Chính sách hỗ trợ giống cây ăn quả chưa hiệu quả

08:56 - Thứ Tư, 17/10/2018 Lượt xem: 11800 In bài viết

ĐBP - Hàng năm, các huyện đã cấp phát cho người dân hàng nghìn cây giống với mục tiêu xóa đói giảm nghèo, tạo vùng sản xuất cây ăn quả chất lượng cao. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn nhiều bất cập như: Chủ yếu trồng phân tán; các mô hình, chương trình hỗ trợ mới dừng lại ở mức độ chuyển giao khoa học kỹ thuật chưa chú trọng công tác chăm sóc bảo vệ; chế độ bảo hành chưa hợp lý.

 

Người dân xã Mường Báng (huyện Tủa Chùa) trồng dứa theo chính sách hỗ trợ sản xuất. Ảnh: Phạm Trung

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, từ năm 2015 - 2017, toàn tỉnh đã hỗ trợ 70ha giống cây ăn quả các loại (cam, xoài, nhãn, chanh leo...) bằng nguồn vốn Nghị quyết 30a; 151.479 cây theo nguồn vốn Chương trình 135. Ngoài ra, các địa phương cũng hỗ trợ hàng nghìn cây ăn quả từ nguồn vốn chương trình xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, đến nay gần như không có 1 vùng sản xuất cây ăn quả tập trung. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc hỗ trợ giống cây ăn quả không hiệu quả: Triển khai trồng theo hình thức phân tán, bình quân mỗi hộ dân được cấp phát từ 15 - 30 cây giống (tùy từng loại cây và từng chương trình); một bộ phận người dân còn trông chờ, ỷ lại chưa mạnh dạn đầu tư, chưa có ý thức quản lý, bảo vệ; diện tích đất chuyển đổi sang trồng cây ăn quả chủ yếu là đất bạc màu, nghèo dinh dưỡng nên tốn nhiều chi phí cải tạo đất trong khi những hộ được hỗ trợ đều là hộ nghèo; một số loại cây đòi hỏi quy trình chăm sóc, bảo vệ chặt chẽ song người dân lại thiếu kiến thức và không được tập huấn, chuyển giao kỹ thuật.

Giai đoạn 2009 - 2015, huyện Tủa Chùa hỗ trợ 100.000 cây giống ăn quả cho 992 hộ nghèo thuộc 5 xã: Mường Báng, Xá Nhè, Mường Ðun, Tủa Thàng, Huổi Só và thị trấn Tủa Chùa; tổ chức 4 mô hình khuyến nông về trồng cây ăn quả tại 3 xã: Mường Báng, Mường Ðun và Sính Phình. Song đến nay, tất cả các mô hình, chương trình hỗ trợ đã triển khai đều kém hiệu quả, chưa tạo được sinh kế để người dân tăng thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo. Ðiển hình là trong 3 năm (2013 - 2015), xã Mường Báng được hỗ trợ 12.525 cây giống ăn quả các loại như: Chuối tiêu hồng, chanh tứ quý, mít Thái Lan... với 157 hộ nghèo được thụ hưởng. Ðến nay, phần lớn cây đã chết, số còn lại còi cọc, kém phát triển và chưa cho thu hoạch. Anh Sùng A Tùng, thôn Phiêng Bung, xã Mường Báng cho biết: Năm 2014, gia đình tôi được hỗ trợ 60 cây chuối tiêu hồng; do không làm hàng rào bảo vệ nên vườn chuối bị trâu, bò thả rông phá hoại.

Năm 2016, huyện Tủa Chùa dự kiến tiếp tục hỗ trợ 12.240 cây giống ăn quả gồm: Cam Vinh, xoài Thái, mít Thái Lan và vải thiều cho 194 hộ nghèo tại 2 xã: Tủa Thàng và Sính Phình. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra, đánh giá toàn bộ giai đoạn đối với hạng mục hỗ trợ giống cây ăn quả, nhận thấy hiệu quả đem lại không cao nên huyện đã tạm dừng việc cấp phát giống. 2 năm gần đây, huyện Tủa Chùa tiếp tục hỗ trợ người dân giống cây dứa để trồng trên những diện tích nương luân canh hoặc nương bỏ hoang lâu năm. Hiện nay, các diện tích trồng dứa đang trong giai đoạn trồng thử nghiệm, chưa đánh giá được hiệu quả.

Tại huyện Ðiện Biên, người dân có trình độ dân trí khá cao, việc đầu tư, chăm sóc, bảo vệ được chú trọng nên tỷ lệ cây sống đạt cao hơn so với các địa phương khác trong tỉnh. Tuy nhiên, so với mục tiêu của các chương trình hỗ trợ sản xuất thì hiệu quả chưa rõ nét. Ông Chu Văn Bách, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ðiện Biên cho biết: Do trồng phân tán, mỗi hộ được hỗ trợ 20 - 30 cây nên hiệu quả không cao, chưa đạt mục tiêu giúp người dân xóa đói giảm nghèo, mở hướng phát triển kinh tế. Do đó, từ năm 2018, huyện Ðiện Biên dừng triển khai theo hình thức phân tán, thay vào đó sẽ trồng tập trung. Những hộ dân có nhu cầu được hỗ trợ cây ăn quả phải đảm bảo diện tích trồng trên 500m2 mới được phê duyệt.

Vấn đề “Hiệu quả chương trình hỗ trợ cây ăn quả” cũng được các chuyên gia nông nghiệp đưa ra bàn thảo sôi nổi tại các buổi làm việc của lãnh đạo tỉnh với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Các ý kiến đều thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá, chỉ ra nguyên nhân khiến tỷ lệ sống của các giống cây ăn quả đạt thấp là do: 100% cây giống trong bầu không có rễ cọc, chỉ còn hệ thống rễ tơ xung quanh nên khi trồng ở đất đồi, đất nương với chế độ chăm sóc không tốt sẽ rất khó sống hoặc khả năng cho quả thấp. Các chương trình hỗ trợ hàng năm đều đến cuối tháng 9 mới giải ngân vốn, triển khai hỗ trợ, đây là thời điểm đầu mùa khô, ít mưa, cây giống trồng thời điểm này có ít điều kiện sống hơn so với trồng đầu mùa mưa. Cùng với đó, hỗ trợ cây ăn quả theo Nghị quyết 30a, Chương trình 135 là hình thức hỗ trợ 1 lần (chỉ hỗ trợ cây giống, không hỗ trợ phân bón và chuyển giao khoa học - kỹ thuật). Vì vậy, sau khi nhận cây giống, ít hộ đầu tư phân bón và thuốc bảo vệ thực vật để chăm sóc nên cây trồng không phát triển. Ngoài ra, có 1 điểm bất cập nhưng ít được quan tâm là chế độ bảo hành. Hiện nay, các đơn vị cung cấp giống chỉ bảo hành 1 tháng - khoảng thời gian đảm bảo cây sống và bắt đầu sinh trưởng chứ không có chế độ bảo hành chất lượng cây giống. Chính vì vậy, có rất nhiều trường hợp cây giống sinh trưởng phát triển rất tốt nhưng khi thu hoạch mới biết: giống đăng ký không hạt, thu hoạch lại có hạt; giống quả ngọt lại ra quả chua...

Phạm Trung
Bình luận
Back To Top