Tăng thu nhập nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng

08:52 - Thứ Tư, 10/10/2018 Lượt xem: 10540 In bài viết

ĐBP - Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng đa dạng hóa, những năm qua, một số huyện đã sử dụng nhiều giống cây trồng mới mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, nổi bật là chuyển đổi diện tích nương bạc màu sang trồng dứa, mía, dong riềng, sa nhân, sơn tra... giúp người dân tăng thu nhập, vươn lên làm giàu.

 

Người dân bản Na Sang, xã Na Sang (huyện Mường Chà) thu hoạch dứa.

Với diện tích đất sản xuất chủ yếu là nương dốc, cũng như nhiều xã vùng cao khác, trước đây cây trồng chủ lực trong sản xuất nông nghiệp của xã Pú Nhung (huyện Tuần Giáo) là lúa nương và cây ngô. Tuy nhiên, do thiếu nước cộng thêm kỹ thuật canh tác lạc hậu nên đất nhanh bạc màu, năng suất lúa nương, ngô giảm theo từng năm, hiệu quả kinh tế thấp. Ðể nâng cao hiệu suất sử dụng đất, người dân xã Pú Nhung đã chủ động chuyển đổi cây trồng. Một trong số đó là cây mía đen. Mặc dù không phải là cây trồng mới, nhưng trước đây cây mía đen chỉ được trồng nhỏ lẻ, chủ yếu phục vụ gia đình. Ðây là loại cây công nghiệp khoẻ, dễ tính, không kén đất, có thể trồng trên nhiều loại đất khác nhau, không phải chăm sóc cầu kỳ. Do đó, nhiều hộ dân ở các bản: Ðề Chia A, B, C đã nhân giống, chuyển đổi một số diện tích ngô, lúa nương sang trồng mía. Mang lại hiệu quả kinh tế cao nên diện tích mía của xã Pú Nhung nhanh chóng tăng lên, đến nay đã trên 50ha. Với giá bán ổn định, 1ha mía cho thu nhập từ 40 - 45 triệu đồng. Chị Vừ Thị Máy, người dân bản Ðề Chia A, xã Pú Nhung cho biết: Nhà tôi đã chuyển đổi gần 2.000m2 ngô sang trồng mía đen được vài năm. Trồng mía thu nhập cao gấp 4 - 5 lần so với trồng ngô.

Cũng như người dân xã Pú Nhung, những năm gần đây nông dân huyện Mường Chà tích cực chuyển đổi từ cây ngô, lúa nương sang trồng dứa, dong riềng. Ông Vàng A Pó, Chủ tịch UBND xã Na Sang cho biết: Na Sang là một trong những xã có diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng lớn nhất huyện Mường Chà. Diện tích lúa nương, ngô của xã những năm qua giảm mạnh, nhường chỗ cho cây dứa. Năm 2018, xã Na Sang chỉ hoàn thành 70% kế hoạch ngô xuân hè, diện tích còn lại người dân chuyển hết sang trồng dứa. Hiện nay, trồng dứa cho thu nhập cao gấp 3 - 4 lần trồng ngô. Theo tính toán, 1m2 đất trồng được 4 cây ngô, nếu chăm sóc tốt cho thu hoạch tối đa 4kg ngô, bán được 24.000 đồng. Cũng diện tích 1m2 đất, có thể trồng được 6 - 7 cây dứa, cho thu hoạch 6 - 7 quả dứa, giá bán 10.000 đồng/quả cho thu nhập tối đa 70.000 đồng. Trong khi đó, chi phí đầu vào 2 loại cây trồng này chênh lệch không đáng kể.

Ông Lý A Khai, bản Na Sang, xã Na Sang cho biết: Trước đây, gia đình tôi có 4ha đất nương canh tác lúa nương và ngô. Mấy năm trước tôi đã chuyển một nửa diện tích sang trồng dứa, diện tích còn lại vẫn duy trì trồng lúa nương. Tuy nhiên, qua nhiều năm canh tác, đất ngày càng bạc màu, năng suất lúa thấp nên năm nay tôi đã chuyển hết sang trồng dứa. Ðến nay, gần 2ha dứa đã cho thu hoạch. Thu nhập bình quân khoảng 40 triệu đồng/ha/năm.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu năm đến nay, tổng diện tích chuyển đổi cây trồng trên địa bàn toàn tỉnh là 777,6ha. Trong đó, chuyển đổi trên đất lúa 1 vụ: 214,6ha; đất lúa nương: 513ha; đất trồng màu 50ha. Tùy đặc điểm địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu từng địa bàn mà người dân lựa chọn đầu tư chuyển đổi các loại cây trồng khác nhau. Ví dụ huyện Nậm Pồ, Mường Nhé chuyển đổi sang trồng cây dược liệu (sa nhân); huyện Mường Chà trồng dứa, dong riềng; huyện Tuần Giáo trồng mía, dứa, táo mèo, mắc ca… Nhìn chung, các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã và đang mang lại hiệu quả, thu nhập ổn định cho người dân vùng cao.

Bài, ảnh: Nhật Phương
Bình luận
Back To Top