Ðiều tiết chi trả DVMTR

Thêm nguồn lực bảo vệ và phát triển rừng

08:26 - Thứ Tư, 31/10/2018 Lượt xem: 11247 In bài viết

ĐBP - Do không thuộc lưu vực các thủy điện lớn nên nhiều diện tích rừng tại lưu vực đầu nguồn sông Mã nhận được tiền số tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) rất thấp (gần 6.300 đồng/ha/năm). Ðiều này khiến công tác chi trả DVMTR gặp không ít khó khăn, chưa kể đến việc người dân tham gia bảo vệ và phát triển rừng còn băn khoăn khi so bì đơn giá chi trả quá chênh lệch giữa các lưu vực trong tỉnh với phần việc như nhau. Cuối tháng 7 vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 592 về việc điều tiết tiền DVMTR năm 2017 từ lưu vực sông Ðà (lưu vực Nhà máy Thủy điện Lai Châu) có mức chi trả lớn hơn 2 lần mức hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước cho khoán bảo vệ rừng sang lưu vực sông Mã. Ðiều này khiến chủ rừng phấn khởi, tích cực hơn tham gia bảo vệ và phát triển rừng.

 

Người dân xã Tênh Phông (huyện Tuần Giáo) phát dọn thực bì.

Bà Ðặng Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc phụ trách Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh cho biết: Theo quy định, tiền chi trả DVMTR được tính theo lưu vực của các nhà máy thủy điện. Trên địa bàn tỉnh hiện có 2 lưu vực chính là nguồn Trung ương cấp về là lưu vực sông Ðà và lưu vực sông Mã. Lưu vực sông Ðà có 3 nhà máy thủy điện lớn nên số tiền chi trả DVMTR hàng năm rất cao. Vì thế mà diện tích rừng thuộc các huyện Mường Nhé và Nậm Pồ mỗi năm mức chi trả lên tới 800.000 đồng/ha; diện tích rừng thuộc lưu vực 2 thủy điện trên sông Ðà mức chi trả cũng đạt hơn 500.000 đồng/ha/năm. Mức chi trả này góp phần nâng cao và cải thiện đời sống cho người dân sống nhờ rừng và tăng cường nguồn lực bảo vệ và phát triển rừng. Tuy nhiên, diện tích rừng thuộc lưu vực sông Mã lại được chi trả với mức rất thấp, chỉ khoảng 6.300 đồng/ha/năm, khiến người dân thường không đến nhận tiền gây khó khăn cho công tác chi trả.

Trước thực trạng đó, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình UBND tỉnh việc điều tiết chi trả DVMTR. Theo đó, năm 2017 diện tích rừng thuộc lưu vực sông Ðà (phần diện tích nằm trong lưu vực Thủy điện Lai Châu) gần 112.798,5ha có đơn giá chi trả 822.703 đồng/ha/năm; lớn hơn 2 lần mức hỗ trợ của ngân sách Nhà nước cho khoán bảo vệ rừng (mức hỗ trợ 400.000 đồng/ha/năm theo Nghị định 75/2015/NÐ - CP của Chính phủ) là 22.703 đồng/ha/năm. Trong khi đó, đơn giá chi trả tiền DVMTR qua các năm cho lưu vực sông Mã qua các năm chỉ đạt 6.290 đồng/ha/năm. Căn cứ tại Ðiểm a, Khoản 1, Ðiều 6, Thông tư số 22/2017/TT - BNNPTNT ngày 15/11/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn xác định số tiền chi trả cho 1ha rừng từ một bên sử dụng DVMTR, trong đó quy định “Ðối với diện tích rừng có mức chi trả DVMTR lớn hơn 2 lần mức hỗ trợ của ngân sách Nhà nước cho khoán bảo vệ rừng, tùy theo đối tượng trên cùng địa bàn cấp tỉnh, UBND cấp tỉnh quyết định mức điều tiết phù hợp”. Ðó là cơ sở để Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh tham mưu giảm mức chênh lệch đơn giá giữa lưu vực có đơn giá cao nhất (lưu vực sông Ðà - Nhà máy Thủy điện Lai Châu) và lưu vực có đơn giá chi trả thấp nhất (lưu vực sông Mã), tạo động lực giữ rừng đối với chủ rừng ở lưu vực sông Mã. Như vậy, tổng số tiền điều tiết DVMTR năm 2017 của lưu vực sông Ðà hơn 2,56 tỷ đồng được điều tiết sang chi trả cho 59.673ha rừng thuộc lưu vực sông Mã thuộc các huyện: Ðiện Biên, Ðiện Biên Ðông, Mường Ảng và 10 xã của huyện Tuần Giáo).

Huyện Tuần Giáo có 10/19 xã, thị trấn có diện tích rừng thuộc lưu vực sông Mã, với tổng diện tích hơn 8.300ha, được giao cho 69 chủ rừng là cộng đồng, nhóm hộ và 722 hộ dân. Ðể thực hiện chi trả DVMTR, UBND huyện đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến chính sách này đến các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân có liên quan; đồng thời tổ chức họp triển khai kế hoạch DVMTR tại các thôn, bản. Tuy nhiên, do đơn giá chi trả DVMTR rừng quá thấp (khoảng 6.000 đồng/ha/năm) nên người dân chưa mặn mà với việc hoàn thiện các thủ tục để nhận tiền chi trả DVMTR dù vẫn tham gia bảo vệ và phát triển rừng. Ông Vàng A Mua, Chủ tịch UBND xã Tênh Phông, cho biết: Hiện xã có trên 2.200ha rừng được giao cho 15 chủ rừng là hộ dân và 3 chủ rừng là cộng đồng bảo vệ, chăm sóc. Nhận thức được tầm quan trọng của việc giữ rừng và được hưởng lợi từ rừng nhờ chính sách chi trả DVMTR của Nhà nước nên bà con trong xã đều tích cực tham gia chăm sóc, bảo vệ. Nhờ đó, rừng trên địa bàn phát triển xanh tốt, không bị xâm hại; không có tình trạng đốt, phá rừng làm nương. Biết được thông tin UBND tỉnh đã quyết định điều tiết tiền DVMTR, đơn giá chi trả tiền DVMTR cao hơn, bà con ai cũng phấn khởi. Mức chi trả tiền DVMTR cao hơn, cuộc sống của người dân sống bằng nghề rừng và sống phụ thuộc vào rừng chắc chắn được cải thiện và tạo thêm nguồn lực trong công tác bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn.

Bài, ảnh: Minh Thùy
Bình luận
Back To Top