Người tiêu dùng không thể đứng ngoài cuộc

08:57 - Thứ Hai, 05/11/2018 Lượt xem: 9430 In bài viết

ĐBP - Những nội dung thông tin ghi trên nhãn hàng hóa nhằm tạo cơ sở pháp lý và điều kiện thuận lợi cho giao dịch thương mại, giúp người tiêu dùng biết được nguồn gốc, xuất xứ, công dụng... của sản phẩm được bày bán trên thị trường. Theo quy định, ghi nhãn hàng hóa là quy định bắt buộc trong kinh doanh, thế nhưng, trên thị trường hiện nay, hàng hóa vi phạm về nhãn mác lại khá phổ biến. Ðể giải quyết vấn nạn này, không chỉ cần có sự nỗ lực của các lực lượng chức năng mà chính những người tiêu dùng cũng không thể đứng ngoài cuộc…

 

Cán bộ Ðội Quản lý thị trường số 1 (Cục Quản lý thị trường Ðiện Biên) kiểm tra nhãn mác hàng hóa tại cửa hàng tạp hóa trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ. Ảnh: Hải Phong

Trong Nghị định 43/2017/NÐ-CP quy định nhãn hàng hóa là bản viết, bản in, bản vẽ, bản chụp của chữ, hình vẽ, hình ảnh được dán, in, đính, đúc, chạm, khắc trực tiếp trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa hoặc trên các chất liệu khác được gắn trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa. Nhãn hàng hóa bắt buộc phải thể hiện các nội dung gồm: Tên hàng hóa; tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; xuất xứ hàng hóa, ngày sản xuất, hạn sử dụng, thông tin cảnh báo (nếu có)… Nhưng đó là trong quy định, còn thực tế hiện nay tình trạng vi phạm về nhãn mác diễn ra khá phổ biến. Chỉ cần dạo quanh một vòng các chợ lớn trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ có thể dễ dàng nhận thấy điều này. Ðơn cử, trong một sạp hàng tại chợ Mường Thanh có bày bán đủ loại hàng hóa, từ đồ khô như: Măng, mộc nhĩ, nấm hương… đến một số loại bánh, kẹo, khoai chiên sẵn… Nhưng theo quan sát của chúng tôi, tất cả đều được bọc trong túi nilon và thường không có nhãn mác hay thông tin về hàng hóa. Trong vai người mua hàng, chúng tôi hỏi chủ sạp về một loại bánh quẩy chiên giòn, được bán theo cân và đóng trong túi nilon lớn. Khi được hỏi về nguồn gốc loại bánh, chủ sạp khẳng định rằng món “đặc sản” này được nhập từ Thái Bình nhưng lại lấy một nhãn dán ghi địa chỉ xuất xứ là… huyện Hoài Ðức (TP. Hà Nội) để chứng minh với chúng tôi. Như để khẳng định thêm về chất lượng cũng như uy tín của mặt hàng này, chủ cửa hàng còn quảng cáo thêm tuy mới bán loại bánh này 2 tháng trở lại đây nhưng rất được khách hàng ưa chuộng… Không chỉ thực phẩm, các loại mỹ phẩm được bày bán ở các cửa hàng, những spa nhỏ cũng có hiện tượng vi phạm quy định về nhãn hàng hóa. Các mặt hàng này đều được người bán giới thiệu là “xách tay” từ Nhật Bản, Pháp, Hàn Quốc… nên không được dán nhãn phụ bằng tiếng Việt. Vì thế, người tiêu dùng rất khó xác định đó có phải là hàng “xịn” hay không, thành phần, công dụng, thậm chí là cách sử dụng như thế nào… Ngoài ra, một số nhà sản xuất cố tình đặt nhãn hàng hóa có tên gọi gần giống với nhãn hàng của những thương hiệu uy tín để gây sự nhầm lẫn với người tiêu dùng. Nhắc đến thương hiệu nước tinh khiết đóng chai của hãng lớn thì ngoài thị trường có đến 4 - 5 loại nước tinh khiết đóng chai có tên gọi gần tương tự như vậy để “đánh lận con đen”, nhất là bày bán tại các cửa hàng tạp hóa nhỏ, lẻ hoặc chuyển về các địa phương vùng sâu, vùng xa.

Ông Nguyễn Minh Cường, Ðội trưởng Ðội quản lý thị trường số 1 (Cục Quản lý thị trường tỉnh), cho biết: Tình hình hoạt động buôn lậu, buôn bán hàng giả, gian lận thương mại trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ 9 tháng qua không có diễn biến nổi cộm. Tuy nhiên, vẫn còn một số vi phạm diễn ra nhỏ lẻ, tập trung chủ yếu vào các hành vi, như: Nhãn hàng hóa, không niêm yết giá, quá hạn sử dụng, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc… Trong 9 tháng qua, đội kiểm tra và bắt quả quả tang gần 520 vụ, phát hiện sai phạm xử lý hành chính gần 230 vụ; trong đó có gần 80 vụ vi phạm về nhãn hàng hóa. Tuy nhiên, do số lượng các cơ sở kinh doanh rất lớn, trong khi đó lực lượng kiểm tra “mỏng” nên khó có thể quản lý hết hoạt động kinh doanh trên địa bàn. Do vậy, để không mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng, mỗi người tiêu dùng nên tạo cho mình thói quen xem kỹ thông tin ghi trên nhãn hàng hóa, chọn mua hàng có nhãn mác rõ ràng, tem hợp chuẩn, nếu là hàng nước ngoài phải có nhãn phụ bằng tiếng Việt. Người tiêu dùng không nên ham rẻ mà mua hàng hóa trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không nhãn mác…

Ðồng tình với khuyến cáo của cơ quan chuyên môn nhưng thiết nghĩ người tiêu dùng không thể đứng ngoài cuộc trong việc bảo vệ quyền lợi của mình. Nếu như người tiêu dùng khắt khe hơn trong việc lựa chọn hàng hóa, kiên quyết tẩy chay những mặt hàng không nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ thì những chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh làm ăn bất chính khó có thể tồn tại trong sự khốc liệt của thị trường. Từ đó, các cơ sở này buộc phải thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh hoặc nhường chỗ cho các cơ sở làm ăn chân chính, nghiêm chỉnh chấp hành quy định của pháp luật. Do vậy, trong thời gian tới, mong rằng người tiêu dùng sẽ chung tay cùng lực lượng chức năng đẩy lùi những vi phạm về buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, đặc biệt là những hàng hóa có vấn đề về nhãn mác.

Hải Phong
Bình luận
Back To Top