Nậm Pố dai dẳng cái nghèo

09:10 - Thứ Hai, 05/11/2018 Lượt xem: 11427 In bài viết

ĐBP - Bản Nậm Pố, xã Mường Nhé (huyện Mường Nhé) được di chuyển, sắp xếp dân cư theo Ðề án 79 đã 5 năm nay, với tổng số 409 hộ, 2.220 nhân khẩu. Do bản Nậm Pố có quá đông các gia đình nên đã được chia tách thành 4 bản là: Nậm Pố 1, Nậm Pố 2, Nậm Pố 3 và Nậm Pố 4. Mặc dù luôn được chính quyền các cấp quan tâm, tạo điều kiện về mọi mặt, nhưng đến nay, đời sống của người dân tộc Mông tại các bản Nậm Pố vẫn còn khó khăn về mọi mặt, với tỷ lệ đói nghèo cao (79%).

 

Những ngôi nhà trống hoác và nheo nhóc những đứa trẻ là tình trạng chung ở các bản Nậm Pố, xã Mường Nhé.

Vào các bản Nậm Pố để “mục sở thị” đời sống của bà con và tìm hiểu nguyên nhân đói nghèo, chúng tôi được biết, ngoài thiếu đất sản xuất, thì việc sinh đẻ nhiều, cùng tư tưởng lười nhác, lạc hậu chính là nguyên nhân khiến việc thoát nghèo của bà con nơi đây nhiều năm nay vẫn “giậm chân tại chỗ”.

Anh Thào A Chù, Trưởng bản Nậm Pố 3 cho biết: “Do thiếu đất sản xuất, người dân trong bản hầu hết đi làm thuê khắp nơi, còn phụ nữ thì sinh nhiều, bận bịu chăm sóc con cái, không đi nương được nên đói lắm, khổ lắm. Vào tháng giáp hạt cả bản đều thiếu đói”.

Bản Nậm Pố 3 có 210 hộ thì chỉ vài hộ không thuộc diện đói nghèo các hộ này là gia đình trưởng bản, bí thư chi bộ, thôn đội trưởng và vài hộ người dân tộc khác mới tới sinh sống. Ði quanh bản Nậm Pố 3, chúng tôi không tìm thấy một mô hình trồng trọt hay chăn nuôi nào đáng giá, chỉ thấy những ngôi nhà nằm san sát nhau, bên trong trống hoác, không có đồ dùng giá trị và trẻ em nheo nhóc không đủ quần, áo mặc. Với gần 1.300 nhân khẩu, tính ra mỗi gia đình trong bản Nậm Pố 3 có từ 6 - 8 khẩu. Nói về việc sinh đẻ nhiều, anh Thào A Chù cho biết thêm: Mặc dù chính quyền xã và huyện thường xuyên cử cán bộ dân số vào bản tuyên truyền kế hoạch hóa gia đình, song tình trạng gia tăng dân số vẫn không giảm, nhất là trong 3 năm trở lại đây. Cả bản Nậm Pố 3 chỉ có 2 hộ đẻ ít nhất là 3 con, còn lại hộ nào cũng có từ 4 con trở lại, đặc biệt có hộ đẻ tới 11 đứa con. Ðó là trường hợp của gia đình anh Hờ A Chá, mới ngoài 40 tuổi nhưng đã sinh tới 11 người con, đứa lớn nhất 19 tuổi nhưng đã bỏ học 10 năm nay để ở nhà phụ giúp gia đình. Anh Chá cho biết: “11 đứa con của tôi giờ chỉ còn 3 đứa đang đi học, còn lại đều bỏ học để giúp gia đình nhưng vẫn không đủ ăn, đủ mặc”.

Sinh nhiều cũng là tình trạng phổ biến ở các bản Nậm Pố 1, Nậm Pố 2 và Nậm Pố 4. Cùng với đó, theo tìm hiểu của chúng tôi, bà con người Mông các bản này vẫn giữ những hủ tục khá lạc hậu như: Làm lý đám ma, đám cưới kéo dài 2 - 3 ngày; mời thầy cúng chữa bệnh cho trẻ; tảo hôn...

Trao đổi với chúng tôi, ông Sùng Páo Ly, Chủ tịch UBND xã Mường Nhé cho biết: “Do bà con các bản Nậm Pố thiếu quỹ đất sản xuất, nên hàng năm, chính quyền xã ưu tiên khá nhiều chương trình hỗ trợ cho bà con. Nhưng cũng chính vì thế, bà con có tư tưởng trông chờ, ỷ lại nên dù được hỗ trợ nhiều nhưng cuộc sống của dân bản vẫn không khấm khá hơn là mấy. Mặc dù, xã thường xuyên tuyên truyền, vận động bà con, thậm chí cho cán bộ khuyến nông, cán bộ văn hóa, cán bộ phụ nữ vào bản hướng dẫn bà con chăn nuôi, trồng trọt, vận động sinh đẻ có kế hoạch, nhưng do tập quán lâu đời đã ăn sâu vào tiềm thức của bà con nên rất khó thay đổi”.

Ðáng buồn thay, trong khi những bản tái định cư khác trên địa bàn huyện Mường Nhé đang thay da, đổi thịt từng ngày, thì ở các bản Nậm Pố vẫn dai dẳng cái nghèo. Ðây là thực trạng nan giải mà chính quyền sở tại cần vào cuộc, đẩy mạnh công tác tuyên truyền; đồng thời huy động sự phối hợp của các cấp, ngành, trong việc tác động sâu rộng vào ý thức của đại bộ phận người dân, để họ thay đổi nhận thức, tập trung lao động sản xuất và phát triển kinh tế gia đình.

Bài, ảnh: Phương Liên
Bình luận
Back To Top