Ðể nông thôn mới phát triển bền vững

Bài 2: Cần giải pháp căn cơ

08:42 - Thứ Năm, 25/10/2018 Lượt xem: 10550 In bài viết

ĐBP - Theo định hướng, mục tiêu đến năm 2020, tỉnh Ðiện Biên phấn đấu có 2 trong 10 huyện, thị, thành phố là TP. Ðiện Biên Phủ và TX. Mường Lay đạt chuẩn nông thôn mới (NTM); 35 xã đạt các tiêu chí cơ bản của xã NTM (từ 15 đến 19 tiêu chí); không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí. Ðiều này thể hiện sự quyết tâm rất lớn của cả hệ thống chính trị. Tuy nhiên, để đạt được lộ trình ấy, đòi hỏi trước tiên phải có những giải pháp căn cơ để tháo gỡ nút thắt, hướng tới xây dựng NTM bền vững.

Bài 1: “Chông chênh” tiêu chí

 

Quả sơn tra của người dân xã Tỏa Tình (huyện Tuần Giáo) cũng đang là một trong những sản phẩm được tỉnh lựa chọn cho Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” trong xây dựng NTM gắn với tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp.

Phát biểu tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (2016 - 2018) và sơ kết 3 năm thực hiện Ðề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp giai đoạn 2015 - 2017, đồng chí Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã bày tỏ sự quan tâm đặc biệt của tỉnh đối với chất lượng và hiệu quả của các tiêu chí NTM. Nhất là đối với các xã dưới 5 tiêu chí, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lò Văn Tiến đã chỉ đạo cần đánh giá thực chất mức độ đạt của các tiêu chí NTM; trên cơ sở đó đưa ra đề xuất các phương án, cũng như lập kế hoạch lồng ghép các nguồn lực thực hiện tiêu chí sát với tình hình thực tế. Ðồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng cho biết, hiện tỉnh đang tập trung mọi nguồn lực cho công tác xây dựng NTM, trong đó tập trung hướng vào các tiêu chí, như: tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa; nhà ở dân cư, môi trường... Theo đó thì nhiều cơ chế mở đã được tỉnh chỉ đạo các địa phương triển khai thực hiện, như: lồng ghép sinh hoạt văn hóa cộng đồng giữa các thôn, bản lân cận; rà soát, quy hoạch và chuyển đổi mục đích sử dụng đối với một số công trình công cộng cho phù hợp; cho phép các địa phương thực hiện đấu giá đất để tái đầu tư…; đồng thời kiến nghị Trung ương một số nội dung liên quan đến cơ chế, chính sách đặc thù.

Ðối với tiêu chí “mềm” liên quan đến thu nhập và chất lượng đời sống người dân, Ðiện Biên cũng xác định là một tỉnh thuần nông nên sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống nông thôn là “chiếc chìa khóa” bền vững cho xây dựng NTM. Mọi giải pháp, sự đầu tư đều xoay quanh nông nghiệp, nông dân và nông thôn, trong đó người nông dân được xác định là chủ thể. Giai đoạn 2016 - 2018, bước đầu tỉnh đã xây dựng và đặt những nền móng đầu tiên cho việc phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, với 15 doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp; tổ chức xây dựng và xác nhận 11 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn; phê duyệt 2 dự án cánh đồng lớn, quy mô 53ha và hiện có 63ha đang tổ chức sản xuất theo mô hình này hiệu quả. Tuy nhiên, do đề án được xây dựng khá muộn, lại chưa phát huy được vai trò chủ thể của người dân nên kết quả đạt được chưa như mong muốn.

Ở giai đoạn tiếp theo (2018 - 2020), tỉnh đã xác định và đưa ra định hướng rất rõ tại Kế hoạch thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM đến năm 2020. Trong đó, cùng với việc tiếp tục kiến nghị và từng bước tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách thì giải pháp căn cơ được tỉnh xác định là xây dựng NTM gắn với tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng phát triển, khai thác lợi thế, thế mạnh của từng địa phương để phát triển nông nghiệp, nông thôn một cách bền vững, nhằm nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh.

Với định hướng này, Ðiện Biên phấn đấu đến năm 2020 có 37 xã cơ bản đạt chuẩn về thu nhập; 116 xã đạt tiêu chí số 12 về tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên; 50 xã cơ bản đạt tiêu chí số 13 về hình thức tổ chức sản xuất; mỗi xã đạt chuẩn NTM xây dựng 2 thôn, bản NTM kiểu mẫu và có ít nhất 1 sản phẩm OCOP trở lên... Theo đó, trên cơ sở rà soát quy hoạch các lĩnh vực, tỉnh sẽ bố trí, điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp; trong đó tập trung vào các sản phẩm nông nghiệp chủ lực lợi thế của địa phương và đầu tư theo hướng tập trung, sản xuất hàng hóa có liên kết chuỗi, gắn với doanh nghiệp và thị trường tiêu thụ. Ðẩy mạnh toàn diện và đồng bộ sự nghiệp xây dựng NTM, thực hiện nhất quán và triệt để, phát huy vai trò chủ thể của người dân nông thôn theo nguyên tắc dân chủ, tự nguyện quyết định kế hoạch, huy động nguồn lực tổ chức thực hiện và giám sát xây dựng công trình kết cấu hạ tầng NTM ở từng thôn, bản, khu dân cư; quan tâm đến việc đào tạo và dạy nghề cho lao động nông thôn, chuyển đổi cơ cấu lao động nông thôn phù hợp với xu thế. Cùng với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thì sẽ kết hợp chặt chẽ sản xuất với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Chú trọng liên kết sản xuất giữa nhà nông và doanh nghiệp; khuyến khích tập thể, cá nhân đầu tư sản xuất liên kết nhằm nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho người dân. Qua đó cải thiện đời sống người dân, giảm nghèo bền vững và bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, dù phấn đấu cho tiêu chí nào, thì đích đến cuối cùng của NTM vẫn là chất lượng đời sống của người dân phải được đảm bảo. Và chỉ có như vậy thì NTM mới mới thực sự bền vững.

 
Hà Linh
Bình luận
Back To Top