Phát triển thủy điện phải đảm bảo lợi ích người dân

10:13 - Thứ Năm, 01/11/2018 Lượt xem: 12090 In bài viết

ĐBP - Thời gian qua, việc đầu tư xây dựng nhà máy thuỷ điện đã phục vụ tốt yêu cầu phát triển KT - XH, tăng nguồn thu ngân sách và tạo việc làm cho người dân địa phương. Tuy nhiên, công tác quản lý, giám sát đầu tư xây dựng và vận hành các dự án thủy điện cần được chú trọng hơn nữa nhằm đảm bảo hài hoà lợi ích của người dân.

 

Tháng 9/2018, người dân vùng Dự án Thủy điện Sông Mã 3 (huyện Ðiện Biên Ðông) rào đường vào nhà máy vì chủ đầu tư nhiều lần thất hứa trả tiền cho người dân.

Với diện tích rộng, mạng lưới sông, suối dày đặc, tỉnh ta có nhiều tiềm năng phát triển thủy điện. Tính đến hết năm 2017, toàn tỉnh có 41 dự án thủy điện vừa và nhỏ, với tổng công suất lắp máy là hơn 457MW. Trong đó, có 10 nhà máy thủy điện đang vận hành, khai thác và 15 dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư… Tuy nhiên, sự “bùng nổ” của các nhà máy thủy điện đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất, đời sống nhân dân vùng dự án. Ngày 18/10 vừa qua, HÐND tỉnh tổ chức phiên họp giải trình công tác quản lý Nhà nước về quản lý, đầu tư xây dựng thủy điện trên địa bàn. Tại phiên họp, nhiều đại biểu thẳng thắn nhận xét: Việc đầu tư thủy điện tuy mang lại hiệu quả, nhưng chưa thực sự quan tâm đến lợi ích của người dân. Nhiều dự án nhà máy thủy điện có mức đền bù giải phóng mặt bằng, thu hồi đất với mức giá thấp; công tác đền bù chậm, các chính sách hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề, bố trí đất sản xuất, đặc biệt là hỗ trợ sau thu hồi đất chưa được quan tâm thực hiện, vì vậy đời sống của nhân dân tại các khu vực thủy điện còn gặp nhiều khó khăn.

Dự án Nhà máy Thủy điện Sông Mã 3 nằm trên địa bàn 4 xã: Mường Luân, Phì Nhừ, Phình Giàng và Háng Lìa (huyện Ðiện Biên Ðông), do công ty Cổ phần Ðầu tư và Xây dựng Ðông Á làm chủ đầu tư. Ðược khởi công từ năm 2016, công suất 29,5MW với tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng. Dự kiến nhà máy sẽ hoàn thành cuối năm 2018. Dự án thu hồi gần 300ha đất, trong đó chủ yếu là đất sản xuất của người dân các bản Pá Vạt 1, 2, 3 của xã Mường Luân. Một trong những quy định quan trọng khi khảo sát, lập dự án đầu tư là nhà đầu tư đã cam kết với chính quyền và người dân sẽ thực hiện đầy đủ và kịp thời các chế độ theo quy định trong việc bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ người dân sau tái định cư... Thế nhưng, thời gian nhà đầu tư không thực hiện như cam kết là thanh toán 100% tiền đền bù đất và cây trồng, kiến trúc, tài sản trên đất vào ngày 15/9/2018. Ðến ngày hẹn, phía Công ty Cổ phần Ðầu tư và Xây dựng Ðông Á chỉ trả tiền tạm ứng cho các hộ dân. Vì vậy, dẫn đến tình trạng người dân bức xúc, rào đường ngăn cản quá trình thi công công trình. Ông Lò Văn Tươi, bản Pá Vạt 1, xã Mường Luân, cho biết: Ðất sản xuất với người dân chúng tôi rất quan trọng, cả gia đình 5 khẩu chỉ dựa vào diện tích này để sinh sống. Giờ dự án thu hồi, người dân chúng tôi đồng tình ủng hộ, nhưng phía công ty chậm chi trả tiền đền bù như đã hứa, thậm chí thất hứa rất nhiều lần khiến người dân bức xúc mới rào đường lại. Không có tiền lại mất đất, chúng tôi muốn làm gì cũng không được.

Bên cạnh việc nâng cao công tác quản lý vận hành các nhà máy thủy điện đã đưa vào hoạt động và quản lý xây dựng các nhà máy đang thi công, cần đặc biệt chú trọng đến các dự án thủy điện đã có chủ trương khảo sát, lập dự án đầu tư. Theo thống kê, hiện nay toàn tỉnh có gần 20 dự án nhà máy thủy điện đã được UBND tỉnh cho chủ trương khảo sát, lập dự án đầu tư. Ðiện Biên Ðông là một trong những huyện có nhiều dự án thủy điện đã được khảo sát, lập dự án. Theo quy hoạch, trên địa bàn huyện hiện có tổng cộng 11 dự án thủy điện đã được phê duyệt, cấp phép đầu tư, thi công hoặc đang trong giai đoạn khảo sát, bổ sung quy hoạch. Trong đó, riêng trên dòng sông Mã có 7 thủy điện với công suất dự kiến hơn 103MW. Một lãnh đạo huyện Ðiện Biên Ðông, cho biết: Quan điểm của huyện là đồng thuận với chủ trương thu hút đầu tư về thủy điện trên địa bàn, bởi sẽ mang lại nhiều lợi ích về kinh tế cho địa phương, nhất là hiện nay trên địa bàn huyện đơn giá chi trả dịch vụ môi trường rừng thuộc diện thấp nhất cả nước (trung bình 6.000 đồng/ha/năm). Tuy nhiên, chủ trương xây dựng thủy điện với mật độ cao: Trên một đoạn sông dài khoảng 40km qua địa bàn huyện nhưng có đến 7 thủy điện, sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nhất là đối với một số xã thuộc vùng hạ lưu.

Liên quan đến mật độ thủy điện quá dày trên một dòng sông ở địa bàn huyện Ðiện Biên Ðông, ông Nguyễn Văn Tưởng, Giám đốc Sở Công Thương giải thích: Sở đã thực hiện đúng quy định theo Thông tư 43/2012/TT-BCT ngày 27/12/2012 của Bộ Công Thương về đảm bảo đất đai không chiếm dụng quá 10ha đất các loại hoặc không di dời quá 1 hộ dân đối với 1MW công suất lắp máy, không chồng lấn lên quy hoạch khác. 7 dự án này này chủ yếu là dự án thủy điện nhỏ, diện tích chiếm dụng đất không lớn, chủ yếu là đất rừng phức tạp, đất ven sông và một phần đất nương. Trong khi đó, số hộ dân bị ảnh hưởng ít và không phải thực hiện di dân tái định cư mà chỉ thực hiện di vén dân tại chỗ, vì vậy việc thẩm định, tham mưu cho UBND tỉnh trình Bộ Công Thương thẩm định phê duyệt bổ sung quy hoạch đối với các dự án nhà máy này hoàn toàn đúng quy định.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Tưởng, trong thời gian tới, Sở sẽ thực hiện rà soát quy hoạch, đánh giá kỹ ảnh hưởng tác động môi trường - xã hội, tham mưu UBND tỉnh loại bỏ quy hoạch các dự án có hiệu quả thấp, ảnh hưởng nhiều đến đất đai, môi trường, người dân... đồng thời bổ sung quy hoạch các dự án thủy điện có tiềm năng trên địa bàn.

Văn Tâm
Bình luận
Back To Top