Các ngân hàng thương mại đẩy mạnh xử lý nợ xấu

09:01 - Thứ Tư, 24/10/2018 Lượt xem: 11411 In bài viết

ĐBP - Hiện nay, toàn tỉnh có 5 chi nhánh ngân hàng thương mại; trong đó 3 ngân hàng thương mại Nhà nước và 2 ngân hàng thương mại cổ phần ngoài quốc doanh. Tính đến hết tháng 9/2018, nợ xấu của các ngân hàng thương mại chiếm 1,43% trên tổng dư nợ (214/14.985 tỷ đồng). Ðể hạn chế thấp nhất nợ xấu, hiện nay các ngân hàng thương mại tích cực triển khai các giải pháp, trong đó, việc triển khai thực hiện các nội dung của Nghị quyết 42/2017/QH14, ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) được quan tâm.


Người dân giao dịch tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh tỉnh Ðiện Biên. Ảnh: Văn Tâm

Một trong những ngân hàng thương mại có tỷ lệ nợ xấu cao nhất là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi nhánh tỉnh Ðiện Biên. Nếu như cuối tháng 11/2017, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng chiếm 1,43% tổng dự nợ (hơn 100 tỷ đồng), thì đến hết tháng 9/2018, tỷ lệ nợ xấu tăng lên 1,83% tổng dư nợ (140/7.650 tỷ đồng). Ông Lò Văn Nghiêm, Phó trưởng phòng Kế hoạch - Giao dịch (Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi nhánh tỉnh Ðiện Biên), cho biết: Trong số 140 tỷ đồng nợ xấu hiện nay, thì nợ xấu trong lĩnh vực cho vay đầu tư, sản xuất, chế biến cà phê Mường Ảng chiếm tỷ lệ cao nhất (chiếm hơn 79 tỷ đồng). Bên cạnh đó, nợ xấu trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản cũng chiếm tỷ lệ cao; lĩnh vực cho vay tiêu dùng chiếm ít nhất (khoảng 1 - 2 tỷ đồng).

Theo ông Nghiêm, thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Ðiện Biên, công tác xử lý nợ xấu được lãnh đạo Chi nhánh ngân hàng quan tâm, chỉ đạo sát sao: phân công cán bộ có liên quan tích cực làm việc với khách hàng, đốc thúc khách hàng trả nợ; bám sát các cơ quan thực thi pháp luật để đẩy nhanh tiến độ xử lý tài sản đảm bảo. Ðồng thời, xây dựng kế hoạch, thành lập ban xử lý nợ xấu theo Nghị định 42 của Quốc hội. Tuy nhiên, vì một số nguyên nhân dẫn đến nợ xấu chiếm tỷ lệ cao, đó là: Do Công ty Cổ phần Cà phê Thái Hòa Mường Ảng phá sản, vì vậy các thủ tục vay vốn ngân hàng đối với người trồng cà phê càng bị khép chặt hơn. Trong khi đó, tại lĩnh vực hoạt động xây dựng cơ bản, những năm qua tình trạng doanh nghiệp thiếu việc làm, hoạt động cầm chừng hoặc phá sản, chuyển đổi ngành nghề kinh doanh ảnh hưởng không nhỏ đến công tác xử lý nợ xấu của Ngân hàng.

Không chỉ riêng Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh tỉnh Ðiện Biên, hiện nay các ngân hàng thương mại khác cũng đang đẩy mạnh các biện pháp xử lý nợ xấu. Theo đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Ðiện Biên, cho biết: Ngành Ngân hàng tỉnh đã thực hiện nghiêm chỉ đạo của ngân hàng Nhà nước là đưa nợ xấu về dưới 3% và kiểm soát nợ xấu ở mức này. Ðể chủ động xử lý nợ xấu, Ngân hàng Nhà nước tỉnh yêu cầu các chi nhánh, tổ chức tín dụng (TCTD) thường xuyên tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động tín dụng nhằm phát hiện sớm những khoản vay tiềm ẩn rủi ro. Mặt khác, thực hiện rà soát, đánh giá, phân loại nợ xấu, nợ đã được cơ cấu, nợ tiềm ẩn rủi ro để xây dựng và triển khai phương án xử lý phù hợp với từng khoản nợ. Ðồng thời, trích lập dự phòng rủi ro theo đúng quy định; chất lượng tín dụng được đảm bảo. Ðặc biệt, từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Ðiện Biên đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn lập kế hoạch xử lý nợ xấu giai đoạn 2017 - 2022. Theo đó, các chi nhánh TCTD tích cực rà soát toàn bộ các khoản nợ, phân loại nợ, phối hợp với các đơn vị có liên quan để xử lý nợ xấu; thành lập ban xử lý nợ xấu để theo dõi và triển khai thực hiện Nghị quyết. Qua 1 năm triển khai thực hiện, chi nhánh, các TCTD trên địa bàn đã xử lý được 211.543 triệu đồng nợ xấu, trong đó nợ xấu được xử lý qua hình thức khách hàng trả nợ. Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Ðiện Biên chỉ đạo các ngân hàng thương mại thực hiện đồng bộ các giải pháp khác về xử lý nợ xấu. Vì vậy, tính đến hết tháng 9/2018 nợ xấu của các ngân hàng trên địa bàn tỉnh là 226 tỷ đồng; trong đó nợ xấu của các ngân hàng thương mại là 214 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu toàn tỉnh chiếm 1,28% trên tổng dư nợ; trong đó tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng thương mại là 1,43% tổng dư nợ (214/14.985 tỷ đồng).

Ðể tiếp tục triển khai hiệu quả việc xử lý nợ xấu và đặc biệt là Nghị quyết 42, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Ðiện Biên đã chỉ đạo các TCTD trên địa bàn triển khai hiệu quả Ðề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020”; thực hiện các giải pháp về nâng cao năng lực tài chính, chất lượng tín dụng, chuyển đổi mô hình kinh doanh, quản trị, điều hành, nâng cao năng lực cạnh tranh và các giải pháp về xử lý nợ xấu, nhất là các giải pháp theo Nghị quyết 42. Ðồng thời, yêu cầu các TCTD triển khai quyết liệt, có hiệu quả các nội dung, giải pháp tại phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2020 đã được phê duyệt, đảm bảo theo đúng lộ trình đề ra. Bên cạnh đó, các chi nhánh ngân hàng thương mại tiếp tục kiểm soát chặt tình hình sử dụng vốn tại các doanh nghiệp có dư nợ lớn và vay vốn tại nhiều TCTD; hạn chế phát sinh nợ xấu; chấp hành đúng quy định về trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro; thực hiện những giải pháp xử lý nợ xấu giúp bảo đảm thanh khoản và tăng trưởng tín dụng ổn định.

Văn Tâm
Bình luận
Back To Top