Giá lợn tăng cao, ngành chăn nuôi chưa kịp mừng đã vội lo

14:55 - Thứ Năm, 11/10/2018 Lượt xem: 9828 In bài viết
Sau khủng hoảng thừa và bão giá thịt lợn năm 2017, ngành chăn nuôi bắt đầu hồi phục từ quý II năm 2018. Tháng 4-2018, giá thịt lợn bắt đầu tăng lên từ 35-48 nghìn đồng/kg, đặc biệt, đến quý III, giá tăng cao từ 49 - 53 nghìn đồng/kg và hiện đang giữ ở mức 50-51 nghìn đồng/kg.

 

Giá thịt lợn tăng cao hơn 50 nghìn/kg, người chăn nuôi vui mừng nhưng các chuyên gia lại lo lắng.

Giá thịt lợn tăng cao, người chăn nuôi có lãi, nhưng các chuyên gia ngành chăn nuôi lo lắng, đây là mức giá tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nếu không có những giải pháp kịp thời, có thể thịt lợn lại rơi vào cảnh dư thừa, rớt giá.

Thịt lợn tăng giá, doanh nghiệp vui nhưng không mong

Theo số liệu của Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), sản lượng thịt lợn xuất chuồng chín tháng đầu năm ước đạt 2,7 triệu tấn, giảm 0,3% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó, quý III năm 2018, sản lượng thịt lợn xuất chuồng ước đạt 834,2 nghìn tấn, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2017. Dự tính quý IV, sản lượng thịt lợn hơi sẽ đạt xấp xỉ 1,1 nghìn tấn, tăng 1,9% so cùng kỳ năm 2017 và cả năm ước đạt gần 3,8 triệu tấn, tăng 0,9% so năm 2017.

Về biến động giá sản phẩm thịt lợn, trong quý I-2018, giá lợn hơi giữ ở mức 31 - 32 nghìn đồng/kg, nhưng đến đầu quý II, giá bắt đầu tăng lên từ 35 - 48 nghìn đồng/kg. Đặc biệt, đến quý III, giá tăng cao từ 49 - 53 nghìn đồng/kg và hiện đang giữ ở mức 50 - 51 nghìn đồng/kg. Từ tháng 5 - 2018 đến nay, giá lợn tại Việt Nam tăng nhanh và luôn cao hơn giá lợn hơi tại Trung Quốc và Thái-lan.

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi, hiện giá lợn hơi trong nước đã quá cao so với giá thành sản xuất. Cụ thể, giá thành lợn thịt ở khu vực chăn nuôi trang trại hiện nay dao động từ 37 - 38 nghìn đồng/kg và khu vực chăn nuôi nông hộ dao động từ 39 - 40 nghìn đồng.

 

Hiện, giá lợn hơi trong nước đã quá cao so với giá thành sản xuất.

Đại diện Tập đoàn C.P Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc Kiều Minh Lực, cho biết: Hiện C.P đang bán số lượng lợn ra thị trường hằng ngày cao hơn các ngày bình thường tới 30%. Để có đủ nguồn lợn cung ứng cho các lò mổ, thương lái C.P phải hạ tiêu chuẩn trọng lượng lợn hơi từ hơn 120kg/con xuống còn 90kg/con. Tuy nhiên, ông Lực khẳng định, đơn vị cũng không thể duy trì được cường độ này trong thời gian dài bởi lợn không lớn kịp để bán.

Phụ trách ngành lợn của Công ty TNHH Japfa Việt Nam khẳng định, với giá lợn hơn 50 nghìn đồng/kg như hiện tại, doanh nghiệp chăn nuôi rất vui mừng nhưng không hẳn là mong muốn, mức giá các doanh nghiệp chăn nuôi lợn mong muốn duy trì ổn định nhất chính là trục giá 40 nghìn đến 45 nghìn đồng/kg.

Những nguy cơ tiềm ẩn

Ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Chăn nuôi, cũng khẳng định: Mức lãi mà các doanh nghiệp đang hưởng hiện nay quá lớn, mỗi kg lợn hơi doanh nghiệp được hưởng lãi 20 nghìn đồng/kg, đây là mức lãi gần như cao nhất từ trước đến nay.

