhà nước, người dân trong xã đã thuê máy móc về khai hoang, chuyển đổi ruộng nương thành ruộng nước. Từ năm 2015 đến nay, toàn xã khai hoang, phục hóa được gần 100ha.

Không chỉ riêng xã Luân Giói mà khai hoang, phục hóa mở rộng diện tích trồng lúa nước đã và đang làm thay đổi thói quen canh tác của người dân trong toàn huyện. Nhờ đó, những năm qua diện tích lúa nước, đặc biệt diện tích lúa 2 vụ đã tăng lên nhanh chóng. Nếu như trước năm 2015, toàn huyện chỉ có hơn 1.000ha lúa nước thì đến nay đã tăng lên hơn 2.500ha; trong đó lúa 2 vụ hơn 700ha, tập trung tại các xã: Na Son, Mường Luân, Luân Giói, Háng Lìa… Qua đó, góp phần tăng sản lượng lúa của huyện năm sau cao hơn năm trước: Năm 2015 tổng sản lượng đạt gần 25.000 tấn, thì chỉ tính riêng vụ đông xuân năm 2018, toàn huyện đã đạt gần 22.000 tấn.

Cùng với tập trung phát triển lúa nước, chăn nuôi gia súc cũng là thế mạnh của huyện. Với lợi thế đồi núi, diện tích chăn thả rộng, những năm qua huyện đã có nhiều cơ chế khuyến khích phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, từng bước đưa chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính gắn với lộ trình xây dựng nông thôn mới. Ông Vũ Ngọc Hoành, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ðiện Biên Ðông, cho biết: Hiện nay, tổng đàn gia súc toàn huyện hơn 80.000 con trong đó, hơn 14.200 con trâu, 21.200 con bò, hơn 30.000 con lợn; tổng đàn gia cầm đạt trên 156.000 con. Mục tiêu đến năm 2020 nâng tỷ trọng chăn nuôi trong giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện lên 28 - 30%; duy trì tốc độ tăng trưởng đàn trâu từ 3 - 4%/năm, đàn bò 5 - 6%/năm. Trong đó, tập trung đầu tư phát triển một số vùng nuôi bò thịt theo mô hình kinh tế trang trại ở các xã: Pú Nhi, Noong U, Tìa Dình, Phình Giàng... nuôi dê tập trung ở các xã vùng cao như: Pú Nhi, Xa Dung, Phì Nhừ, Keo Lôm. Ðể đạt được mục tiêu đề ra, chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân từ bỏ tập quán chăn thả tự do để chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại, chủ động nguồn thức ăn, kiểm soát, phòng chống dịch bệnh. Ðồng thời, tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi. Nhờ vậy, nhiều nông dân đã đổi mới tư duy, đầu tư xây dựng các mô hình kinh tế theo hướng đa canh, đa con, biết ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại vào chăn nuôi. Hiện nay, toàn huyện có trên 125 gia trại chăn nuôi trâu, bò, dê. Nhiều mô hình có doanh thu bình quân đạt từ 50 - 100 triệu đồng/năm, như các gia đình: Giàng Văn Minh (xã Keo Lôm), Lò Văn Tính (xã Phì Nhừ), Lò Văn An (xã Luân Giói), Lường Văn Pánh, Sầm Văn Phu (thị trấn Ðiện Biên Ðông)…

Phong Vân
Bình luận
Back To Top