Nhiều dự án, đề tài khoa học chưa đi vào thực tiễn

08:46 - Thứ Năm, 25/10/2018 Lượt xem: 11332 In bài viết

ĐBP - Trung bình mỗi năm toàn tỉnh có trên dưới 10 đề tài, dự án khoa học mới (thuộc cấp tỉnh), chưa kể các đề tài, dự án tiếp chi; kinh phí thực hiện các đề tài, dự án khoa học khoảng trên 6 tỷ đồng/năm. Có một thực tế là số đề tài, dự án sau nghiệm thu được ứng dụng vào thực tiễn rất thấp; có đề tài nghiệm thu xong cũng chỉ để trong “ngăn kéo” không ứng dụng vào thực tiễn vì nhiều lý do...

 

Người dân xã Noong Luống (huyện Ðiện Biên) chăm sóc cây dược liệu, trồng theo Dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ phát triển sản xuất, chế biến cây thuốc, Ðương quy và Bạch chỉ tại tỉnh Ðiện Biên”.

Từ năm 2015 đến quý I/2018, toàn tỉnh có 86 đề tài, dự án (trong đó, 43 danh mục tiếp chi (2013 - 2015); 37 danh mục đề tài, dự án mới (2015 - 2018) và 6 danh mục đề tài dự án thuộc Chương trình nông thôn miền núi của Bộ Khoa học và và Công nghệ). Tổng số đề tài, dự án cấp tỉnh là 80, trong đó đã nghiệm thu 38 đề tài dự án, 19 danh mục chưa ký kết hợp đồng; 20 danh mục đang trong quá trình triển khai; 3 đề tài, dự án dừng thực hiện.

Ðề tài “Gắn kết giữa lập dự toán ngân sách với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và những giải pháp huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Ðiện Biên” do Sở Tài chính chủ trì, thời gian thực hiện hợp đồng từ tháng 12/2014 - 12/2016, dự toán được phê duyệt 613.310.000 đồng, lũy kế vốn đã cấp đến năm 2016 là 175.000.000 đồng. Ðề tài xin dừng thực hiện do các chỉ tiêu về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và những giải pháp huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới tại thời điểm thực hiện không còn phù hợp với các tiêu chí của giai đoạn mới dẫn tới việc tiếp tục triển khai là không hiệu quả. Dự án “Phát triển sản xuất các sản phẩm từ giấy dó” do Chi cục Phát triển Nông thôn tỉnh chủ trì, thời gian thực hiện hợp đồng từ năm 2014 - 2017; dự toán được phê duyệt 775.646.000 đồng, lũy kế vốn đã cấp đến năm 2016 là 555.075.000 đồng. Dự án bị dừng là vì trong quá trình lập dự án đơn vị chủ trì không tính toán đến đường điện do máy móc có công suất quá lớn trong khi nguồn điện hiện có lại quá nhỏ nên máy móc không thể vận hành mà cần phải có đường điện ba pha. Dự án bị đội vốn, cần thêm 181.000.000 đồng để lắp đặt đường điện ba pha; cùng với đó là các nguyên nhân về chất lượng, mẫu mã, đầu ra của sản phẩm…

Ðề tài “Nghiên cứu, đánh giá các điều kiện và đề xuất giải pháp, xây dựng cơ sở dữ liệu nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Ðiện Biên” do Trung tâm Ðịa Môi trường và Tổ chức lãnh thổ chủ trì, thời gian thực hiện từ tháng 12/2014 - 12/2016, dự toán được phê duyệt 1.652.553.000 đồng, đến năm 2016 đã cấp đủ vốn, nhưng vì nhiều lý do mà đơn vị chủ trì xin gia hạn đề tài. Ðến ngày 5/10/2017, đề tài được nghiệm thu. Từ khi nghiệm thu đến nay đã tròn 1 năm nhưng đề tài vẫn chưa được đưa vào ứng dụng trong thực tiễn. Mục tiêu của đề tài là: Ðề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả, xây dựng nông thôn mới và phát triển bền vững kinh tế - xã hội khu vực nông thôn trong giai đoạn mới; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ theo dõi, đánh giá các quá trình thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh...

