Kinh tế tăng trưởng nhưng thu ngân sách vẫn gặp khó khăn

15:02 - Thứ Sáu, 26/10/2018 Lượt xem: 10711 In bài viết

ĐB Nguyễn Hữu Cầu băn khoăn, thu ngân sách 2018 tuy tăng 3% so với dự toán, song sụt giảm mạnh so với những năm gần đây. Hai thành phố lớn là Hà Nội, TPHCM đều hụt thu; nợ thuế lớn lên tới hơn 83.000 tỷ đồng tăng hơn 13% so với cuối năm 2017. “Đây là những điểm tối mà Chính phủ cần có giải pháp căn cơ hơn thời gian tới”, ĐB Nguyễn Hữu Cầu nói.

Sáng nay, 26-10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm 2016-2020; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019; 3 năm thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế 5 năm giai đoạn 2016-2020; kết quả 3 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi; việc thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020.

Nội dung này sẽ tiếp tục được thảo luận trong chiều nay và ngày 27-10.

Kinh tế tăng trưởng nhưng vẫn còn nhiều hạn chế

Đánh giá một cách tổng thể, nhiều đại biểu (ĐB) ghi nhận, đánh giá cao những thành tựu đã đạt được trong báo cáo của Chính phủ.

Là người phát biểu đầu tiên, ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) bày tỏ sự phấn khởi khi những chỉ tiêu kinh tế đạt được thời gian qua khá ấn tượng; 9 tháng đầu năm 2018 tăng trưởng GDP đạt 6,98%; nợ công giảm, tỷ trọng đầu tư ngoài nhà nước tăng trong đó đầu tư tư nhân ước tăng hơn 42% và điều đó được nhìn nhận như là chỉ số tín nhiệm của nhân dân dành cho Chính phủ.

Tuy nhiên, dù đánh giá là “thành công khá toàn diện, đất nước khởi sắc, vận nước đang lên” nhưng ĐB Nguyễn Anh Trí cũng bày tỏ sự chưa yên tâm ở tất cả các lĩnh vực. Chẳng hạn như đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), chuyển giao công nghệ chưa được như mong muốn, nhiều công nghệ cũ, tiêu tốn năng lượng, nguy cơ ô nhiễm…

 

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Cầu - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An thảo luận tại hội trường sáng 26-10. Ảnh: Quochoi.vn

Chia sẻ sự ấn tượng khi 12/12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2018 đều đạt và vượt song ĐB Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) bày tỏ sự băn khoăn về những thất thoát lãng phí trong đầu tư công, từ đầu nhiệm kỳ này là 12 dự án thua lỗ ngành công thương và nay là một số dự án hạ tầng giao thông. Ví dụ như dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đầu tư hơn 34.000 tỷ đồng vừa mưa vài trận đã hỏng; dự án đường sắt Hà Đông - Cát Linh từ khoảng 8.000 tỷ đồng, đội vốn hơn 18.000 tỷ đồng, tăng 200% và dự kiến hoàn thành 2013 nhưng đến nay đã quá 6 năm vẫn chưa vận hành. Theo Kiểm toán Nhà nước, Bộ Giao thông – Vận tải có 27/42 dự án điều chỉnh tăng thêm vốn, tương đương 97,2 triệu USD.

Từ những ví dụ trên, ĐB Nguyễn Hữu Cầu cho rằng, “các dự án kéo dài thất thoát lãng phí nhiều vô kể” và đề nghị cần xử lý nghiêm, bởi nếu không, sau này những dự án như xây dựng sân bay Long Thành, cao tốc Bắc - Nam phí Đông với tổng vốn đầu tư hàng triệu tỷ đồng khó tránh khỏi thất thoát.

Về vấn đề ngân sách, ĐB Nguyễn Hữu Cầu băn khoăn, thu ngân sách 2018 tuy tăng 3% so với dự toán, song sụt giảm mạnh so với những năm gần đây. Hai thành phố lớn là Hà Nội, TPHCM đều hụt thu; nợ thuế lớn lên tới hơn 83.000 tỷ đồng tăng hơn 13% so với cuối năm 2017. “Đây là những điểm tối mà Chính phủ cần có giải pháp căn cơ hơn thời gian tới”, ĐB Nguyễn Hữu Cầu nói.

