Cảnh giác với loại hình tín dụng ngoài hệ thống ngân hàng

09:12 - Thứ Tư, 24/10/2018 Lượt xem: 9681 In bài viết

ĐBP - Bên cạnh những mặt tích cực, góp phần hỗ trợ đời sống, sinh hoạt cho cá nhân, nhóm hộ có thu nhập thấp… các hình thức cho vay tiêu dùng hiện nay tiềm ẩn một số nguy cơ, cần sự cảnh giác, tỉnh táo của người vay.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hà Văn Từ, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Ðiện Biên cho biết: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 5 ngân hàng thương mại thực hiện cho vay tiêu dùng (Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ðầu tư và Phát triển (BIDV); Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank); Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương (VietinBank); Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bưu điện Liên (Việt LienVietPostBank) và Ngân hàng Thương mại Cổ phần An Bình (ABBank)). Về hoạt động cho vay tiêu dùng, các ngân hàng đều nghiêm túc thực hiện các quy định của Ngân hàng Nhà nước, triển khai nhiều gói tín dụng ưu đãi cho vay hỗ trợ tiêu dùng; lãi suất áp dụng hợp lý, thời gian vay vốn dài, phù hợp với nhu cầu và khả năng trả nợ của khách hàng. Ðồng thời, các ngân hàng đã có nhiều sản phẩm tín dụng tiêu dùng, thanh toán phù hợp với các khách hàng như: trả lương qua tài khoản, sử dụng thẻ thanh toán quốc tế…

Dư nợ tín dụng cho vay tiêu dùng đến hết tháng 9/2018 trên địa bàn tỉnh đạt 4.620 tỷ đồng, tăng 6,06% so năm 2017, chiếm tỷ trọng 26,23% tổng dư nợ cho vay trên địa bàn toàn tỉnh (bao gồm cả dư nợ của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh). Trong đó, mục đích cho vay tiêu dùng chủ yếu là giúp khách hàng sửa chữa hoặc mua nhà ở; mua phương tiện đi lại; mua đồ dùng trang thiết bị gia đình; chi phí cho hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch; chi phí học tập, chữa bệnh… Ðối tượng khách hàng vay tiêu dùng khá đa dạng gồm: công chức, viên chức Nhà nước; hộ kinh doanh cá thể, chủ doanh nghiệp… với các mức thu nhập khác nhau. Chất lượng tín dụng cho vay tiêu dùng được đảm bảo, nợ xấu duy trì ở mức thấp (chiếm 0,4% tổng dư nợ cho vay tiêu dùng). Hiện nay, các cá nhân có thu nhập thấp cũng đã có khả năng tiếp cận vốn ngân hàng, góp phần nâng cao mức chi tiêu dùng tại địa phương.

Ngoài hình thức cho vay tiêu dùng của các ngân hàng thương mại, cá nhân, hộ gia đình còn có cơ hội tiếp cận nguồn vốn vay qua các hội đoàn thể (Hội Phụ nữ, Hội Nông dân…) với các khoản vay tối đa từ 25 - 30 triệu đồng, hình thức trả góp hàng tháng hoặc nửa tháng, với mức lãi suất khá phù hợp. Ðược vốn để vay, khách hàng phải đáp ứng các yêu cầu, điều kiện của các đơn vị cho vay như là thành viên tổ chức hội, mức vay không quá lớn.

Ðó là các hình thức vay tiêu dùng mang tính chính thống, có sự quản lý của Nhà nước, với sự đảm bảo an toàn về lãi suất, tuy nhiên hiện nay, trên địa bàn tỉnh nói riêng xuất hiện nhiều hình thức mang danh nghĩa cho vay tiêu dùng, hỗ trợ tài chính tiềm ẩn yếu tố tín dụng đen. Các chủ thể cho vay này thường kết hợp cho vay thế chấp qua hoạt động cầm đồ với tín chấp. Cụ thể, khi người vay có nhu cầu, chỉ cần có chứng minh nhân dân và sổ hộ khẩu, qua xác minh đơn giản của người cho vay (đến xem nhà, xác định nơi làm việc) là có thể vay số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên khách hàng sẽ phải chịu mức lãi suất… “cắt cổ” và người cho vay bao giờ cũng nắm đằng chuôi. Theo như “tư vấn” tại một cơ sở kinh doanh cầm đồ, hỗ trợ tài chính trên đường Trường Chinh (phường Tân Thanh, TP. Ðiện Biên Phủ), với mức vay 10 triệu đồng, chủ cơ sở sẽ giữ lại 2 triệu đồng (20%) làm “uy tín”. Cùng với đó, khách hàng sẽ phải trả góp 250.000 đồng/ngày với sự đôn đốc, nhắc nhở của người cho vay (mức nhắc nhở tăng tần suất lên thành… đe dọa nếu đến ngày thứ 3 chưa đến nộp tiền trả góp). Và cứ như vậy, đến ngày thứ 40, khách hàng sẽ hoàn thành việc trả nợ cả vốn lẫn lãi. Như vậy, mặc dù chỉ cầm về được số tiền thực tế là 8 triệu đồng, tính trong vòng 1 tháng, lãi suất của nguồn vay này lên đến trên 40%/tháng (gồm cả 2 triệu đồng mất trắng)!

Trên đây chỉ là 1 trong những hình thức cho vay lãi suất rất cao, có tính toán chặt chẽ, kín kẽ điển hình trong các hoạt động tín dụng đen đã xuất hiện trên tại địa bàn tỉnh. Ngoài ra hiện nay xuất hiện rất nhiều hình thức cho vay tiêu dùng được giới thiệu, mời chào hấp dẫn trên mạng xã hội. Tuy nhiên, “tốt vay - dày nợ”, vay dễ nhưng đến lúc trả mới thấy thấm thía sự khó khăn, thậm chí là cay đắng.

Phạm Dương
Bình luận
Back To Top