Kinh nghiệm làm giàu của những nông dân triệu phú

08:55 - Thứ Tư, 10/10/2018 Lượt xem: 9745 In bài viết

ĐBP  - Có dịp đi thăm một số trang trại của nông dân làm kinh tế giỏi trong tỉnh, chúng tôi được biết đến những hội viên nông dân khởi nghiệp từ nghèo khó, nhưng bằng ý chí, sự mạnh dạn, quyết tâm làm giàu, họ đã gặt hái được thành công nhờ mô hình trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả.

 

Ông Ðỗ Quang Sự, bản Quyết Tiến, xã Búng Lao (huyện Mường Ảng) làm giàu từ trồng ngô, mía.

Ông Lò Văn Phó, bản Nà Hỳ 2, xã Nà Hỳ (huyện Nậm Pồ) khá nổi tiếng trong vùng là nông dân bắt đầu làm giàu khi ở tuổi về hưu. Vốn là cán bộ ngành Y tế có hơn 30 năm cống hiến  ở các địa bàn vùng cao trong tỉnh, năm 2004, khi về hưu, ông Phó bắt tay vào làm mô hình V.A.C để phát triển kinh tế gia đình. Mạnh dạn trong đầu tư, ông Phó đã vay thêm vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện để mua các loại cây ăn quả về trồng, đào ao thả cá, làm chuồng nuôi gia súc, gia cầm. Ông Phó cho biết: “Thời gian đầu, khi mới xây dựng mô hình, gia đình tôi gặp không ít khó khăn, do nguồn vốn eo hẹp, việc đầu tư mở rộng diện tích chuồng trại, con giống gặp nhiều khó khăn; kinh nghiệm còn hạn chế, vì vậy, mấy năm đầu gia đình chưa thu được lãi”.

Vạn sự khởi đầu nan, ông Phó không nản chí, ngược lại còn thường xuyên lặn lội đi các huyện: Ðiện Biên, Tuần Giáo, Mường Ảng... tìm gặp những nông dân đã thành công với mô hình V.A.C để học hỏi kinh nghiệm. Ông Phó còn tìm đọc những sách, báo nói về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi rồi nhờ cán bộ nông nghiệp, khuyến nông huyện tới tận nhà hướng dẫn...

Ðến nay, sau hơn 10 năm gây dựng mô hình V.A.C, ông Phó đã có một trang trại rộng 2ha, trồng trên 200 cây ăn quả: Xoài, vải, nhãn, bưởi... 3.000m2 ao cá; nuôi trên 1.000 con vịt thịt, gà đẻ trứng và 10 con bò sinh sản. Thu nhập từ mô hình trang trại của ông Phó khoảng 200 triệu đồng/năm.

Chia sẻ kinh nghiệm làm kinh tế giỏi, ông Phó cho rằng, dù ở tuổi nào đi nữa, chỉ cần chú tâm, trau dồi, học hỏi thì nhất định sẽ thành công.

Ðối với ông Ðỗ Quang Sự, một nông dân chính hiệu với hơn 30 năm gắn bó với trồng trọt, chăn nuôi, ở bản Quyết Tiến, xã Búng Lao (huyện Mường Ảng), thì kinh nghiệm làm kinh tế giỏi được ông chia sẻ là sự mạnh dạn trong thay đổi cơ cấu cây trồng. Dẫn chúng tôi đi thăm cánh đồng trồng ngô, mía rộng 5ha, ông Sự cho biết: “Cách đây hơn 10 năm, gia đình tôi chỉ trông vào mấy sào ruộng lúa nước cho năng suất thấp, khiến cuộc sống gia đình khá bấp bênh. Với quyết tâm thoát cái đói, cái nghèo, tôi đã đi tìm hiểu, nghiên cứu cách làm nông nghiệp của nông dân ở các địa phương khác. Trở về, tôi đã mạnh dạn vay thêm vốn Hội Nông dân huyện, mua giống ngô nếp lai HN88 và mía tím về trồng”.

Theo ông Sự, ngô nếp lai cho năng suất cao hơn các giống khác, bắp to, hạt đều với tỷ lệ 2 bắp/cây; còn cây mía tím dễ có đầu ra, thương lái toàn về tận vườn thu mua, vì vậy ông Sự thuê 5ha đất ruộng của bà con trong bản, cải tạo để trồng các giống cây này. Do thổ nhưỡng thích hợp, cây ngô, mía đều phát triển rất tốt. Bình quân 1ha trồng ngô, mía cho thu nhập cao gấp 2- 3 lần so với trồng lúa trước đây.

Không chỉ thay đổi cơ cấu cây trồng, ông Sự còn biết tận dụng nguồn phụ phẩm từ cây ngô, mía làm thức ăn để nuôi bò và nuôi cá. Ông Sự đã đầu tư thêm chuồng nuôi 15 con bò sinh sản và cải tạo hơn 4.000m2 ao thả cá. Hiện nay, mô hình V.A.C của gia đình ông Sự cho lãi từ 200 - 300 triệu đồng/năm.

Trao đổi với chúng tôi, bà Cao Thị Tuyết Lan, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh nhận định: “Ông Phó và ông Sự là hai trong số những hội viên nông dân làm kinh tế giỏi tiêu biểu trong tỉnh. Mỗi người có cách làm và kinh nghiệm khác nhau, nhưng ở họ đều có sự mạnh dạn, quyết tâm vươn lên làm giàu.

Bài, ảnh: Phương Liên
Bình luận
Back To Top