Ghi nhận những thành tựu kinh tế - xã hội đạt được trong năm 2018 nhưng ĐB Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) muốn Chính phủ giải trình rõ động lực tăng trưởng kinh tế năm 2018 do đâu, khi một số chỉ tiêu như dịch vụ, tăng năng suất lao động, đóng góp các nhân tố tổng hợp (TFP) thấp hơn 2017 và không đạt mục tiêu năm 2018...

“Thu ngân sách năm 2018 ước vượt 3% dự toán nhưng tăng ở lĩnh vực nào là chính, vì sao khoản thu ngân sách từ 3 khu vực kinh tế chính lại không đạt?”, ĐB Tiến đặt câu hỏi và đề nghị làm rõ việc cứ 100 doanh nghiệp lập mới thì 77 phá sản.

“Vì sao số doanh nghiệp phát triển chững lại, số giải thể tăng cao trong khi môi trường kinh doanh được báo cáo là đang đẩy mạnh cải thiện. Với đà này mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp có đạt được?”, ĐB Tiến băn khoăn.

Cần đẩy mạnh tinh giản biên chế

Một vấn đề khác được nhiều ĐB quan tâm là vấn đề tinh giản bộ máy theo Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII.

ĐB Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) cho rằng, chủ trương về việc tinh giản biên chế rất tốt nhưng chưa có hướng dẫn khiến địa phương lúng túng, mỗi nơi làm một cách khác nhau. Việc giảm biên chế còn nặng tính cơ học, chưa tính toán thấu đáo. Vì vậy, Chính phủ cần chỉ đạo để thực hiện thống nhất.

 

Đại biểu Quốc hội Cao Đình Thưởng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ thảo luận tại phiên họp sáng 26-10. Ảnh: Quochoi.vn

 ĐB Phạm Xuân Thăng (Hải Dương) cũng chia sẻ và nhận xét, vừa qua Chính phủ triển khai nghị quyết về tinh giản biên chế khá quyết liệt, Thủ tướng cũng ban hành nhiều quyết định liên quan. Việc giảm số lượng cấp phó, giảm đầu mối bên trong các đơn vị, giảm biên chế người hưởng lương từ ngân sách nhà nước... tạo ra chuyển biến tích cực. Tính chung thời gian qua đã tinh giản được trên 16.000 biên chế, trong đó có hơn 12.000 biên chế công chức. Tuy nhiên đối chiếu các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, việc tinh giản biên chế sau 3 năm còn thấp so với mục tiêu; số đơn vị tự chủ tài chính mới chiếm 0,2%; tổ chức trong bộ máy cơ quan Chính phủ, HĐND các tỉnh, địa phương còn nhiều tầng nấc.

Từ đó, ĐB Phạm Xuân Thăng đề nghị sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản làm cơ sở pháp lý cho lộ trình tinh giản biên chế, hợp nhất một số chức danh ở cơ quan Đảng, Nhà nước có tính tương đồng.

ĐB Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) thì đánh giá, việc tinh giản biên chế, thu gọn bộ máy thời gian qua đã đạt nhiều kết quả, nhưng còn chậm, bộ máy nhà nước vẫn cồng kềnh; đặc biệt chưa tinh giản được những trường hợp có đạo đức công vụ, năng lực yếu kém, ngân sách nhà nước chi cho lương vẫn chiếm tỷ lệ lớn. Thừa nhận việc tinh gọn bộ máy không thể làm trong ngày một ngày hai vì đây là lĩnh vực phức tạp, nhạy cảm, nhưng ĐB Tạ Văn Hạ cho rằng, đã đến lúc phải nhận thức rõ tiền thuế của nhân dân không thể chịu nổi khi hàng năm phải chi thường xuyên chiếm hơn 60% ngân sách, chi đầu tư phát triển không còn nhiều.

ĐB này cũng kiến nghị Quốc hội, Chính phủ nên nghiên cứu sáp nhật một số tỉnh, thành từ kinh nghiệm thực tiễn sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính, sáp nhập Hà Nội và Hà Tây khi mà Hà Nội đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về quy mô, diện mạo với nhiều thành tựu to lớn, toàn diện.

P.V (Theo SGGP)
Bình luận
Back To Top