Thứ trưởng Bộ Công Thương nói về vai trò Quỹ bình ổn xăng dầu

10:39 - Thứ Năm, 18/10/2018 Lượt xem: 9661 In bài viết

Từ đầu năm đến nay, liên Bộ Công Thương-Tài chính đã thực hiện 19 lần điều hành giá xăng dầu với 2 lần giảm giá, 6 lần tăng giá (mức tăng tổng cộng 2.649 đồng/lít) đã kiểm soát tốt CPI. Để làm được việc này, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, có vai trò rất lớn của Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (BOG).

Thông tin tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Công Thương diễn ra chiều ngày 17/10, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết,  từ đầu năm đến nay, mặt hàng xăng dầu có 19 đợt điều hành. Cụ thể, có 2 lần điều chỉnh giảm, 6 lần điều chỉnh tăng giá (với mức tăng tổng cộng khoảng 2.649 đồng/lít) và 11 lần giữ ổn định giá.

Để ổn định giá cho 11 lần này, Liên Bộ Công Thương-Tài chính đã chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu tổng cộng khoảng 18.466 đồng/lít. Tính đến 31/8/2018, đã chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu khoảng 5.500 tỷ đồng để điều hành giá xăng và số dư Quỹ bình ổn xăng dầu hiện nay còn khoảng 3.100 tỷ đồng.

“Trong những phiên điều hành gần đây, liên Bộ không trích Quỹ bình ổn nữa do giá xăng dầu thế giới tăng quá cao, nếu tiếp tục trích Quỹ theo nguyên tắc (300 đồng/lít) thì giá mặt hàng xăng dầu còn cao nữa. Đồng thời, liên Bộ tiếp tục chi sử dụng Quỹ để giá xăng dầu không tăng quá nhiều”, ông Hải cho biết.

Đồng thời, ông Hải cũng khẳng định: “Bản thân tôi cũng không mong muốn có Quỹ này mà để giá xăng dầu tăng-giảm theo thị trường thì các cơ quan điều hành sẽ nhẹ nhàng hơn. Tuy nhiên, ở Việt Nam có khái niệm “lạm phát kỳ vọng” nên chỉ cần giá xăng tăng theo thị trường sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân, doanh nghiệp và rõ nhất là chỉ số CPI (chỉ số lạm phát). Vì vậy, Quỹ bình ổn có tác dụng riêng của nó”.

Về thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mức thuế này sẽ tăng thêm 1.000 đồng/lít đối với xăng, có hiệu lực từ 1/1/2019. Thời điểm này rơi vào tháng Chạp và tháng Giêng sẽ làm tăng giá xăng dầu lên cao, tác động tới việc kiểm soát CPI của năm 2019 và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của người dân.

“Khi thuế bảo vệ môi trường được áp từ 1/1/2019 đương nhiên mỗi lít xăng dầu sẽ tăng thêm 1.000 đồng và lúc đó mới thấy vai trò quan trọng của Quỹ bình ổn. Tuy nhiên, còn tuỳ thuộc vào số dư của Quỹ này vì hiện nay ta đang dừng trích để thu Quỹ. Liên Bộ đang xem xét rất kỹ vấn đề này và báo cáo Chính phủ”, Thứ trưởng cho hay.

Trước đó, tại phiên họp Ban chỉ đạo điều hành giá sáng 28/9, báo cáo về công tác điều hành giá 9 tháng qua, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết việc “xả” Quỹ bình ổn xăng dầu với liều lượng phù hợp theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá Vương Đình Huệ đã giúp giá xăng E5 RON92 hiện nay chỉ tăng 10,9% so với thời điểm cuối tháng 12/2017 và xăng RON95 chỉ tăng 6,2% so với thời điểm bắt đầu công bố giá cơ sở xăng RON95 vào ngày 23/4/2018. Trong khi giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới (giá Platts Singapore) tăng rất cao (bình quân tháng 9/2018 tăng từ 28,98-39,68% so với tháng 9/2017; bình quân 9 tháng đầu năm 2018 tăng từ 26,17-38,1% so với 9 tháng đầu năm 2017).

Về điều hành giá xăng từ nay tới hết năm 2018, ông Đỗ Thắng Hải cũng thông tin, giá xăng dầu thành phẩm thế giới đang tăng theo quy luật được sử dụng nhiều hơn vào mùa đông. Hiện còn gần 5 tháng nữa tới Tết Nguyên đán, cần phải “gia cố” Quỹ bình ổn xăng dầu trên cơ sở điều hành trích lập, “xả” quỹ phù hợp với thực tiễn để bình ổn giá cả thị trường, bảo đảm không tăng giá đột biến vào dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

P.V (Theo Chinhphu)
Bình luận
Back To Top