Theo Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, giá lợn tăng cao như hiện nay là “mức giá hạnh phúc”, nhưng tiềm ẩn nhiều bất trắc, rủi ro, thậm chí đây chỉ là “lãi giả”!

 

Bộ NN-PTNN lo giá thịt lợn tăng sẽ khiến thịt ngoại ồ ạt nhập vào Việt Nam; các trang trại chăn nuôi ồ ạt mở đàn, đẩy thịt lợn rơi vào cảnh dư thừa, rớt giá.

Giải thích về vấn đề “lãi giả”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: Giá thành sản xuất khoảng 35 đến 36 nghìn đồng/kg, nhưng bán với giá 52 đến 56 nghìn đồng, trước mắt là có lãi, nhưng trước mức giá chênh lệch, thịt lợn ngoại sẽ ồ ạt nhập vào Việt Nam; rồi các hộ, các trang trại chăn nuôi ồ ạt mở đàn, thịt lợn lại rơi vào cảnh dư thừa, rớt giá.

“Như vậy là lãi trước, lỗ sau, thực chất là lãi giả. Nếu không kịp thời xử lý, ngành chăn nuôi lợn lại một lần nữa rơi vào khủng hoảng thừa”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Giảm giá tránh những tác động xấu

Trước những diễn biến của thị trường thịt lợn thời gian qua, ông Nguyễn Xuân Dương cho rằng: Việc tăng năng suất và hạ giá thành, giá sản phẩm thịt lợn trong nước xuống là nhiệm vụ cấp thiết, trong đó, biện pháp cần phải tiến hành ngay trong tháng 10-2018 là hạ giá bán lợn thịt xuống dưới mốc 50 nghìn đồng/kg.

Còn theo Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dabaco Việt Nam Phạm Văn Học, hiện nay, rất may là giá lợn hơi Việt Nam cơ bản ngang bằng với giá lợn tại Trung Quốc và cao hơn giá lợn hơi tại Thái-lan khoảng 3.000 - 5.000 đồng/kg nên hạn chế việc tạo ra mức lợi nhuận hấp dẫn để buôn lậu lợn qua biên giới phía bắc.

Đưa ra giải pháp, ông Học cho rằng, giải pháp bền vững nhất hiện nay là các doanh nghiệp chăn nuôi tiếp tục nâng cao hiệu quả sản xuất, hạ giá thành sản phẩm để giá bán đến tay người tiêu dùng hợp lý hơn. Ngoài ra, cần có một hiệp hội về chăn nuôi lợn đi cùng với các doanh nghiệp chiếm thị phần, tỷ trọng đủ lớn mới có thể cùng các cơ quan quản lý đứng ra điều tiết thị trường.

 

Bộ NN-PTNT đề nghị các doanh nghiệp mọi lĩnh vực ngành chăn nuôi lợn hạ giá thành để bảo vệ ngành chăn nuôi.

Đồng quan điểm về vấn đề này, Giám đốc chăn nuôi Công ty TNHH Emivest Feedmill Việt Nam, ông Lê Thanh Phương, cho rằng, về ngắn hạn, nên để giá lợn hơi vận động theo quy luật cung cầu của thị trường, còn lâu dài, nên thành lập các hiệp hội để phối hợp cùng quản lý Nhà nước trong điều tiết, nắm bắt cung cầu. Cũng theo ông Phương, chính người tiêu dùng mới là người quyết định giá bán.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, các doanh nghiệp cần lấy đúng mức lãi, đừng "tham bát bỏ mâm", để rồi sau này mất thị trường, khi đó còn thiệt hại lớn hơn nhiều.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng yêu cầu các doanh nghiệp hoạt động ở mọi công đoạn từ thức ăn, chăn nuôi gia công, giết mổ, chế biến, tiêu thụ bán lẻ trong khả năng của mình tiếp tục cải tiến thay đổi nâng cao giá trị quản trị, giá trị sản xuất, hạ giá thành bảo vệ cho bằng được ngành chăn nuôi lợn đang phát triển rất tốt như hiện nay.
P.V (Theo Nhân Dân)
Bình luận
Back To Top