Áp kịch trần thuế môi trường đối với xăng dầu có thể làm lạm phát tăng

15:36 - Thứ Tư, 10/10/2018 Lượt xem: 10496 In bài viết

Báo cáo kinh tế vĩ mô quý III-2018 nhận định: mục tiêu tăng trưởng 6,5%-6,7% của năm 2018 do Quốc hội đề ra hầu như chắc chắn sẽ thực hiện được. Tuy nhiên, còn nhiều lo ngại về mức lạm phát chi tiêu 4%.

Sáng 10-10, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) đã công bố Báo cáo kinh tế vĩ mô quý III-2018.

 

Quang cảnh buổi toạ đàm.

Bản Báo cáo nhận định: mục tiêu tăng trưởng 6,5%-6,7% của năm 2018 do Quốc hội đề ra hầu như chắc chắn sẽ thực hiện được. Nhiều khả năng kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng cao hơn. Tuy nhiên, còn nhiều lo ngại về mức lạm phát chi tiêu 4%.

Tổng sản phẩm nội địa (GDP) quý III/2018 tăng trưởng tích cực ở mức 6,88% và tính chung 9 tháng đầu năm GDP tăng 6,98% so với cùng kỳ năm trước - mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2011 đến nay.  

“Con số này cao hơn mức tăng trưởng quý II (6,73%), xua tan các nhận định về tính giảm dần của tăng trưởng các quý trong năm 2018. Tính chung 9 tháng đầu năm, GDP ước tăng 6,98%, mức tăng 9 tháng cao nhất kể từ năm 2011. Với mức tăng trưởng tích cực 6,88% của quý III, nhóm nghiên cứu Kinh tế vĩ mô của VEPR cho rằng mục tiêu tăng trưởng 6,5%-6,7% của năm 2018 do Quốc hội đề ra hầu như chắc chắn sẽ thực hiện được. Nhiều khả năng kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng hơn 6,8% trong năm nay”, TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR nhận định.

Tuy nhiên, trong bối cảnh chiến tranh thương mại và chủ nghĩa bảo hộ đang diễn ra, tương lai của nền kinh tế Việt Nam còn rất bất định trước các cú sốc từ thị trường thế giới. Bên cạnh đó, các nghiên cứu viên của VEPR cho rằng, chỉ tiêu lạm phát bình quân dưới 4% sẽ đạt được nếu không có cú sốc lớn nào về giá năng lượng trong quý IV.

Mặc dù vậy, TS Nguyễn Đức Thành nhấn mạnh mối quan ngại về lạm phát trong năm 2019, nếu như giá nhiên liệu thế giới tiếp tục ở mức cao, đồng thời Việt Nam áp kịch trần thuế môi trường đối với xăng dầu (từ 3.000 đồng/lít lên 4.000 đồng/lít) kể từ ngày 1-1-2019.

Những tính toán sơ bộ của VEPR cho thấy, chỉ riêng sự thay đổi này có thể làm tỷ lệ lạm phát trong vòng 1 năm tới tăng thêm 1,6 điểm phần trăm. Điều này đòi hỏi Ngân hàng nhà nước cần rất thận trọng với việc điều tiết cung tiền và tín dụng trong thời gian tới nếu không muốn lạm phát vượt trần mục tiêu.

P.V (Theo SGGP)
Bình luận
Back To Top