Để nông thôn mới phát triển bền vững

Bài 1: “Chông chênh” tiêu chí

09:31 - Thứ Năm, 18/10/2018 Lượt xem: 9994 In bài viết

ĐBP - Có thể nói, giai đoạn 2016 - 2018 là khoảng thời gian nhiều bứt phá trong xây dựng nông thôn mới (NTM) cả nước. Vì chạy theo kế hoạch, nhiều tỉnh, nhiều địa phương đã đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM, để rồi đối mặt với những khoản nợ lên tới hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng. Không đi theo “vết xe” này nên Ðiện Biên là một trong số ít địa phương không vướng vào nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng NTM. Song, sự nóng vội cũng khiến kết quả xây dựng NTM ở một số nơi thiếu tính bền vững.

 

Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp được xem là giải pháp căn cơ để xây dựng NTM bền vững. Ảnh: Hải Yến

Dòng chữ “Xã đạt chuẩn NTM” được gắn trang trọng trước cổng trụ sở UBND xã Noong Hẹt (huyện Ðiện Biên) thay cho sự công nhận của Nhà nước đối với quá trình nỗ lực của chính quyền và người dân địa phương. Thế nhưng, trên thực tế, song hành với niềm tự hào từ khi đón chuẩn đến nay là những trăn trở của lãnh đạo địa phương. Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Công Kha, Chủ tịch UBND xã Noong Hẹt thừa nhận: “Năm 2016, xã đã dồn tổng lực để phấn đấu hoàn thành NTM, với nguồn kinh phí lên tới khoảng 14 tỷ đồng. Vì gấp rút về thời gian nên một số tiêu chí mới chỉ cơ bản đạt, hoặc đã đạt song còn chông chênh, chưa thực sự bền vững. Những nội dung này được xác định là sẽ tiếp tục hoàn thiện sau khi được công nhận NTM. Tuy nhiên, những cái để lại đều là cái khó nên hiện nay chúng tôi khá lúng túng trong việc hoàn thiện”.

Ðơn cử như tiêu chí số 17 về môi trường. Từ thời điểm chính thức được công nhận đạt chuẩn NTM (năm 2017) cho đến hiện tại, xã Noong Hẹt bố trí được 3 khu vực tập kết rác, song trên thực tế vẫn chưa đáp ứng nhu cầu. Tại khu vực trung tâm Chợ Bản Phủ, rác thải thô chưa qua xử lý được công nhân Công ty Môi trường tập kết thành bãi lớn, nằm ven đường, ngay khu vực tập trung đông dân cư. Ðiều này không chỉ làm mất mỹ quan đô thị mà còn gây khó chịu cho người qua lại. Ðã hơn 1 năm nay, xã vẫn chưa tìm ra phương án giải quyết triệt để thực trạng này, do chưa quy hoạch được địa điểm, cũng như bố trí nguồn kinh phí đầu tư khu xử lý rác thải đảm bảo.

Ðối với tiêu chí số 2 về đường giao thông nông thôn, hiện nay Noong Hẹt còn hơn 7km đường trục chính khu vực trung tâm và một số đường liên thôn, bản mới chỉ rải cấp phối. Do mật độ dân số đông, lượng người lưu thông lớn nên nhiều đoạn đã xuống cấp, gây khó khăn cho việc đi lại của nhân dân. Trong khi đó, ngân sách xã được giao lại giảm bớt nội dung chi cho hạng mục này, chính vì vậy việc giữ vững tiêu chí về giao thông gần như nằm ngoài khả năng của xã. Ngoài ra, một chỉ tiêu gây nhiều tranh cãi, bất cập và khó hoàn thiện nhất đó là mục 6.3, quy định về nhà văn hóa thôn, bản. Hiện tại, Noong Hẹt mới chỉ có 4/27 thôn bản có nhà văn hóa; số còn lại chưa thể xây dựng do nhiều vướng mắc liên quan đến việc bố trí quỹ đất và kinh phí xây dựng.

Tương tự thực trạng của Noong Hẹt, trao đổi với phóng viên, ông Lê Tiến Dũng, Chủ tịch UBND xã Thanh Yên (huyện Ðiện Biên) cũng chỉ ra không ít khó khăn trong việc tiếp tục hoàn thiện các nội dung chỉ tiêu sau đạt chuẩn NTM, nhất là về nhà văn hóa thôn, bản và môi trường… Bản thân ông Dũng cũng không thể trả lời câu hỏi “khi nào sẽ hoàn thiện các tiêu chí này?”.

Thực tế cho thấy, xây dựng NTM ở nhiều vùng đồng bằng vốn đã không mấy suôn sẻ, bởi vậy xây dựng NTM đối với tỉnh miền núi nhiều đặc thù như Ðiện Biên thì những khó khăn, vướng mắc là khó tránh khỏi. Tổng kết chương trình xây dựng NTM giai đoạn 1, Ðiện Biên là một trong số những địa phương xếp cuối cùng cả nước về kết quả thực hiện. Bước sang giai đoạn 2 (2016 - 2018), sau nhiều nỗ lực, đến nay toàn tỉnh đã có 16 xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn NTM; trong đó 13 xã đạt chuẩn NTM, chiếm tỷ lệ 13,79%. Tuy nhiên, toàn tỉnh vẫn còn 26 xã đạt dưới 5 tiêu chí, chiếm hơn 20% số xã đạt dưới 5 tiêu chí trong cả nước.

Cho rằng đó là thực tế khó tránh khỏi do nhiều khó khăn mang tính đặc thù, đặc biệt là xuất phát điểm quá thấp, ông Ngô Xuân Chinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Ðiện Biên, cho biết: Giai đoạn 2016 - 2018, huyện đã rất nỗ lực để ghi nhận thêm 8 xã đạt chuẩn NTM. Tuy nhiên, trong số 49 nội dung chỉ tiêu nằm trong bộ tiêu chí NTM thì một số xã hiện nay vẫn còn nợ từ 1 - 3 nội dung. Bên cạnh những chỉ tiêu “cứng” liên quan đến hạ tầng, thì 1 chỉ tiêu “mềm” rất khó giữ vững là thu nhập người dân. Mặc dù ở thời điểm đạt chuẩn NTM vào năm 2017, thu nhập bình quân đầu người các xã đạt 26 triệu đồng/năm. Song con số này trên thực tế sẽ tăng bình quân qua các năm và đến năm 2020 sẽ phải đạt mức 36 triệu đồng. Trong khi đó, tại phần lớn xã NTM, thu nhập chính của người dân đều từ sản xuất nông nghiệp thì chưa có gì đột phá nên rất khó để theo kịp mức tăng chung. Vì vậy mối lo ngại lớn chung của một số xã trong thời gian tới là sẽ “rớt” tiêu chí này.

Bài 2: Cần giải pháp căn cơ

Hà Linh
Bình luận
Back To Top