Ông Hà Xuân Mừng, Phó chánh Văn phòng Ðiều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh Ðiện Biên - đơn vị nhận chuyển giao và sử dụng kết quả thực hiện đề tài cho biết: Tôi không biết Ðề tài “Nghiên cứu, đánh giá các điều kiện và đề xuất giải pháp, xây dựng cơ sở dữ liệu nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Ðiện Biên” đã hoàn thành hay chưa vì tôi không phải là thành viên hội đồng nghiệm thu đề tài; cũng không thấy Sở Khoa học và Công nghệ và đơn vị chủ trì nghiên cứu chuyển giao đề tài sau nghiệm thu. Hiện nay, Văn phòng vẫn đang thực hiện Bộ chỉ số theo dõi Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020, theo Thông tư 05 ngày 1/3/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn...

Bà Mai Thị Trang, Trưởng phòng Quản lý kinh tế nông thôn, Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - thành viên Hội đồng nghiệm thu đề tài cho biết: Ðề tài “Nghiên cứu, đánh giá các điều kiện và đề xuất giải pháp, xây dựng cơ sở dữ liệu nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Ðiện Biên” được Hội đồng đánh giá nghiệm thu xếp loại đạt vì vẫn còn nhiều chỗ cần chỉnh sửa, bổ sung cụ thể: Một số căn cứ pháp lý trong báo cáo tổng kết đã hết hiệu lực (Quyết định 491/QÐ-TTg ngày 16/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã được thay thế bằng Quyết định 1980/QÐ-TTg ngày 17/10/2016...). Việc chuẩn hóa dữ liệu thực hiện theo Thông tư số 02/2012/TT-BTNMT ngày 19/3/2012 do Quyết định số 06/2007/QÐ-BTNMT ngày 27/2/2007 đã hết hiệu lực. Các giải pháp đưa ra còn chung chung; chỉ đưa ra các giải pháp tài chính, chưa đưa ra các cơ chế. Phần mềm dữ liệu cần chỉnh sửa bổ sung, phần số liệu cơ sở cần nhập phần hệ thống có thể mã hóa, tính toán... Không biết đến nay, đơn vị chủ trì đề tài đã chỉnh sửa bổ sung hay chưa…?

Ðể tìm hiểu về hiệu quả ứng dụng các đề tài, dự án sau nghiệm thu, chúng tôi đã trao đổi với ông Bạc Cầm Khuyên, Trưởng phòng Kế hoạch - Quản lý khoa học (Sở Khoa học và Công nghệ); ông Khuyên cho biết: Ðơn vị chỉ quản lý các đề tài, dự án khi triển khai nghiên cứu đến lúc nghiệm thu. Còn sau nghiệm thu có ứng dụng hay không là việc của các huyện, xã, các cơ quan, đơn vị và người dân; Sở không có kinh phí để thực hiện việc này…

Triển khai các đề tài, dự án khoa học là việc làm có ý nghĩa thiết thực; nhưng bên cạnh một số ít đề tài, dự án khoa học phát huy hiệu quả thì vẫn còn nhiều đề tài, dự án sau vài năm triển khai, nghiên cứu tiêu tốn hàng tỷ đồng, nhưng đến khi nghiệm thu chỉ thu về “đống sắt vụn” (máy móc nhà xưởng bỏ hoang) hay những tập giấy chỉ để “đút ngăn kéo” không ứng dụng vào thực tiễn… Ðể tránh lãng phí tiền của Nhà nước, các cơ quan đơn vị liên quan cần có tâm, có tầm trong việc xây dựng, nghiên cứu và trển khai đề tài, dự án; tránh tình trạng triển khai thực hiện đề tài chỉ nhằm mục đích “tiêu tiền” Nhà nước, mà thực chất là tiền thuế của dân. Bên cạnh đó, UBND tỉnh giao đơn vị chức năng cần quản lý chặt hơn nữa trong việc lựa chọn các đề tài, dự án nghiên cứu theo từng lĩnh vực phù hợp với thực tế địa phương; đồng thời, cần thực hiện đánh giá việc triển khai, ứng dụng của các đề tài, dự án sau nghiệm thu...
Anh Nguyễn
Bình luận
Back To Top